Chiều nay (17/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Góp ý vào dự án, nhiều đại biểu băn khoăn về việc dự án Luật sửa đổi không đề cập đến các đối tượng người lao động lao động ở nước ngoài còn chịu nhiều rủi ro, không được bảo vệ từ phía doanh nghiệp, tổ chức đưa đi. Việc quy định thời hạn điều kiện được cấp phép, gia hạn cấp giấy phép cho doanh nghiệp dễ dẫn đến phát sinh thủ tục hành chính, tiêu cực…
Theo đại biểu Lưu Văn Đức (Đăk Lăk), thực tế hiện nay số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài không theo hợp đồng ngày càng đông. Theo thống kê không chính thức, tính đến cuối năm 2018, có khoảng 49.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, tập trung ở một số nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia… Riêng tại khu vực biên giới với Trung Quốc mỗi năm có khoảng 250.000 người Việt Nam sang Trung Quốc làm việc, buôn bán cả hợp pháp và trái phép, đặt ra những vấn đề phức tạp về bảo hộ công dân, quản lý dân cư.
“Đây là vấn đề cần được Chính phủ quan tâm xử lý, nếu được tính toán đưa vào trong dự án Luật này”, đại biểu Đức kiến nghị.
Đại biểu Đức cũng cho rằng không nên quy định thời hạn giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài như trong dự thảo Luật là thời hạn 5 năm. “Quy định như vậy thì cứ sau 5 năm doanh nghiệp lại phải làm thủ tục gia hạn giấy phép, vừa phát sinh thủ tục hành chính, tạo thêm rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại biểu Đức nói.
Giải đáp các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, bình quân hàng năm có khoảng 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Hiện nay cả nước có 580 nghìn lao động làm việc ở nước ngoài, tham gia vào thị trường 43 quốc gia vùng lãnh thổ khác nhau.
Theo con số mới nhất, thu ngân sách từ nguồn lao động tại nước ngoài gửi về của Việt Nam xấp xỉ 5 tỉ USD và tỉnh có thu nhập lớn nhất từ nguồn này là xấp xỉ 300 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí yếu kém ở khu vực này như thuê môi giới bất hợp pháp, trốn ở lại, vi phạm hợp đồng, cò mồi… Trước tình hình này, Bộ LĐTB&XH và các địa phương đã chấn chỉnh nhiều, đã xử phạt 118/459 doanh nghiệp khác nhau.
Về các hình thức người Việt Nam đi lao động nước ngoài, Luật hiện hành quy định 4 hình thức: người lao động đi thông qua doanh nghiệp mà được cấp phép của Bộ LĐTB&XH; đi qua doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận công trình ở nước ngoài; đi thông qua doanh nghiệp và cá nhân tổ chức đầu tư ra nước ngoài; đi theo hợp đồng lao động tự do của người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng, nhưng lao động tự do này trước khi đi thì đăng ký qua cơ quan quản lý lao động ở địa phương.
“Do vậy, cần làm rõ, lao động không theo hợp đồng thì không được điều chỉnh bởi Luật này. Ví dụ như đi theo con đường bất hợp pháp, như vụ 39 người ở Anh vừa qua không thuộc chi phối của Luật này. Hoặc đi theo con đường không có hợp đồng lao động, như di cư tự do. Hoặc đi lao động qua đường biên cũng vậy”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận