Chuyện dọc đường

Gỡ “nút thắt“ cơ chế cho đường thủy

29/11/2018, 07:08

Những năm gần đây, khi đường bộ ngày càng ùn tắc và quá tải, giao thông đường thủy với nhiều lợi thế...

10

Phần lớn hàng hóa vận tải bằng đường thủy hiện chủ yếu là hàng rời, vật liệu xây dựng

Thực tế, trong khoảng thời gian 3-4 năm qua, kể từ khi tuyến vận tải sông pha biển khai trương, với tăng trưởng mỗi năm ở mức từ hai đến ba con số đã tạo cú hích lớn để đường thủy phát triển. Tuy nhiên, nếu nói lĩnh vực này đã tận dụng hết tiềm năng, lợi thế của mình thì phải thẳng thắn thừa nhận là chưa và tỷ trọng giữa đường bộ - đường thủy chưa được co ngắn nhiều.

Hiện, đường thủy vẫn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên nên từ hệ thống kết cấu hạ tầng (luồng tuyến, cảng bến, kho bãi) đến đội ngũ phương tiện, nguồn nhân lực, công nghệ… đều chậm đổi mới. Hàng hóa trên nhiều tuyến vận tải vẫn truyền thống là vật liệu xây dựng, hàng rời, còn vắng bóng container và các loại hàng hóa như đường bộ. Nói hơi quá, nếu trên một số tuyến vận tải thủy chính không có tàu vận tải cát, đá sỏi hoạt động sẽ vắng tanh như “chùa Bà Đanh”. Hơn nữa, đường thủy còn chưa tìm được chỗ đứng trong mắt xích vận tải đa phương thức, kết nối với đường bộ, hàng hải, đường sắt.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn là nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy quá ít. Trong bối cảnh vốn ngân sách khó khăn, các dự án xã hội hóa đường thủy chưa hấp dẫn nên các dự án đầu tư cho lĩnh vực này những năm qua chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Việc đầu tư chưa tương xứng đang khiến giao thông thủy tồn tại nhiều điểm nghẽn với hàng loạt cây cầu cũ, khổ thông thuyền hẹp cản trở vận tải như: Cầu Đuống trên hành lang vận tải thủy số 1 Việt Trì - Quảng Ninh; cầu Rạch Ông, Xà No, Nàng Hai ở phía Nam hay kênh Chợ Gạo, sông đào Hạ Lý, tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng đó độ sâu, các cửa sông, cửa biển, luồng đường thủy thường xuyên bồi lắng… nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư, nạo vét.

Còn nhớ thời điểm năm 2015, Việt Nam đã có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đường thủy (Quyết định 45 ngày 5/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ), như hỗ trợ lãi suất, vốn vay đóng phương tiện thủy. Tuy nhiên, đến nay, do vẫn thiếu hướng dẫn cụ thể nên gần như những chủ trương, chính sách trên không được triển khai trên thực tế.

Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN Trần Đỗ Liêm chia sẻ, tới đây cần có những cơ chế ưu đãi đồng bộ cả về đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực, phương tiện, kết nối vận tải với phương thức khác. Quan trọng hơn, cơ chế khuyến khích, ưu đãi cần cụ thể, thiết thực và không gặp trắc trở, vướng mắc khi triển khai trong thực tế. Chỉ có như vậy mới có thể tạo sức bật cho giao thông thủy, để lĩnh vực này thực sự phát huy hết lợi thế như kỳ vọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.