10 năm, tàu bay tăng gấp 3, đường bay tăng gần 2,5 lần
Số liệu thống kê từ Cục Hàng không VN, trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2008 - 2018, số lượng tàu bay của Việt Nam đã tăng gấp 3 (đạt 192 tàu so với con số 60 tàu của năm 2008). Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi. Đáng lưu ý, nếu như năm 2008, đội tàu bay sở hữu của Việt Nam chỉ có 29 tàu thì đến nay con số này là 57 tàu.
Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008. Trước đây, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc…
Cũng theo Cục Hàng không VN, nếu trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines thì hiện nay đã có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng không của Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại. Cho biết tốc độ tăng trưởng thị trường hành khách hàng không đang chậm lại so với cùng kỳ năm 2018, không còn đạt mức 2 con số, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường hành khách chỉ đạt 38,5 triệu khách (tăng 9,4% so cùng kỳ 2018). Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 56,8 triệu lượt khách (tăng 8,4%). Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách, tăng 7,7%.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Thắng là do rào cản hạ tầng, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất.
“Kết quả khai thác những năm gần đây cho thấy các đường bay trục Tân Sơn Nhất - Nội Bài, Tân Sơn Nhất - Đà Nẵng và các đường bay đi/đến Tân Sơn Nhất chiếm phần quan trọng trong hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam. Đặc biệt, đường bay Tân Sơn Nhất - Nội Bài luôn là đường bay nội địa hấp dẫn hàng đầu. Năm 2018, tỷ trọng của đường bay này trong mạng nội địa của Vietnam Airlines là 28,9%, của Jetstar Pacific là 25,5% và của VietJet Air là 17,5%. Tính cả 3 hãng, năm 2018 đường bay này chiếm 22,7% thị phần nội địa. Hay nói cách khác, cứ 5 khách đi nội địa thì có 1 khách đi trên đường bay này với hệ số sử dụng ghế trung bình năm 2018 trên đường bay này cũng đạt trên 90%”, ông Thắng phân tích và cho biết, nhu cầu khai thác trên các đường bay đi/đến Tân Sơn Nhất là rất lớn, tuy nhiên cảng này đã và đang khai thác vượt công suất nên việc gia tăng khai thác để đáp ứng nhu cầu của thị trường là rất hạn chế.
Thực tế, 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách qua Tân Sơn Nhất - cảng hàng không đông đúc nhất cả nước chỉ đạt 20,5 triệu hành khách, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhiều năm liên tục trước đó, mức tăng trưởng tại đây luôn đạt ở 2 con số.
Đột phá đầu tư hạ tầng cách nào?
Chúng tôi đang rất trông chờ Chính phủ thông qua 2 dự thảo đặc biệt quan trọng này. Nếu được thông qua, những vấn đề liên quan đến hạ tầng của Tân Sơn Nhất nói riêng và hạ tầng cảng hàng không nói chung sẽ được giải quyết.
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh
Dù nhiều năm thị trường hàng không Việt tăng trưởng tốt, tuy nhiên, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tổng công suất 22 cảng hàng không đang khai thác trên cả nước hiện chưa bằng một sân bay Changi của Singapore. Trong khi đó, đầu tư cho hạ tầng hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn. Bằng chứng là dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất dù rất cấp bách, cần nhanh chóng giải cứu song hơn 3 năm vẫn không thể triển khai.
Chuyên gia hàng không Trịnh Như Long cho rằng, “tình cảnh” của ACV - doanh nghiệp đang quản lý, khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước hết sức trớ trêu: “Tiền nhiều, nhu cầu đầu tư cấp thiết, đất có, nhưng không thể đầu tư”.
Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt thừa nhận: “Hiện ACV có khoảng 25.000 tỷ đồng gửi ngân hàng. Khó nhất hiện nay là quyền đầu tư của ACV tại chính hệ thống các CHK, sân bay mà ACV đang quản lý không rõ ràng”, ông Phiệt nói.
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cũng cho rằng, giải pháp để tháo gỡ không khó. “Pháp luật chỉ cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cảng trong việc quản lý, khai thác CHK. Tới đây cần lập và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng CHK theo đúng Điều 64 Luật Hàng không dân dụng VN; Đồng thời quy định rõ quyền của doanh nghiệp cảng đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu (sân bay, nhà ga và các công trình phụ trợ, các công trình hạ tầng kỹ thuật chung)”, ông Thanh đề xuất.
Đồng thời ông Thanh cũng kiến nghị, trong xã hội hóa đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng cảng hàng không, sân bay, cần tránh tình trạng dự án nào dễ sinh lời thì xã hội hóa, dự án nào khó khăn thì để doanh nghiệp nhà nước đầu tư. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng, đẩy doanh nghiệp nhà nước vào thế khó, dần dần bị teo tóp, suy yếu.
Đồng quan điểm, chuyên gia Trịnh Như Long cho rằng, cảng hàng không là một thể thống nhất, phải được quản lý khai thác đồng bộ, xuyên suốt. Việc điều tiết, cho ai vào đầu tư như thế nào phải do nhà khai thác cảng quyết định.
Làm rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm
Đại diện Cục Hàng không VN cho biết những bất cập liên quan đến hạ tầng hàng không sẽ cơ bản được giải quyết sau khi Đề án quản lý và khai thác hạ tầng khu bay cũng như Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 102 về quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay đã được Bộ GTVT trình Chính phủ.
Thông tin thêm, vị này cho hay, theo Dự thảo Đề án quản lý và khai thác hạ tầng khu bay, Bộ GTVT đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) quản lý khai thác khu bay theo Điều 99, Luật Tài sản công. Theo đó, ACV có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa. Trong trường hợp đầu tư, nâng cấp, ACV sẽ sử dụng khoản phí cất hạ cánh.
Đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 102, cơ quan quản lý đã làm rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của người khai thác cảng. Cụ thể, theo khuyến cáo của ICAO, một cảng hàng không, một nhà khai thác, Nghị định mới được xây dựng theo hướng nhà khai thác cảng sẽ chịu trách nhiệm quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đồng thời định rõ kết cấu hạ tầng đó là những công trình mà không có nó thì cảng hàng không không thể khai thác được (bao gồm khu bay, nhà ga, đường nội cảng, hàng rào an ninh, điện, nước, những công trình bảo đảm an toàn, an ninh và các công trình quản lý hoạt động bay).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận