Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không là nhóm tài sản lớn, phức tạp, đòi hỏi việcsử dụng, khai thác thống nhất caotrong toàn bộ hệ thống - Ảnh: Tạ Tôn |
Cần có quy định cụ thể cho khu bay
Trong Tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng không, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Theo Nghị định số 102/2015 của Chính phủ, kết cấu hạ tầng cảng hàng không bao gồm kết cấu hạ tầng sân bay, công trình cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; công trình phục vụ bảo đảm an ninh hàng không, khẩn nguy sân bay; công trình hàng rào cảng hàng không; đường giao thông nội bộ trong cảng hàng không; công trình cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất. Trong đó, kết cấu hạ tầng sân bay gồm: Đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và các công trình, khu phụ trợ của sân bay, hàng rào sân bay, đường giao thông nội bộ trong sân bay.
Trước đây, kết cấu hạ tầng cảng hàng không được giao cho hai doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) và hệ thống tài sản hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm bay được giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Tuy nhiên, từ 1/4/2016, ACV đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Trước đó, trong phương án cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp này, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (trừ sân đỗ) đã được loại ra khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp để CPH.
“Kể từ thời điểm CPH ACV, việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng khu bay cần có quy định để tổ chức thực hiện và được quản lý theo pháp luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (từ ngày 1/1/2018) theo pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công”, Tờ trình do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ký nêu rõ.
Bổ sung doanh nghiệp vào đối tượng được giao quản lý tài sản
Theo thông tin của Báo Giao thông, Bộ GTVT vừa có ý kiến chính thức góp ý dự thảo Nghị định mới về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng không do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Một trong những điểm đáng chú ý theo đề xuất của Bộ GTVT là việc đề nghị bổ sung thêm “doanh nghiệp” vào đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Được biết, theo dự thảo của Bộ Tài chính, chỉ có cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, quy định như vậy là để phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định 3 phương thức giao tài sản công là giao tài sản công cho cơ quản quản lý tài sản; giao tài sản cho doanh nghiệp tính vào phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giao tài sản cho doanh nghiệp không tính vào phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”, Thứ trưởng Thọ cho biết thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia hàng không Trịnh Như Long, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN cho rằng, Luật Quản lý tài sản công có quy định hình thức giao tài sản công cho doanh nghiệp quản lý khai thác. Hiện, ở ngành khác cũng có trường hợp Nhà nước giao khai thác, do đó cần thiết bổ sung doanh nghiệp vào đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Liên quan đến việc giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT đề nghị 3 hình thức gồm giao cho cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng không thuộc Bộ GTVT; giao cho doanh nghiệp quản lý và tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Căn cứ các hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng nêu trên, Bộ GTVT lập Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.
“Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không là nhóm tài sản lớn, phức tạp, đồng thời việc sử dụng, khai thác yêu cầu thống nhất cao trong toàn bộ hệ thống. Để quyết định giao tài sản cho cơ quan được giao quản lý tài sản (Cục Hàng không VN) hay doanh nghiệp, phải có đề án đánh giá, phân tích tác động trên các yếu tố tổ chức, biên chế, chi ngân sách, an toàn bay”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
Cần gần 12 nghìn tỷ đồng đầu tư khu bay Giai đoạn 2012 - 2017, ACV đã đầu tư tới 8.100 tỷ đồng nâng cấp các tài sản khu bay. Trong số này, ngân sách Nhà nước (NSNN) chỉ đáp ứng được hơn 1.400 tỷ đồng (17%). Số còn lại được ACV cân đối từ các hoạt động khác trong chuỗi dịch vụ của cảng, chủ yếu từ nhà ga hành khách. Theo kế hoạch, giai đoạn 2018 -2021, tổng số tiền đầu tư nâng cấp khu bay lên tới gần 12 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động của khu bay sau khi đã trừ đi các chi phí thường xuyên (bao gồm cả bảo trì) là 840 tỷ đồng/năm, chỉ đáp ứng được khoảng 28% tổng mức đầu tư. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu Nhà nước trực tiếp đầu tư các tài sản kết cấu hạ tầng khu bay thì giai đoạn 2018 - 2021, NSNN sẽ phải chi tới hơn 13,8 nghìn tỷ đồng - một con số quá lớn trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Đó là chưa nói đến việc Nhà nước đầu tư hạ tầng khu bay bằng nguồn ngân sách theo Luật Đầu tư công có thể không đáp ứng kịp thời hoạt động khai thác tại khu bay nói riêng và cảng hàng không nói chung, ảnh hưởng đến an toàn hàng không và việc phát triển hạ tầng đáp ứng nhu cầu của thị trường. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận