Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, những năm qua, Việt Nam đã có những cải cách đáng kể song thể chế vẫn được xem là một trong những nút thắt cần phải được tháo gỡ.
Đột phá Khoán Mười, “cởi trói” kinh tế tư nhân
Sau hơn 30 năm đổi mới, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân đã có sự cải thiện rõ rệt. Ông đánh giá thế nào về thành tựu nổi bật của kinh tế Việt Nam sau hơn 3 thập kỷ qua?
Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng và có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao so với trước đây và so với khu vực.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng không ổn định qua các năm, thu nhập bình quân/người còn thấp so với khu vực. Theo Báo cáo Việt Nam năm 2035 do Ngân hàng Thế giới hợp tác với Chính phủ Việt Nam công bố năm 2015, nếu Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP/năm liên tục 7%/năm cho đến năm 2035 thì lúc đó sẽ đạt trình độ của Hàn Quốc năm 2000.
Về những chỉ số khác như Môi trường kinh doanh do IFC thuộc Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2019, Việt Nam xếp thứ 69/190 nền kinh tế.
Thể chế vẫn là nhân tố được đánh giá thấp trong các tiêu chí về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Năm 2017, xếp hạng về Chỉ số Đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ 47/127 nền kinh tế, nhưng thể chế xếp thứ 71. Chúng ta đã, đang và vẫn cần cải cách thể chế và công khai minh bạch, bởi đây sẽ là chìa khóa để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cải cách thể chế tức là thay đổi cách quản lý, thay đổi cơ chế quản trị, cơ chế sử dụng, sở hữu để tạo ra động lực đột phá, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống. Trong 3 thập kỷ qua, đâu là những giai đoạn mà ông cho là mang tính bước ngoặt, đột phá về thể chế để giúp đất nước dần thoát khỏi khó khăn và đi lên?
Có thể kể đến là Nghị quyết 10 (Khoán Mười, hay còn gọi là “khoán hộ”) của Ban Bí thư, cho phép hộ nông dân là chủ thể của đơn vị sản xuất nông nghiệp, được chủ động trong kế hoạch sản xuất, được bán nông sản theo giá thị trường. Chỉ vài năm sau khi có Khoán Mười, nước ta từ một nước nông nghiệp nhưng vẫn thiếu lương thực thành một quốc gia xuất khẩu lương thực đứng thứ hai thế giới.
Hay những đổi mới trong pháp luật về đất đai với chính sách giao đất giao rừng cuối những năm 1980 cùng với các chính sách quản lý và bảo vệ rừng đã góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ hiệu quả những khu rừng rộng lớn, góp phần xóa đói giảm nghèo…
Rồi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời cũng ghi dấu ấn về một sự đột phá thể chế trong kinh tế, từ chỗ người dân được làm gì pháp luật cho phép, chuyển hướng sang người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, cởi trói cho lĩnh vực kinh doanh, buôn bán nhỏ của tư nhân. Nguyên tắc này giúp phát huy mọi sáng tạo của các chủ thể phục vụ lợi ích của xã hội, của Nhà nước và của công dân. Đây là một cuộc cách mạng thứ hai tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Gỡ nút thắt kìm hãm sự phát triển
Để xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, một trong những nút thắt quan trọng cần tháo gỡ đó là chính sách đất đai, trong đó có mở rộng hạn điền và tích tụ ruộng đất. Nội dung này cũng đã được đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013, ông có kỳ vọng gì về điều này?
Đây sẽ là một cuộc cải cách đất đai lớn, khi tháo bỏ cơ chế hạn điền, tôi tin đây sẽ là thêm một lần thay đổi cơ chế, thể chế.
Tuy nhiên, trên lý thuyết thì dễ nhưng để góp các mảnh ruộng của nông dân lại thì đó là một câu chuyện còn dài. Thời gian qua nông dân ở Thái Bình, Hải Dương… thà để ruộng hoang để đi làm ăn xa nhưng bảo họ góp thì họ không chịu, cho thấy phải bảo đảm lợi ích thích đáng của nông dân. Chưa kể, khả năng tích tụ ruộng đất sẽ còn gặp nhiều khó khăn do phải bảo đảm quyền pháp lý của nông dân về sử dụng và kế thừa ruộng đất. Vì thế, luật cần chú ý đến quyền bảo vệ tài sản của nông dân trong quá trình tích tụ ruộng đất, Nhà nước phải sâu sát đi vào từng vấn đề và gắn với lợi ích của họ thì may ra mới thành công.
Ông từng cho rằng, dù kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển và có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa phát huy được hết hiệu quả và tiềm năng. Vậy nút thắt ở đây là những gì, thưa ông?
Nút thắt lớn nhất của Việt Nam là thể chế: Bộ máy trùng lắp, cồng kềnh, kém hiệu quả nhưng chi phí quá lớn. Luật pháp chồng chéo, thủ tục rườm rà, không rõ ràng, chi phí phi chính thức mà các doanh nghiệp phải trả để thực hiện sản xuất kinh doanh quá lớn, doanh nghiệp chỉ tập trung lo tồn tại, ít doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược phát triển và cạnh tranh dài hạn.
Chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) xếp hạng, Việt Nam xếp thứ 117/176 nền kinh tế, một vị trí rất thấp. Việt Nam cần thực hiện công khai, minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế về chi tiêu ngân sách, về trách nhiệm giải trình của cá nhân người ra quyết định để đạt được những tiến bộ thực chất.
Trong thời gian tới, chúng ta có thể gỡ nút thắt đó bằng cách nào, thưa ông?
Điều quan trọng trong cách mạng công nghiệp 4.0 là sáng tạo. Môi trường kinh doanh cần tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ cho doanh nghiệp liên kết với các nhà khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học để đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, vận dụng quản trị điện tử, kinh tế số. Xã hội, báo chí cần ủng hộ những ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá thay vì chỉ theo đường mòn, trong đó báo chí có thể đóng góp tiếng nói tích cực, xây dựng.
Cảm ơn ông!
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan:
Phải thay đổi tư duy, nhận thức
Trong nền kinh tế số, Việt Nam đừng tiếp tục hài lòng với các số liệu, chỉ số tăng trưởng kinh tế cao, kim ngạch xuất khẩu cao, tỷ trọng cao về các mặt... vì thực sự nội lực của nền kinh tế chưa tăng trưởng được bao nhiêu, chưa thực sự làm chủ, chủ động được để đi lên. Việt Nam sẽ tham gia tiếp chuỗi giá trị toàn cầu như thế nào đây khi mà lâu nay chúng ta đều ở tình trạng “low” (thấp) với tỷ lệ lớn lao động giá rẻ, làm những khâu giản đơn?
Điều quan trọng số 1 là Việt Nam phải thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm, cương quyết loại bỏ khỏi cách nhìn cũ, đừng vương vấn với những cái đã mang lại thành tích cho mình nhưng không mang lại tương lai cho mình. Đổi mới phải toàn diện về luật pháp, thể chế và hệ thống giáo dục. Chúng ta phải tạo môi trường kinh doanh và thể chế cho tốt, ví dụ như ngay cách phát triển hạ tầng, cũng cần tập trung vào hạ tầng mang tính cốt lõi, mang lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế. Thể chế phát triển hạ tầng phải tạo được sự minh bạch, chọn lựa ưu tiên đầu tư để mang lại hiệu quả tốt nhất. Giáo dục đào tạo phải nâng cao chất lượng con người, về nhận thức, về kỹ năng, về cách có thể thích ứng với thay đổi theo từng thời kỳ.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc:
Giải quyết sự xung đột, chồng chéo pháp luật
Những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa thực sự thông thoáng, không gian cải cách vẫn rất lớn. Một trong bất cập lớn là tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều các quy định pháp luật, đã làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh; là cơ hội phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện dự án.
Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo rà soát, đánh giá thực tế quy mô và toàn diện về thực trạng xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết; chỉ đạo việc phối hợp giữa các ban soạn thảo luật tại các bộ, ngành để tháo gỡ và ngăn ngừa chồng chéo, xung đột phát sinh trong quá trình sửa đổi dự thảo luật. Cần có một tổ chức độc lập đứng ra giúp Chính phủ chủ trì rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực này, hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và đưa ra được các giải pháp đột phá trong cải cách các thủ tục liên ngành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận