Doanh nghiệp buộc phải chạy “chui”
Đã từ nhiều tháng nay, ông Phí Kim Dũng, Giám đốc Công ty CP vận tải Đa quốc gia chạy đôn chạy đáo để xin cấp giấy phép vận chuyển chuyến hàng siêu trường, siêu trọng mà công ty vừa ký kết.
Việc từ chối cấp phép cho xe chở hàng siêu trường, siêu trọng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó (Ảnh minh họa)
Ngược xuôi nhiều lần giữa Cục Đường bộ VN, Khu Quản lý Đường bộ IV, sở GTVT nhưng ông vẫn chưa đạt được mục đích. Lý do là cơ quan cấp phép từ chối vì không đủ thẩm quyền, nơi thì không dám cấp phép.
Theo ông Dũng, việc bị từ chối cấp phép gây khó khăn cho doanh nghiệp, chủ hàng, đứt gãy chuỗi vận chuyển cấu kiện, thiết bị hàng siêu trường, siêu trọng phục vụ công trình, dự án lớn.
Ngoài việc phương tiện phải nằm bãi, không có tiền trả lương, để không bị phá sản, doanh nghiệp buộc phải vi phạm pháp luật khi chấp nhận vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng không phép.
Cũng theo ông Dũng, mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng quá tải. Cá biệt có những phương tiện có khối lượng toàn bộ lên đến 200 tấn chạy không được kiểm soát.
“Nguyên nhân do cơ quan quản lý đưa ra những quy định, thủ tục phức tạp, không phù hợp với thực tiễn. Việc này gây hư hỏng cầu đường và tiềm ẩn tai nạn giao thông”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Bùi Quang Liên, Giám đốc Công ty CP Vận tải đa phương thức Vietranstimex, Thông tư 46 hiện quy định chỉ cấp giấy phép xe quá tải hàng siêu trường, siêu trọng trong các trường hợp đặc biệt khi không còn phương án vận chuyển hay phương tiện nào khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khi phải chứng minh thế nào là “không còn phương án vận tải nào khác”.
“Quy định hiện hành cũng yêu cầu báo cáo khảo sát về thông tin tuyến đường, phương tiện vận chuyển, hàng hóa, hợp đồng vận chuyển.
Tuy nhiên, dữ liệu cầu đường của các đơn vị tư vấn, các Khu quản lý đường bộ, các sở GTVT không thống nhất. Vì vậy, nên cho phép doanh nghiệp được sử dụng kết quả đã được doanh nghiệp khác khảo sát trước đó”, ông Liên đề xuất.
Nói về vướng mắc khi nhập khẩu phương tiện, ông Nguyễn Xuân Chinh, Giám đốc Công ty CP Vận tải logistics Tân thế giới cho biết, nhiều sản phẩm này tuy đã hoạt động ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam lại chưa được phép.
Nhiều phương tiện, thiết bị mới được tạm thời hoạt động nhưng về lâu dài cần luật hóa, để doanh nghiệp được cập nhật các sản phẩm mới nhất.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho hay, nguyên nhân chính khiến vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng gặp khó là do sau khi Tổng cục Đường bộ được tổ chức thành Cục Đường bộ, đã phân cấp cho các Khu Quản lý đường bộ, các sở GTVT cấp giấy phép. Tuy nhiên, đây là nội dung mới nên các đơn vị tỏ ra e dè.
Ông Đặng Văn Chung, Chủ tịch Chi hội Hàng siêu trường, siêu trọng cho hay: “Mỗi chuyến hàng đều yêu cầu phải có hồ sơ khảo sát cầu đường khiến giá thành vận chuyển tăng cao, việc mất cả tháng để khảo sát cầu đường cũng làm doanh nghiệp điêu đứng.
Thêm nữa, có nhiều chuyến hàng phải yêu cầu có lực lượng chức năng là CSGT, TTGT dẫn đường nhưng do thiếu lực lượng nên không thực hiện được”.
Sẽ sửa đổi quy định
Là đơn vị quản lý các tuyến quốc lộ khu vực phía Nam, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ IV cho hay, tiêu chí cấp phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng ngoài việc phải đúng các quy định pháp luật còn phải bảo vệ được kết cấu hạ tầng đường bộ.
“Sau khi các Khu Quản lý đường bộ được giao cấp phép, số lượng giấy phép được cấp tăng từ 30 lên 50 giấy phép/ngày. Số lượng gia tăng đã gây áp lực lớn lên đơn vị được giao cấp phép.
Việc cấp phép phải tin vào kết quả khảo sát cầu đường của đơn vị tư vấn. Khi xảy ra vấn đề gì người cấp phép cũng phải chịu trách nhiệm nên phải cẩn trọng”, ông Dũng nói.
Theo đại diện Cục Đường bộ VN, với sự phát triển của vận tải, nhiều quy định tại Thông tư 46 đã không còn phù hợp, nhiều loại thiết bị, công nghệ mới được ứng dụng trên xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.
Các văn bản quy phạm pháp luật chưa được điều chỉnh kịp thời. Việc sửa đổi Thông tư đã được Cục Đường bộ VN đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023.
Trong đó, sẽ tập trung sửa đổi thẩm quyền công bố tải trọng cầu đường, thay vì giao cho sở GTVT như hiện nay sẽ được chuyển về UBND cấp tỉnh công bố. Bên cạnh đó, định nghĩa về hàng tháo dời hay không thể tháo dời cũng sẽ được làm rõ.
Các Khu Quản lý đường bộ, các sở GTVT cấp phép còn nhiều bất cập khi không nắm bắt được tình trạng cầu đường, vận chuyển liên tỉnh. Thẩm quyền hiện đang giao cho các Khu Quản lý đường bộ, các sở GTVT sẽ được “trả lại” cho Cục Đường bộ VN.
“Trước đây, thiết kế tính tải trọng đường được căn cứ vào loại xe trục đơn, có tải trọng thấp chỉ 10 - 12 tấn. Đến nay, đã xuất hiện nhiều loại xe có tải trọng lớn, nên tới đây cũng sẽ tính toán lại để phù hợp với các loại xe hàng siêu trường, siêu trọng.
Bên cạnh đó, các bất cập về tính chiều dài, chiều rộng, chiều cao hay dẫn đường cho xe siêu trường, siêu trọng, thời gian cấp phép và tận dụng kết quả khảo sát cầu đường cũng sẽ được khắc phục khi sửa đổi Thông tư”, vị này cho biết.
Sửa đổi Quy chuẩn 49
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho hay, phương tiện dùng để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng nhập khẩu đa phần là xe cũ. Cơ quan đăng kiểm lần đầu tiếp cận với loại phương tiện này nên khó tránh khỏi vướng mắc về tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất.
“Doanh nghiệp có thể chủ động thông báo cho Cục Đăng kiểm VN về loại phương tiện mới được nhập khẩu nhưng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp, Cục sẽ đánh giá và đề xuất cho phép thí điểm. Nếu thế giới đã dùng phương tiện đó rồi, sẽ đề nghị cho áp dụng ở Việt Nam. Cục đang sửa đổi Quy chuẩn 49 về các yếu tố kỹ thuật phương tiện nhập khẩu và sản xuất lắp ráp”, ông An nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận