360 độ thể thao

Góc khuất “chuyện ấy” tại Olympic Paris 2024

30/07/2024, 06:04

Giống như các kỳ thế vận hội trước đó, chủ đề sex tiếp tục được nhắc tới nhiều tại Olympic Paris 2024. Dù vậy, một vài ý kiến cho rằng, câu chuyện đang được thêu dệt thái quá.

Giường carton và bao cao su

Trong một video TikTok có 2,7 triệu lượt xem, VĐV lặn người Mỹ Tom Daley đã thử độ bền của chiếc giường dành cho một người tại làng VĐV Olympic Paris 2024. Anh làm nhiều động tác khác nhau như nhún nhảy, lộn nhào hay bay người vào chiếc giường cá nhân nhưng nó vẫn đứng vững. "Chúng đã vượt qua bài kiểm tra. Đó là tin giả", Tom Daley viết.

Góc khuất “chuyện ấy” tại Olympic Paris 2024- Ảnh 1.

Lối vào làng VĐV Olympic Paris 2024, nơi lưu trú của các VĐV tới từ khắp thế giới.

Daley đang nói về việc những chiếc giường làm bằng bìa carton được cho là để ngăn chặn tình trạng quan hệ tình dục tại làng VĐV. Không riêng anh, nhiều VĐV tới từ các quốc gia khác cũng đã thử độ bền vững của những chiếc giường.

Cầu thủ bóng chày Israel Ben Wanger đăng một video lên TikTok về cảnh anh nhảy lên giường mà không làm hỏng nó. VĐV thể dục dụng cụ Ireland Rhys McClenaghan đã chứng minh rằng khung giường chắc chắn hơn nhiều so với thông tin trước đó.

Giường carton đã được sử dụng bắt đầu từ Olympic Tokyo 2020 với mục đích bảo vệ môi trường. Dù vậy, nhiều luồng ý kiến cho rằng, nhà chức trách muốn hạn chế tình trạng quan hệ tình dục trong quá trình diễn ra thế vận hội. Đương nhiên, lập luận này gần như được bác bỏ trước việc những chiếc giường không mong manh như phần đông vẫn nghĩ.

Ngoài ra, Ban tổ chức Olympic 2024 phát miễn phí tới 350 nghìn bao cao su cũng cho thấy, việc ngăn VĐV quan hệ tình dục khi tham dự thế vận hội là thiếu cơ sở. Trước đó, tại Olympic Tokyo 2020, 200 nghìn chiếc bao cao su cũng được cung cấp miễn phí.

Vì sao chủ đề sex được quan tâm?

Theo cuộc khảo sát trực tuyến do Rizz, một ứng dụng hẹn hò tại Mỹ thực hiện, khoảng 71% những người từ 18-27 tuổi tò mò về chuyện quan hệ tình dục của các VĐV Olympic. Vậy tại sao mỗi lần Thế vận hội diễn ra, nhiều người có xu hướng tập trung vào đời sống tình dục?

Trước hết, có thể thấy các VĐV thường ở trong trạng thái thể chất đỉnh cao nên nhiều suy luận cho rằng ham muốn cao "chuyện ấy". Nhưng theo nhà nghiên cứu Erik Anderson, sự quan tâm tới tình dục vốn là xu hướng chung của xã hội, đặc biệt với những người nổi tiếng.

"Chúng ta nhìn nhận tình dục phần lớn tiêu cực, nói về điều này thì thầm nhưng lại luôn quan tâm tới chủ đề này. Trong khi đó, Olympic là sự kiện quy tụ hàng nghìn VĐV trẻ, đang ở đỉnh cao phong độ từ khắp nơi trên thế giới và họ thường có ngoại hình ưa nhìn. Thêm vào đó, mọi người nói chung có xu hướng tự hỏi và tưởng tượng về cuộc sống riêng tư của VĐV chuyên nghiệp và người nổi tiếng", Erik Anderson nói.

Đồng quan điểm, bà Sara Nasserzadeh, một nhà tâm lý học xã hội nhận định, tình dục không phải điều gì bất thường giữa những người trẻ tuổi trong bối cảnh xã hội chung và Thế vận hội không ngoại lệ.

"Mỗi lần có Thế vận hội, mọi người sẽ hỏi tôi, VĐV có được quan hệ tình dục không? Điều này có làm họ yếu đi không? Có an toàn không? Nhìn chung, bất kỳ cuộc tụ họp nào của mọi người, ngay cả ở các buổi hòa nhạc, nghệ thuật lớn đều có những cuộc trò chuyện về tình dục, khoái cảm và kết nối, bởi vì đây là một trong những cách mọi người kết nối", bà Sara Nasserzadeh chia sẻ.

Không nên đi quá xa

Mặc dù vậy, theo bà Sara Nasserzadeh, sự tò mò về tình dục của các VĐV Olympic là bình thường, nhưng đôi khi nó có thể đi quá xa, không phù hợp: "Phán đoán không phải là điều thực sự cần theo đuổi trong hoàn cảnh này. Chúng ta không biết những VĐV thực sự làm gì và không thể nói thay họ".

Trong khi đó, Ian Kerner, một nhà trị liệu, chuyên gia tình dục và mối quan hệ nghi ngờ những tin đồn về tình dục trong làng Olympic phần lớn là bị thổi phồng. Theo ông, các VĐV Olympic có công việc quan trọng phải làm.

"Đôi khi nghe có vẻ như ngoài lúc thi đấu, họ sẽ chìm đắm vào những "bữa tiệc" thể xác. Nhưng rất có thể họ đang tập trung vào giấc ngủ", Ian Kerner thẳng thắn nhận định.

Tờ Dailymail tiết lộ, nữ vận động viên chèo thuyền người Mỹ Emily Delleman đã đăng tải một video lên TikTok với nội dung liên quan tới việc tìm kiếm bạn tình ở Olympic Paris. Mục đích của cô muốn người hâm mộ hiểu rõ rằng, làng Olympic không phải điểm nóng cho các cuộc gặp gỡ kiểu tình một đêm như phần đông công chúng vẫn suy nghĩ.

Cô tải ứng dụng hẹn hò Tinder, thay đổi vị trí của mình thành làng Olympic để ghép đôi với những VĐV khác. Dù vậy, Delleman cho biết, ứng dụng hẹn hò này đã thổi phồng tiềm năng kết đôi.

"Tôi đã rất phấn khích, kỳ vọng đang tăng lên, tôi trang trí hồ sơ của mình thật đẹp. Nhưng khi tôi bắt đầu cuộn, hầu như không có VĐV nào khác trên ứng dụng. Tôi đã thu hẹp vị trí của mình xuống bán kính một dặm từ làng Olympic nhưng vẫn không thấy ai xuất hiện. Các bạn thấy đấy, đôi khi mình muốn đâu phải là được", Emily Delleman hài hước bày tỏ.

Đoàn thể thao Việt Nam vẫn chưa có huy chương tại Olympic 2024

Ngày 29/7, Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2024 có hai VĐV tham gia tranh tài.

Võ sĩ Hà Thị Linh bước vào vòng 2 môn boxing hạng 60kg nữ gặp VĐV người Trung Quốc Yang Wenlu.

Dù chạm mặt hạt giống số 1 ở hạng cân này nhưng Hà Thị Linh đã chơi khá tự tin khi chủ động đánh sòng phẳng với đối thủ.

Tuy nhiên, với đẳng cấp cao hơn, Yang Wenlu vẫn dễ dàng kiểm soát tình hình.

Hiệp đầu tiên, Yang Wenlu được trọng tài chấm 5 điểm 10. Trong khi Hà Thị Linh chỉ được 5 điểm 9.

Sang hiệp 2, võ sĩ Việt Nam chủ động áp sát và chờ thời cơ phản đòn nhưng không mang lại hiệu quả.

Ở hiệp đấu này, tay đấm người Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế với 5 điểm 10. Trong khi, Hà Thị Linh chỉ được 5 điểm 9.

Trong hiệp đấu cuối cùng, bà mẹ 2 con đã tấn công mạnh mẽ hơn với hy vọng lội ngược dòng.

Nhưng tay đấm xứ tỷ dân vẫn phòng ngự hay và có những pha ra đòn chuẩn xác.

Dù có đôi chút vất vả nhưng Yang Wenlu vẫn cho thấy bản lĩnh của ứng viên vô địch khi được giành 4 điểm 10 và 1 điểm 9 từ trọng tài, còn Hà Thị Linh có 4 điểm 9 cùng 1 điểm 10.

Chung cuộc, võ sĩ Trung Quốc giành chiến thắng 5-0 trước Hà Thị Linh, qua đó giành vé đi tiếp.

Sau đó không lâu, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng thi đấu ở vòng loại nội dung bơi 800m tự do nam.

Trong 300m đầu tiên, Huy Hoàng xếp thứ 5 với thành tích 2 phút 58 giây 26, kém 3 giây so với kình ngư dẫn đầu.

Ở 200m tiếp theo, kình ngư Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 5 nhưng khoảng cách giữa anh với người dẫn đầu đã là 5 giây.

Kết thúc vòng loại nội dung 800m tự do nam, Huy Hoàng đứng ở vị trí thứ 5 với thành tích 8 phút 08 giây 39, kém 19,90 giây so với người dẫn đầu.

Với kết quả này, Huy Hoàng không thể giành vé vào chung kết nội dung 800m tự do nam.

Như vậy, Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2024 vẫn chưa thể giành huy chương sau 3 ngày tranh tài chính thức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.