Xã hội

Góp ý văn kiện Đại hội Đảng: Cần chiến lược cho từng "nhiệm vụ môi trường"

14/11/2020, 16:16

Phó GS.TS Bùi Thị An đánh giá cao dự thảo các văn kiện và mong muốn với từng nhiệm vụ môi trường lớn cần chiến lược lâu dài để xử lý thấu đáo

img
Phó GS. TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng

Xem xét nghiêm ngặt quy trình bảo vệ môi trường

Đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phó GS. TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng đánh giá, các dự thảo trong văn kiện được chuẩn bị chu đáo, chất lượng, phương pháp xây dựng bố cục và nội dung rõ ràng, chi tiết.

“Dự thảo báo cáo chính trị mang tính tổng kết khá cụ thể, dễ hiểu. Các dự thảo báo cáo đều cập nhật thông tin tốt, với những thông tin mới ở trong nước và quốc tế, được đưa vào một cách nghiêm túc, khoa học”, bà An nói.

Theo Phó GS.TS Bùi Thị An, dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Góp ý trong nhóm nhiệm vụ về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, bà Bùi Thị An nêu rõ, đây là nhiệm vụ thực sự rất cấp bách hiện nay.

“Những ngày gần đây, Việt Nam vất vả chống chọi với cơn lũ lịch sử ở dải đất miền Trung. Nguyên nhân là do cả khách quan và chủ quan, hiện tượng chặt phá rừng phòng hộ, làm thủy điện không tính đến những nguy cơ rủi ro đối với các vùng dân cư”, bà An nói.

Theo bà An, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không tính đến an ninh sinh thái, môi trường, nguồn nước, lương thực… hay tình trạng ô nhiễm không khí trong năm vừa qua đã đặt ra yêu cầu cần xem xét nghiêm ngặt quy trình bảo vệ môi trường.

"Phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng không quên việc bảo tồn môi trường tự nhiên. Đảm bảo môi trường sống không ô nhiễm, người dân có quyền thụ hưởng một môi trường lành mạnh và trong sạch. Chính điều này đã được dự thảo đề cập và đưa ra nhiệm vụ cụ thể", bà An cho hay.

Cần sắp xếp giải pháp một cách chặt chẽ và logic

Qua nghiên cứu, Phó GS.TS Bùi Thị An cho rằng, các nhiệm vụ về môi trường được dự thảo văn kiện Đại hội Đảng báo cáo, đề cập khá toàn diện, đầy đủ đối với 4 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp chính. Tuy nhiên, để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai trong thực tế, Ban soạn thảo cũng cần sắp xếp lại các nhiệm vụ, giải pháp một cách chặt chẽ và logic.

Theo bà An, trong nhóm nhiệm vụ về phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường cần bổ sung nhiệm vụ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và cấp địa phương; thực hiện và nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược cho các chiến lược, quy hoạch cũng như các kế hoạch.

Trong nhóm nhiệm vụ về cải thiện môi trường cần bổ sung nhiệm vụ tăng cường thu gom, xử lý các sản phẩm thải bỏ, đặc biệt là các thiết bị, linh kiện, chất thải điện tử đang ngày càng gia tăng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhóm nhiệm vụ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được trình bày trong dự thảo báo cáo chưa rõ nét nên cần được bổ sung việc duy trì diện tích đất rừng, đất để bảo tồn đa dạng sinh học. Nghiêm cấm xâm hại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển…

“Do đó, giải pháp trước mắt cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc quản lý và khai thác tài nguyên, bởi liên quan đến an ninh lương thực, nguồn nước, khoáng sản… và có những vùng, khu vực tài nguyên khoáng sản quốc gia còn là những vùng chiến lược của quốc phòng - an ninh”, bà An nói và cho biết cần có chiến lược lâu dài cho từng lĩnh vực, ví dụ để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt cần bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia và có sự đóng góp của nhiều chuyên gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.