Góp ý Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho rằng, mục tiêu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế.
Theo ông Sơn, khi xây dựng quy hoạch hệ thống đường cao tốc Việt Nam, cơ quan chuyên môn đã phân tích kỹ lưỡng các nhu cầu thiết yếu, các điều kiện về kinh tế kỹ thuật để đưa ra số km cần thiết, chứ không thể tự mình "kẻ ra".
“Các tuyến cao tốc được xây dựng sẽ kết nối các địa phương, là trục động lực để phát triển KT-XH đất nước. Do đó, đặt mục tiêu cả nước có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 là hoàn toàn phù hợp nhu cầu thực tế”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư rất khó khăn, để hiện thực hóa mục tiêu này cần sự ủng hộ rất lớn từ chính quyền Trung ương đến địa phương và sự phối hợp của các bộ, ngành. Một mình Bộ GTVT sẽ không thể thực hiện được. Nguồn vốn đầu tư sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành bại của mục tiêu này.
"Tôi cho rằng, ngoài nguồn vốn ngân sách, chúng ta phải tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh thu hút vốn xã hội hóa vào đầu tư hạ tầng", ông Sơn nhấn mạnh.
Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Sơn cho biết, hiện nay, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã được trình Chính phủ. Sau khi Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, chúng ta sẽ triển khai ngay các bước tiếp theo.
“Trước tiên là nghiên cứu báo cáo khả thi để xác định quỹ đất, các thông số chi tiết, quy hoạch không gian các ga,... Do đó quá trình nghiên cứu dự án này sẽ được tiến hành ngay khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, còn quá trình thực hiện đầu tư dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2025”, ông Sơn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận