Góp ý vào văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, liên quan đến vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần thực hiện hiệu quả việc tinh giản biên chế, có chế độ đãi ngộ xứng đáng để cán bộ công chức yên tâm làm việc.
Vẫn còn kẽ hở để cán bộ sách nhiễu
Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2016- 2020) và phương hướng 5 năm (2021- 2025) chỉ rõ, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Vấn đề tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước là chủ trương đã có từ lâu, đến giai đoạn 2010 - 2020 đã có hiệu quả nhất định, đặc biệt là hai năm 2019 - 2020. Những tổ chức có thể sáp nhập thì chúng ta đã sáp nhập, hiện các cơ quan đang thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế/năm...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bộ máy có tinh giản nhưng vẫn chưa tinh gọn, đặc biệt là một số đối tượng lao động hợp đồng vẫn chưa đúng đối tượng. Nguyên nhân là nếu giảm những đối tượng này cũng rất khó vì không biết sắp xếp công ăn việc làm cho họ như thế nào. Vướng mắc nữa là khi chúng ta đưa ra những chỉ tiêu chung cơ quan nào cũng phải tinh giản, song thực tế có những ngành, những địa phương nếu tinh giản thì không còn người để làm việc, ví dụ như giáo viên, cán bộ y tế…
Dự thảo văn kiện cũng nêu rõ, vẫn còn tình trạng lợi ích cục bộ, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Theo ông, nguyên nhân của thực trạng này là gì?
Trong việc giải quyết thủ tục hành chính thì chủ chương của Đảng và Nhà nước là rất rõ ràng, quyết tâm thực hiện nền hành chính vì dân phục vụ. Giai đoạn qua chúng ta đã có những bước tiến rất tốt. Tuy nhiên, ở một số nơi còn có dấu hiệu vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Nguyên nhân của hạn chế này là do trong quy định chung hiện nay vẫn còn kẽ hở để một số cá nhân, tổ chức lợi dụng nhằm hạch sách, nhũng nhiễu người dân.
Thời gian tới, dự thảo văn kiện có đề ra nhiều giải pháp như tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp; Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức... Theo ông, nội dung như vậy đã cụ thể, rõ ràng hay vẫn chung chung?
Văn kiện Đại hội Đảng là chủ trương chung, mang tính định hướng. Còn khi đi vào thực hiện thì phải có từng quyết định, chỉ thị để hướng dẫn cụ thể ở từng lĩnh vực.
Tinh giản biên chế để tăng lương
Trong văn kiện cũng nêu rõ, trong bộ máy vẫn còn có những người có biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”. Làm thế nào và cần cơ chế gì để phát hiện và loại bỏ những người như vậy?
“Tư duy nhiệm kỳ” được hiểu là lối suy nghĩ này thường mang tính ngắn hạn, thời vụ trong nhiệm kỳ cá nhân, nghĩa là chỉ lo cho cái trước mắt, vun vén lợi ích cá nhân, thấy lợi thì làm, thấy khó thì tránh, không có trách nhiệm, không hết lòng phụng sự đất nước, nhân dân.
Tháng 8/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Kết luận về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, sau đó Bộ Chính trị có Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, đã đưa ra những quy định để chấn chỉnh tình trạng này, đồng thời cũng để lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức, năng lực tốt nhất.
Chúng ta cần tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo xem họ khởi đầu nhiệm kỳ đăng ký thực hiện kế hoạch, mục tiêu gì, kết thúc nhiệm kỳ đã hoàn thành chưa, thực hiện đến đâu, qua đó kết luận về trách nhiệm của họ, rút ra bài học cho người kế nhiệm. Nói cách khác, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức.
Một trong những giải pháp được nêu ra là xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc tăng lương liệu có thể thực hiện được không?
Muốn tăng lương, chúng ta phải thực hiện hiệu quả việc tinh giản biên chế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Khi đã giảm được biên chế thì chi thường xuyên sẽ giảm bớt và có nguồn để tăng lương cho cán bộ công chức.
Yếu tố tiếp theo là phát triển kinh tế. Khi kinh tế phát triển thì thu ngân sách sẽ tăng lên và nguồn dành cho cải cách tiền lương chắc chắn sẽ tăng.
Giải pháp nâng lương để phòng chống tham nhũng là một nội dung quan trọng, bởi không ít cán bộ có thu nhập thấp nên đã có hành vi “tham nhũng vặt”. Nếu đồng lương mà đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thường ngày thì cũng phần nào hạn chế được tham nhũng.
Ngoài mức lương xứng đáng theo từng vị trí việc làm, theo ông cần phải có thêm những chính sách gì để cán bộ công chức yên tâm làm việc?
Cần đẩy mạnh công tác chọn lọc, quy hoạch, đào tạo các thế hệ cán bộ, công chức có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, đề bạt và đánh giá công bằng.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân.
Đồng thời có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận