Rà soát toàn bộ vướng mắc, gỡ ngay trong thẩm quyền
Chiều 22/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chủ trì buổi làm việc về công tác GPMB dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn còn chậm.
Chỉ rõ công tác bồi thường, GPMB còn chậm, nhất là trong 3 tháng qua chưa có sự chuyển biến, ông Minh yêu cầu Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông rà soát toàn bộ nội dung vướng mắc để xử lý, vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh giải quyết. Chỉ đạo đơn vị di dời hạ tầng kỹ thuật bàn giao mặt bằng.
Ông Minh cũng yêu cầu khẩn trương cấp phép các mỏ vật liệt trên thần càng sớm càng tốt.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có tổng chiều dài hơn 88km, tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Dự án do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư.
Dự án khởi công vào ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, phải hoàn thành công tác GPMB dự án trong năm 2023. Quảng Ngãi thể hiện quyết tâm cao nhất và sẽ hoàn thành nhiệm vụ này”, ông Minh khẳng định.
Trước đó, phó giám đốc Ban QLDA 2 Cao Việt Hùng cho biết, năm 2023, Bộ GTVT bố trí cho Quảng Ngãi 2.000 tỷ đồng, song đến nay tỉnh này mới giải ngân hơn 748 tỷ đồng. Đại diện Ban QLDA2 kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục cấp phép đối với các mỏ đất đã được chấp thuận chủ trương gồm mỏ đất Truông Ổi, Sườn Đồi, Bren, Đồi Dốc Cộ và Đồi Dốc Cao. Cùng đó, xem xét bổ sung 3 mỏ đất chưa nằm trong quy hoạch gồm: Núi Cấm Ông Thi, Núi Đá Kè, và Núi Thị 4; đẩy nhanh thủ tục cấp phép bốn mỏ giao nhà thầu, chấp thuận bổ sung hai mỏ cát thương mại vào danh mục mỏ vật liệu dùng cho dự án.
Theo báo cáo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi Lê Quốc Đạt, đến nay, Quảng Ngãi đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng diện tích lên tới 442,07/494,6ha, đạt 89,4% tổng diện tích quy hoạch, tương ứng với chiều dài 54/60km; Bàn giao 420h mặt bằng thực địa cho nhà thầu thi công.
Mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn vẫn còn nhiều tồn đọng, trong ảnh là vị trí nút giao đầu tuyến sau nhiều tháng vẫn chưa có "động tĩnh" gì vì người dân chưa thống nhất với đơn giá bồi thường.
Thừa nhận phần mặt bằng được bàn giao chưa đạt như kỳ vọng, ông Đạt cho hay: Nhiều diện tích đất nông nghiệp chưa được các huyện phê duyệt phương án bồi thường. Một số trường hợp đã phê duyệt xong phương án bồi thường nhưng người dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường để bàn giao đất. Đặc biệt, 12 hộ dân có nhà mặt tiền tỉnh lộ 623B chưa thống nhất với mức giá bồi thường vì bảng giá đất cơ sở để nhà nước chi trả tiền bồi thường quá thấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu hoàn thành dứt điểm công tác GPMB cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn trong năm 2023.
Về những trường hợp này, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh nói: Quá trình thực hiện công tác bồi thường cần đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là các trường hợp mua đất làm nhà trên mặt tiền tỉnh lộ 623B với giá thị trường gần 2 tỷ đồng/lô 100m2, nhưng giờ đơn giá bồi thường chỉ 2 triệu đồng/m2.
“Người dân phản ảnh là giá bồi thường chưa tương xứng, dẫn đến chưa thống nhất phương án tỉnh đề ra. Huyện đã tổ chức đối thoại, giải thích nhưng chưa nhận được sự đồng thuận. Kiến nghị tỉnh có cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo công tác GPMB thuận lợi hơn”, ông Vinh nói.
Mới tiếp cận thi công được hơn 46km
Trong khi đó, Phó giám đốc Ban QLDA 2 Cao Việt Hùng cho biết, đến nay nhà thầu mới tiếp cận thi công được hơn 46/60,3km. Cụ thể, gói thầu XL1 nhận bàn giao hơn 25/30km, trong đó chiều đoạn tuyến đã bàn giao thực địa gần 24km và chiều dài đoạn tuyến đủ điều kiện thi công hơn 22km.
Gói thầu XL02, tiếp nhận gần 25/27,2km, nhưng chiều đoạn tuyến có thể tiếp cận thi công mới nhỉnh hơn 20km, bao gồm cửa vào các vị trí hầm số 1 và 2. Riêng gói thầu XL03 cơ bản mặt bằng đáp ứng tốt.
“Để đảm bảo mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án thuận lợi, đề nghị tỉnh quan tâm thực hiện rốt ráo công tác GPMB, nhất là giải quyết các tồn tại/vướng mắc trên các đoạn đã được bàn giao và tháo gỡ các điểm nghẽn cần ưu tiên giải quyết tại huyện Mộ Đức 6 vị trí và TX Đức Phổ 20 vị trí ngay trong tháng 8 này. Đẩy nhanh công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến”, ông Hùng kiến nghị.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, hiện tại mặt bằng vẫn còn nhiều tồn đọng, trong đó có những điểm nghẽn về đường găng cần sớm tháo gỡ để công tác tiếp cận công trường và tổ chức thi công được liên mạch, đồng bộ. Nhất là việc điều phối phương tiện, thiết bị thuận lợi trong công trường nhằm hạn chế tối đa việc di chuyển thiết bị “đường vòng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận