Báo Giao thông vừa đăng tải loạt bài viết phản ánh các ứng dụng gọi xe công nghệ, trong đó có Grab, Be thu phí nền tảng của khách hàng (Grab thu 2.000 đồng/chuyến, Be thu 6% tổng số tiền/chuyến) nhưng khách không hề biết.
Sau khi báo đăng, nhiều chuyên gia vận tải tiếp tục lên tiếng khẳng định, việc Grab, Be là đơn vị kinh doanh vận tải nhưng thu phí như vậy là không có cơ sở. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để làm rõ khoản thu này.
Ông Trương Quốc Hùng (Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao - Vic Taxi):
Có dấu hiệu lách thuế
Nếu Grab nói không quyết định giá cước, không điều hành tài xế, có nghĩa là họ phủ nhận mình đang kinh doanh vận tải. Nếu Grab khẳng định không phải đang kinh doanh vận tải thì khi đó sẽ rơi vào trường hợp họ chỉ đơn thuần là người cho bên vận tải thuê nền tảng kết nối để bên vận tải dùng kết nối với hành khách.
Lúc này, người trả tiền phí thuê dịch vụ kết nối cho Grab theo hợp đồng thuê nền tảng kết nối là bên vận tải chứ không phải là hành khách. Giữa hành khách và Grab không phát sinh hợp đồng, cam kết nào về sử dụng dịch vụ và chịu trách nhiệm thanh toán chi phí sử dụng dịch vụ đó. Như vậy, Grab lấy cơ sở nào để thu tiền của hành khách?
Hành khách sử dụng dịch vụ kết nối đã được bên vận tải trả tiền cho Grab, nói cách khác, chi phí Grab cho bên vận tải thuê dịch vụ kết nối đã được bên vận tải trả tiền cho Grab. Lúc này, bên vận tải mới là người thu tiền của khách. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngoài phí chiết khấu 28,3%, phí nền tảng 2.000 đồng của hành khách được Grab trừ thẳng từ tài khoản của tài xế.
Nhưng nếu Grab nói không quyết định giá cước thì tại sao hàng chục nghìn xe của Grab cùng một thời điểm lại có cùng một mức giá, thấp điểm hay cao điểm cùng một mức giá, lúc 6 giờ một giá, lúc 12 giờ lại một giá?
Thực tế hiện nay, Grab đang điều hành phương tiện, quyết định giá cước, nghĩa là Grab đang kinh doanh vận tải. Grab đã thu cước vận tải thì những chi phí sử dụng dịch vụ kết nối đã nằm trong doanh thu vận tải. Phí nền tảng phải được hạch toán vào chi phí vận tải và thu tiền cước bù đắp lại hoạt động vận tải cũng như chi phí kết nối.
Chi phí cho nền tảng kết nối đã nằm trong chi phí hàng hóa dịch vụ, người bán hàng hóa dịch vụ tính toán chi phí này nằm trong giá bán sản phẩm.
Grab đang bán dịch vụ vận tải, trong dịch vụ này thì những chi phí để Grab dùng nền tảng kết nối với hành khách phải do bên vận tải chi trả. Khi Grab muốn hoàn vốn thu lại chi phí kết nối phải cơ cấu vào chi phí vận tải chứ không thể thu khoản riêng là phí nền tảng.
Như vậy, trong cả hai trường hợp nêu trên việc Grab tách ra để thu phí nền tảng của hành khách là không có cơ sở.
Mặc dù các doanh nghiệp trong nước đều ứng dụng công nghệ thông tin nhưng để cấu thành giá cước trên km thì không có doanh nghiệp nào cấu thành sang nền tảng công nghệ.
Taxi truyền thống hay taxi công nghệ chỉ khác nhau phương thức kết nối với hành khách. Taxi truyền thống điều hành bằng tổng đài, bộ đàm cũng là nền tảng công nghệ. Đây có thể coi là “bài” để lách thuế, bởi phí nền tảng thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin nên đang được miễn 10% thuế VAT.
GS. TS. Từ Sỹ Sùa (Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT):
Phải tuân thủ pháp luật
Theo định nghĩa trong Nghị định 10/2020 thì kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường nhằm mục đích sinh lợi.
Cho dù có đồng ý hay không với định nghĩa này thì qua thực tổng kết hoạt động thí điểm, các nền tảng kết nối như Grab đã tham gia những công đoạn chính là trực tiếp điều hành xe, tài xế và quyết định giá cước.
Có thể thấy rõ là bởi lái xe có được nhận chuyến đi hay không hoàn toàn do Grab quyết định bằng việc ưu tiên các tài xế có số sao cao, tài xế có số sao thấp thường phải “chờ dài cổ”.
Trong trường hợp số tiền ít hay quãng đường ngắn mà tài xế không muốn nhận cuốc sẽ bị Grab cho “ngồi chơi” hàng tiếng đồng hồ. Các tài xế nếu hủy chuyến mà không có lý do chính đáng, có quy tắc ứng xử không phù hợp hoặc có khách hàng phản ánh thì sẽ bị Grab treo ứng dụng, khóa tài khoản và yêu cầu tài xế giải trình.
Vấn đề trực tiếp quyết định giá cước vận tải của Grab cũng đã rõ. Khi chúng ta bật ứng dụng, gọi xe, lập tức sẽ nhìn thấy giá cước được hiển thị trên ứng dụng của Grab. Giá cước do các ứng dụng như Grab áp đặt, khách hàng không có sự thỏa thuận hay trả giá.
Cũng cần trở ngược lại thời gian thí điểm, mặc dù chỉ được thí điểm ở 5 địa phương nhưng Grab đã hoạt động “chui” ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Tại TP Đà Nẵng, địa phương thể hiện thái độ rất quyết liệt khi thẳng thừng từ chối triển khai dịch vụ Grabcar nhưng Grab vẫn ngang nhiên hoạt động.
Mặc dù bị Bộ GTVT tuýt còi nhiều lần yêu cầu Grab nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn bị bỏ qua thì việc họ luôn chối mình không kinh doanh vận tải cũng là điều dễ hiểu.
Đến thời điểm này, Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 đã có hiệu lực thi hành. Như vậy, Grab, Be phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành. Grab, Be đang là đơn vị kinh doanh vận tải và phải bình đẳng như các hãng taxi khác.
Cho nên, việc Grab, Be thu thêm khoản phí nào ngoài giá dịch vụ được gọi là thu ngoài. Thu ngoài là trái với quy định vì khách không biết mình đang bỏ phí cho dịch vụ gì, còn cơ quan quản lý nhà nước bị thất thu thuế.
Grab là một đe đọa với nền kinh tế Việt Nam khi họ hút tiền khỏi nền kinh tế nhưng hầu như không đóng góp gì vào cơ sở sản xuất, phát triển nhân lực, đầu tư về tài chính hay chuyển giao công nghệ. Trái lại họ đang tìm cách bòn rút nguồn lực. Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc làm rõ khoản phí này Grab thu của khách hàng.
Luật sư Phạm Kỳ Dương (Văn phòng luật sư Giang Thanh):
Có dấu hiệu lừa dối khách hàng
Các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab nói rằng có thông báo thu khoản phí duy trì nền tảng trên website của mình nhưng không ai vào đó làm gì để biết được.
Việc Grab cho rằng việc mình đăng thông báo trên website là đã thông báo đến khách hàng là không có căn cứ. Grab cũng như các ứng dụng gọi xe khác đang “âm thầm” thu mà không thông báo rộng rãi đến khách hàng.
Số tiền này được tính vào cước phí di chuyển của hành khách, sau đó khấu trừ qua ví tài khoản của đối tác tài xế. Quan trọng hơn, số tiền không được hiển thị khi khách đặt xe mà chỉ có tài xế biết được việc hành khách bị thu loại phí này qua tài khoản của họ.
Đây rõ ràng là hành vi cố ý che giấu việc thu thêm phí nền tảng. Nhiều người đến nay vẫn chưa biết mình phải trả thêm tiền cho hãng khi dùng ứng dụng gọi xe và số tiền đó được dùng cho mục đích gì. Trong khi, người tiêu dùng phải biết được mức phí mà họ trả để quyết định có tiếp tục sử dụng dịch vụ đó hay không.
Việc khách hàng đặt xe thông qua ứng dụng Grab là một giao dịch dân sự. Khi khách hàng gọi xe thì sẽ được Grab thông báo mức giá và số tiền khách hàng phải chi trả cho chuyến đi. Việc Grab không thông báo mức phí sử dụng nền tảng trên báo giá gửi cho khách hàng nhưng lại tự ý thu thêm khoản phí này là vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong luật dân sự.
Như vậy Grab đã chiếm đoạt trái pháp luật của khách hàng khoản tiền mà Grab gọi là phí sử dụng nền tảng, khách hàng có quyền khởi kiện yêu cầu Grab hoàn trả khoản tiền đã thu vô lý trên.
Chúng ta đều biết việc đặt xe qua ứng dụng công nghệ là giao dịch dân sự, tuy nhiên việc một số hãng công nghệ mập mờ không thông báo cho khách hàng về mức phí nền tảng là không phù hợp, thiếu minh bạch, thậm chí có dấu hiệu lừa dối khách hàng.
Sản phẩm của Grab, Be là ứng dụng, khách hàng sử dụng dịch vụ đã trả tiền cước cho bên vận tải và bên vận tải gửi lại phần chiết khấu cho Grab, Be. Grab, Be đang kinh doanh vận tải nên việc đầu tư ứng dụng hay đào tạo, hỗ trợ tài xế là trách nhiệm của doanh nghiệp, không thể thu thêm phí từ khách hàng để bù đắp cho các chi phí này. Việc thu thêm phí với khách hàng là bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề đã là đơn vị kinh doanh vận tải thì việc Grab thu phí nền tảng như vậy có đúng hay không, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định tại Điều 34 Nghị định 10/2020. Do không thuộc thẩm quyền nên Bộ Công thương không nắm được thông tin liên quan đến việc quản lý đơn vị kinh doanh vận tải và thu phí của các đơn vị này.
Liên quan đến việc cung cấp thông tin về giá cả của website/ứng dụng thương mại điện tử, Nghị định 52/2013 có nêu thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ, nếu có, phải thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác.
Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, nếu thông tin giá hàng hóa hoặc dịch vụ niêm yết trên website không thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như: Thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác thì giá này được hiểu là đã bao gồm mọi chi phí liên quan nói trên.
Về câu hỏi, với việc Grab chiếm tới 70% thị phần, nếu tới đây Grab tiếp tục tăng mức thu phí nền tảng hoặc bắt tay với các hãng khác cùng tăng mức phí này thì xử lý thế nào, đại diện Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) chỉ cho biết ngắn gọn rằng : “Đến nay vẫn chưa có kết luận việc Grab có độc quyền hay không”.
Hồng Hạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận