Cơ hội mới, việc làm mới cho hàng triệu người
Tại chương trình "Grab Vì Cộng Đồng - Grab for Good" tại Jakarta, Indonesia diễn ra ngày 24/9, Grab đặt mục tiêu đến năm 2025 nỗ lực nâng cao kỹ năng và mang đến nhiều cơ hội cho người dân Đông Nam Á trong nền kinh tế số.
Để đạt được những mục tiêu nói trên, tại chương trình này, Grab công bố hai sáng kiến lớn là dự án nâng cao kỹ năng và phổ biến kiến thức công nghệ và sáng kiến quy mô toàn khu vực “Break the Silence” giúp cộng đồng người khiếm thính tham gia hiệu quả hơn vào nền kinh tế số thông qua hệ sinh thái Grab.
“Break the Silence” sẽ được triển khai đồng thời ở hai thị trường Indonesia và Singapore.
Hai sáng kiến nói trên sẽ khởi động cho kế hoạch dài hạn trong nhiều năm để trang bị cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ những kỹ năng công nghệ và công cụ cần thiết nhằm phát triển trong nền kinh tế số mới mẻ. Grab cũng cho biết sẽ có thêm nhiều sáng kiến được công bố trong năm nay.
Gửi lời cảm ơn trực tiếp đến Grab, bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia phát biểu tại chương trình: “Trái ngược với những tiên đoán rằng kỹ thuật số sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như cướp mất việc làm của nhiều người, chúng ta có thể thấy rằng nó tạo ra rất nhiều việc làm mới. Với mô hình kinh doanh này, Grab tạo ra nhiều việc làm mới cho những người không có cơ hội tiếp cận trước đây. Tôi nhìn thấy thêm nhiều cơ hội mà chính phủ Indonesia có thể hợp tác với các công ty số như Grab trong các lĩnh vực như là giáo dục, y tế và mạng lưới an sinh xã hội an ninh xã hội. Chính phủ Indonesia quyết tâm tạo những điều kiện cần thiết như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để tất cả người dân Indonesia có thể hưởng lợi từ sự phát triển của nền kinh tế số”.
Tham dự và phát biểu tại buổi ra mắt chương trình "Grab Vì Cộng Đồng - Grab for Good" còn có Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi và Bộ trưởng Công nghiệp Airlangga Hartarto của Indonesia.
"Grab Vì cộng đồng" và con số ấn tượng 5,8 tỷ USD
Chương trình “Grab Vì cộng đồng” được hình thành dựa trên ưu tiên của Grab trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân Đông Nam Á trong suốt 7 năm hoạt động. Trong báo cáo đánh giá tác động xã hội đầu tiên được công bố ngày hôm nay, Grab ước tính đã đóng góp 5,8 tỷ USD vào nền kinh tế Đông Nam Á trong vòng 12 tháng tính đến tháng 3/2019. Tính toán tác động kinh tế - xã hội này đã được kiểm chứng độc lập bởi KPMG.
Theo báo cáo này, hơn 9 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ và hàng trăm triệu người ở Đông Nam Á kiếm được thu nhập thông qua nền tảng Grab, với những vai trò như đối tác tài xế, đối tác giao nhận, đối tác nhà hàng, hoặc đại lý. 21% đối tác tài xế Grab không có việc làm trước khi hợp tác với Grab, trong khi 31% đối tác đại lý không có thu nhập trước khi tham gia Grab-Kudo. Bên cạnh việc mở ra những cơ hội kinh tế, báo cáo cũng cho thấy Grab đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và thanh toán di động. Kể từ khi Grab thành lập vào năm 2012, Grab đã giúp hơn 1,7 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ mở tài khoản ngân hàng lần đầu tiên. Grab cũng hỗ trợ khu vực Đông Nam Á tiến đến một tương lai không dùng tiền mặt. Về tổng thể, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab cao hơn gấp 9 lần so với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của quốc gia.
Là một phần của chương trình “Grab Vì cộng đồng”, Grab và Microsoft đã chung tay mở ra dự án nâng cao kỹ năng cho hàng triệu người dân Đông Nam Á. Dự án này sẽ nâng cao năng lực cho người lao động, trang bị cho họ những kỹ năng công nghệ cần thiết để thành công trong nền kinh tế số mới. Theo dự báo, đến năm 2028, 6,6 triệu người lao động tại 6 nền kinh tế chính của ASEAN sẽ cần được tái đào tạo và khoảng 41% trong số đó thiếu những kỹ năng công nghệ thông tin (IT) mà những công việc mới đòi hỏi.
“Chúng tôi rất hào hứng giới thiệu một dự án nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực am hiểu về kỹ thuật số tại Châu Á - Thái Bình Dương cùng với Grab. Sứ mệnh của chúng tôi là nâng cao năng lực cho mọi người và mọi tổ chức trên thế giới để cùng nhau đạt được nhiều hơn, đó là điều chúng tôi quan tâm sâu sắc. Cùng với Grab, chúng tôi đang xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng tốt, những người có thể thay đổi các gia đình, cộng đồng và đất nước và có thể tạo nên một thế giới của tương lai,” Chủ tịch Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương, bà Andrea Della Mattea, chia sẻ.
Bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab cho biết: “Khi Đông Nam Á đang ngày càng phát triển, chúng tôi hy vọng mọi người có thể cùng phát triển theo và được hưởng những lợi ích từ nền kinh tế số đang tăng trưởng nhanh chóng. Tôi đặc biệt hào hứng vì sắp tới các đối tác tài xế Grab và gia đình họ có thể học hỏi những kỹ năng mới từ các khóa học của Microsoft và phấn đấu đạt được các chứng chỉ”.
Dự án hợp tác sẽ đáp ứng nhiều mức độ khác nhau về kiến thức số, và Grab và Microsoft sẽ hợp tác theo 3 cách: Nuôi dưỡng những tài năng công nghệ trong cộng đồng người trẻ trong các trường Đại học khắp Đông Nam Á; Grab và Microsoft sẽ làm việc cùng một số trường Đại học được chọn ở Đông Nam Á để đào tạo cho sinh viên những kỹ năng công nghệ phù hợp với tình hình thực tế mà ngành công nghiệp đang đòi hỏi; Microsoft sẽ cung cấp khả năng truy cập vào những nội dung, chương trình giảng dạy, nền tảng học tập, chứng chỉ được công nhận trong ngành, bên cạnh những công cụ công nghệ toàn diện như Azure for Education. Grab sẽ hỗ trợ các lớp học thông qua dữ liệu và thách thức liên quan đến ngành, tổ chức các trải nghiệm học tập như các cuộc thi Hackathon và tuyển thực tập sinh.
Grab và Microsoft sẽ hợp tác với Đại học Indonesia (University of Indonesia - UI) và Học viện Công nghệ Bandung (Bandung Institute of Technology - ITB) để mang đến những chương trình đào tạo chứng chỉ Microsoft. Trong 6 tháng tiếp theo, dự kiến sẽ có thêm nhiều trường Đại học ở Đông Nam Á cùng tham gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận