Xã hội

Grab kết nối đường đến trường cho trẻ em vùng khó khăn

04/06/2019, 19:11

Grab đã phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam ký kết bản ghi nhớ triển khai dự án “Xây cầu đến lớp” giúp trẻ em vùng khó khăn.

img
Grab kết nối đường đến trường cho trẻ em vùng khó khăn

Năm học 2018 - 2019 vừa khép lại, hàng loạt các cơ sở giáo dục đã tổ chức bế giảng năm học nhằm đánh giá, tổng kết với những điểm sáng, tích cực sau một năm nỗ lực của thầy và trò. Trên khắp cả nước, trẻ em cũng đang tưng bừng chào đón ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2019. Nhưng có lẽ ở vùng xa xôi nào đó, vẫn có những học sinh đang đứng trước nguy cơ bỏ học vì những khó khăn trong cuộc mưu sinh, hay đơn giản chỉ vì con đường đến trường còn nhiều chông chênh, gian nan và nguy hiểm.

Sau 5 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Grab đã phát động nhiều chương trình ý nghĩa, đóng góp vào sự phát triển cộng đồng như: Chuyến xe văn minh, Việt Nam sau tay lái, các hoạt động tô điểm cầu vượt bộ hành góp phần nâng cao ý thức giao thông an toàn… Ngoài ra, Công ty còn thực hiện chuỗi dự án từ thiện “Hành trình yêu thương”; chuỗi chương trình “Cùng Grab chung tay mang cho bé ngày vui”, “Cùng chung tay chở Tết về gần”; chương trình “Học bổng Tài năng xanh”; chương trình “Vui đón Trăng vàng - Rộn ràng cùng Grab”... Chỉ tính riêng trong năm 2018, Grab Việt Nam đã đóng góp 13 tỷ đồng hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước, góp phần làm đẹp không gian đô thị, trao tặng học bổng cho con của đối tác tài xế… Grab cũng đã được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao tặng bằng khen vì những đóng góp và hỗ trợ thiết thực cho trẻ em trong năm 2017 - 2018.

Việt Nam được xem là đất nước có tốc độ phát triển nhanh qua các con số tăng trưởng về GDP trong vài năm gần đây, tuy nhiên sự phát triển giữa các vùng miền vẫn còn nhiều khoảng cách do đặc điểm về vị trí địa lý, trình độ văn hóa cũng như các yếu tố khách quan khác.

Cách để rút ngắn sự khác biệt này chỉ có con đường học tập, nhưng con đường đến với tri thức đâu phải lúc nào cũng rộng mở với mỗi người. Tại nhiều vùng lãnh thổ trên cả nước, tình trạng đói nghèo, dân trí kém, giao thông đi lại còn rất nhiều khó khăn, bất tiện và đặc biệt nguy hiểm hơn vào mùa mưa lũ. Đây cũng chính là lý do vì sao số lượng học sinh bỏ học tại các vùng này luôn chiếm tỷ lệ cao.

Với mong muốn giúp trẻ em vùng khó khăn có cơ hội đến lớp thuận tiện và an toàn hơn, vào ngày 30/5 vừa qua, Grab đã phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam ký kết bản ghi nhớ về hợp tác triển khai dự án “Xây cầu đến lớp”.

Theo thỏa thuận hợp tác được ký kết, trong 3 năm, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam và Grab sẽ cùng triển khai dự án xây cầu cứng và cầu liên hợp đập tràn tại một số địa phương như: Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Phú Thọ, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Hòa Bình và Quảng Ninh.

Ngay trong năm đầu tiên triển khai, dự án đặt mục tiêu xây 5 cây cầu với tổng kinh phí lên đến 5 tỷ đồng, giúp cải thiện điều kiện đến lớp của hơn 1.000 trẻ em, nhất là trong mùa mưa lũ.

Đại diện công ty cho biết, với vai trò là một công ty công nghệ, Grab cam kết thực hiện sứ mệnh Công nghệ vì cộng đồng (#TechforGood), thông qua công nghệ để góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân và tạo nên cuộc sống an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Đang dùng công nghệ để kết nối người dân với những dịch vụ quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày, thông qua dự án Xây cầu đến lớp hợp tác cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Grab mong muốn có thể kết nối con đường đến trường tới những trẻ em vùng khó khăn, tạo điều kiện và động lực tốt nhất để các em học tập, mở ra tương lai tươi sáng.

Khách hàng sử dụng dịch vụ của Grab cũng có thể chung tay góp sức vào dự án “Xây cầu đến lớp” với mức tiền đóng góp từ 5.000 - 100.000 đồng.

Để tham gia hoạt động ý nghĩa này, bạn chỉ cần thực hiện các bước: (1) mở ứng dụng Grab; (2) vào mục GrabRewards, chọn mức đóng góp mong muốn (từ 115 đến 2.300 điểm, tương ứng số tiền từ 5.000 đến 100.000 đồng); (3) đổi điểm (phần đóng góp của bạn sẽ được ghi nhận).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.