GrabFresh mang đến 100.000 sản phẩm cho khách hàng lựa chọn |
Trước sự ra mắt của đối thủ nặng ký Go-Jek tại Việt Nam và Thái Lan, Grab nhanh chóng tung chiến lược mới, mở dịch vụ GrabFresh đánh mạnh vào thị trường giao nhận các mặt hàng tạp hoá nhằm chiếm lĩnh thị phần trong khu vực.
Giao nhận hơn 100.000 sản phẩm
Grab kết hợp với đối tác là công ty khởi nghiệp giao nhận hàng tạp hoá của Indonesia - HappyFresh, cho ra mắt GrabFresh tích hợp trên GrabPlatform - nền tảng mở vừa mới được công bố cùng lúc với GrabFresh, hứa hẹn trở thành siêu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày tại Đông Nam Á của Grab.
GrabFresh mang đến cho người dùng hơn 100.000 sản phẩm hàng hoá tươi sống hoặc đông lạnh từ hơn 50 siêu thị và chuỗi bán hàng tạp phẩm. Khách hàng có thể giao nhận các mặt hàng đã yêu cầu trong 1 giờ hoặc trong thời gian đã được người dùng cài đặt trước.
Dịch vụ này sẽ thử nghiệm trước tại Jakarta, Indonesia từ tháng 7 và có sẵn tại Thái Lan, Malaysia vào cuối năm 2018.
Nhà đồng sáng lập Grab, Giám đốc Anthony Tan cho biết: “Việc kết hợp các tài sản của Grab với chuyên môn của từng đối tác sẽ giúp cả Grab và đối tác phát triển hiệu quả, phục vụ nhu cầu của khách hàng Đông Nam Á hàng ngày nhanh chóng hơn”.
Người đứng đầu phụ trách sản phẩm của Grab Jerald Singh cũng giải thích, dịch vụ giao nhận hàng hoá là bước đi thay đổi nhằm tìm kiếm trải nghiệm mới cho người dùng. “Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ chuyển đổi trải nghiệm người dùng tại Grab. Mục tiêu của công ty là xây dựng một siêu ứng dụng hàng ngày”, ông Singh nói.
Mục tiêu chính là giành ngôi vị "siêu ứng dụng"
Grab không phải là đơn vị đầu tiên khai thác thị trường này. Thực tế, giao nhận hàng hoá tạp phẩm đã phát triển mạnh thành thị trường tỉ đô tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, các đối thủ cạnh tranh như: Lazada của Alibaba và Honestbee đều đang chiếm lĩnh những mảng miếng lớn trải khắp khu vực.
Tuy nhiên, giải thích về việc Grab vẫn dấn thân vào thị trường này, đại diện phía đối tác HappyFresh cho biết: “Hàng hoá tạp phẩm hiện chiếm 25-30% chi tiêu hàng tháng của mỗi gia đình tại Đông Nam Á”. Do đó, họ hy vọng thị trường còn nhiều dư địa để công ty của Singapore phát triển.
Mặt khác, ông Anthony Tan nhấn mạnh, quan điểm của Grab đó là trở thành một “siêu ứng dụng” tại Đông Nam Á, chứ không đơn giản là cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng hoá. “Chúng tôi đã cam kết 100% với khu vực này. Chưa có đơn vị nào cam kết hơn thế tại đây. Tương lai của Grab phải là tương lai của Đông Nam Á”.
Với nhận định của ông Tan, có thể thấy, đối thủ trực tiếp mà Grab nhắm tới chính là Go-Jek trên con đường cạnh tranh giành ngôi vị “siêu app” tại thị trường Đông Nam Á. Go-Jek, hãng đi đầu về gọi xe qua điện thoại tại Indonesia không chỉ được biết đến với dịch vụ cốt lõi là gọi xe mà đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực như thanh toán điện tử, giao thực phẩm, dọn nhà theo yêu cầu và massage.
Hiện nay, hãng gọi xe của Indonesia đã đặt chân tới 2 nước trong khu vực gồm: Thái Lan và Việt Nam, tới đây sẽ mở rộng ra Philippines và Singapore.
Vấn đề ganh đua với Go-Jek một lần nữa được người đồng sáng lập Grab Tan Hooi Ling nhắc lại qua lời khẳng định: Mặc dù hãng đang hoàn tất thủ tục mua lại Công ty Uber - đối thủ chính của hãng tại Đông Nam Á nhưng thị trường trong khu vực này “vẫn rất cạnh tranh”, bởi còn có các đối thủ địa phương như Go-Jek và một loạt các “ông lớn” tại Trung Quốc có tiềm năng mạnh cũng đang rất quan tâm tới việc lấn sân ra khu vực này.
Mặc dù vậy, bà Tan cũng không quá lo lắng bởi thị trường Đông Nam Á rất độc đáo và khác biệt. Nó không giống với thị trường Trung Quốc hay thị trường Mỹ. “Riêng về địa lý, Đông Nam Á đã bao hàm rất nhiều đất nước với nền tôn giáo khác nhau, sử dụng đa dạng ngôn ngữ, chỉ có cách tìm hiểu và địa phương hoá với từng nước trong khu vực mới có thể trụ vững trên thị trường tại đây”, bà Tan nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận