Sau một ngày xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab), chiều 10/3, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án.
Cụ thể, HĐXX nhận định mô hình Grab đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người, giúp nhiều người tăng thêm thu nhập, tăng thêm lợi ích cho người dân trong việc đi lại và đây là điều không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, mô hình này đang gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp vận tải nói riêng, các doanh nghiệp taxi truyền thống nói chung. Bởi Grab không phải đóng các loại thuế như các doanh nghiệp vận tải, không phải chịu điều kiện kinh doanh như taxi, không phải gắn logo... Hoạt động của Grab là theo Đề án 24 của Bộ GTVT cho phép Grab thực hiện cung cấp ứng dụng kết nối hợp tác xã vận tải với khách hàng nhưng thực tế Grab lại kinh doanh vận tải.
Dựa vào hồ sơ và quá trình xét xử tại toà cho thấy từ đầu năm 2016, số lượng xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến. Trong khi đó hồ sơ tài liệu cho xe của Vinasun nằm bãi rất nhiều... Rõ ràng có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun.
Tuy nhiên sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác. Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khỏi kiện của Vinasun. Và bác toàn bộ kháng cáo của Grab.
Từ đó, HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm. Yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ cho Grab về chi phí xe nằm bãi không kinh doanh.
Trước đó, trong phiên toà sáng nay, do tình hình dịch virus COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cơ quan xét xử bố trí phòng xử lớn để những người tham gia phiên tòa ngồi có khoảng cách xa nhau. Ngoài ra an ninh cũng kiểm soát những người tham dự phiên tòa nhằm đề cao tinh thần ý thức tự bảo vệ bản than trong mùa dịch.
Tại toà, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng giám đốc Vinasun tiếp tục giữ quan điểm tại phiên toà sơ thẩm cho rằng Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định 24 ngày 7/1/2016 về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Căn cứ vào kết quả giám định của Công ty Cửu Long thì phía Vinasun có thiệt hại thực tế do hành vi sai phạm của Grab. Sự giảm giá trị vốn hóa của Vinasun tương ứng với số đầu xe của Grab. Vì thế Vinasun yêu cầu Grab bồi thường số tiền 41,26 tỷ đồng.
Phía Grab cho rằng, vụ án này không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, trong quá trình xét xử cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, sai phạm trong việc áp luật điều luật, xác định thiệt hại không đúng và tòa sơ thẩm không đủ thẩm quyền kiến nghị. Grab chỉ hoạt động thí điểm nên không hề vi phạm Nghị định 86. Vì thế đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án. Grab cũng khẳng định không kinh doanh vận tải, chỉ cung ứng phần mềm cho đối tác mà thôi.
Cũng trong cùng ngày xét xử, VKS nêu quan điểm nhận định và đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận