Nhiều tài xế GrabBike tập trung tại một địa điểm ở đường Trương Định, quận 3, TP.HCM |
Thu nhập lên đến 20 triệu đồng/tháng
Để tìm hiểu sâu hơn về “xe ôm công nghệ”, tôi được anh Hứa Minh Dũng (SN 1970, Đội trưởng Đội Tia sáng thuộc GrabBike) chở đi gặp gỡ nhiều đồng nghiệp của anh. Anh Dũng cho hay, trước kia anh từng chạy xe ôm truyền thống, vì thu nhập không đảm bảo cuộc sống, lại thường xuyên gặp phải những tình huống phức tạp nên anh nghỉ chạy, chuyển nghề làm bảo vệ. Năm 2014, sau 3 ngày thử làm tài xế GrabBike, anh quyết định xin công ty cho làm chính thức. Kể từ ngày ấy, kinh tế gia đình anh ngày càng được cải thiện đáng kể.
GrabBike cầm MBH choảng xe ôm truyền thống giữa phố
“Ngay như ngày hôm nay (4/5 - PV), bây giờ chỉ mới là trưa mà anh cũng đã kiếm được gần 500 nghìn đồng rồi chú nhé”, anh Dũng hớn hở khoe với chúng tôi. Cũng theo lời vị đội trưởng xe ôm này, mỗi ngày anh làm việc 10 tiếng, sau khi trừ chi phí, ăn uống, tiền xăng và 15% tiền nộp cho công ty, anh mang về cho vợ không dưới 500 nghìn đồng. Có những hôm anh Dũng chạy được cả triệu đồng.
Trong khi đó, tài xế “áo xanh” Nguyễn Quốc Khương cho biết, anh chạy hai ứng dụng của Grab là vừa chở khách, vừa chở hàng. Mỗi ngày, anh thường bắt đầu công việc từ 8h và kết thúc lúc 18h, thu nhập (sau khi trừ các chi phí) thường là từ 500 nghìn đồng trở lên. Hỏi thêm các tài xế Phương, Hùng ở Đội Phương Nam, chúng tôi đều được họ cho biết, mức thu nhập từ 500 nghìn đồng là mức phổ biến đối với những anh em chạy GrabBike từ 6 tiếng trở lên/ngày.
Chị Nguyễn Thị Huệ, một hành khách vừa được tài xế Vân chở từ Dĩ An (Bình Dương) đến đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) cho biết, chị chỉ phải trả 100 nghìn đồng, trong khi nếu đi xe ôm truyền thống phải mất tới 150 nghìn đồng.
Môi trường làm việc an toàn, khách tin tưởng
Qua trao đổi với các anh Dũng, Khương, Hùng và rất nhiều tài xế GrabBike, chúng tôi có cùng ghi nhận, hầu hết những người tham gia hành nghề “xe ôm công nghệ” đều đã học được cách tránh xa những phiền phức mà cánh xe ôm truyền thống thường gặp phải. Điển hình như không có chuyện xô xát, ẩu đả, bảo kê giữa những người chạy GrabBike, còn xung đột giữa GrabBike với xe ôm truyền thống cũng theo thời gian mà giảm hẳn.
“Thời gian đầu có hơi căng nhưng đến nay, chỉ còn khu vực bến xe An Sương là phức tạp, xe GrabBike đến đón khách không được đám “đầu gấu” cho vào bến và họ sẵn sàng hành hung những ai không tuân thủ “luật rừng”. Làm đối tác Grab, được đào tạo kỹ năng ứng xử, né ẩu đả nên anh em bảo nhau, chủ động tránh cho an toàn”, anh Dũng nói.
Hiện, GrabBike có 8 đội chính thức hoạt động rải khắp TP.HCM. Từ các đội này lại hình thành những “group”. Mỗi khi có thành viên cần hỗ trợ, đội trưởng sẽ thông báo lên “group” để các tài xế ở gần đến giúp đỡ. Công ty cũng có tổng đài 24/7 cam kết hỗ trợ khi khách hàng và tài xế gặp sự cố. Ngoài ra, cánh tài xế GrabBike còn tự nguyện thành lập đội phản ứng nhanh SOS để tương trợ các thành viên gặp tình huống xấu. |
Nhiều tài xế cho biết, việc tuyển chọn tài xế GrabBike rất chặt chẽ. Người dự tuyển phải có đủ sơ yếu lý lịch, CMND, GPLX, xe chính chủ, đảm bảo chất lượng… Khi đã được tuyển chọn, những tài xế phải tham gia nghiêm túc các lớp đào tạo về an toàn, kỹ năng ứng xử, học thuộc và cam kết thực hiện những nội quy, quy tắc của công ty. Sau khi thi xong, các bác tài sẽ được mở ứng dụng để chạy xe.
“Mới đây, Grab còn phối hợp với Honda VN, tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng lái xe, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ VN đào tạo kỹ năng sơ, cấp cứu để trang bị cho tài xế kỹ năng sơ cứu người bị TNGT nữa đó”, anh Hứa Minh Dũng chia sẻ thêm.
“Tham gia GrabBike, một điều nữa rất quan trọng khiến chúng tôi yên tâm là công ty đã mua bảo hiểm cho cả tài xế, hành khách và phương tiện. Anh em chúng tôi cũng tự hào màu áo mình mặc, vì Grab là đơn vị đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này tự nguyện mua loại bảo hiểm hành trình cho cả đối tác tài xế và hành khách. Anh em chạy xe ngày, đêm đều dặn nhau phải thuộc lòng số tổng đài đài 24/7 của Grab, để có thể kết nối nhanh, nhờ hỗ trợ xử lý tình huống khi khách hàng hay bản thân tài xế gặp sự cố. Đã có những trường hợp tài xế gặp nạn, công ty và bảo hiểm lo đầy đủ chế độ. Ngay cả khi đã xuất viện, trong những ngày tĩnh dưỡng, tài xế vẫn được công ty cấp lương cơ bản như một sự hỗ trợ, động viên”, tài xế Khương cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận