Mất lợi thế thu hút nguồn lực tốt
Trao đổi với PV Báo Giao thông về những thay đổi của dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được lấy ý kiến các bên liên quan, Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) cho rằng: Đối với điện gió ngoài khơi (ĐGNK), nếu Việt Nam lựa chọn chờ đợi thêm 10 năm nữa, sẽ bị mất lợi thế của người đi đầu trong việc thu hút các nguồn lực tốt; trong khi, điện than còn nhiều rủi ro...
Cụ thể, ở kịch bản cơ sở đến năm 2030, ĐGNK (offshore) giảm 2.000 MW về mức 0 so với phương án đưa ra hồi tháng 3 tại Tờ trình số 1682, tức là ở kịch bản này sẽ không tính đến phương án phát triển ĐGNK.
Việc thay đổi công suất nguồn ĐGNK trong dự thảo mới là tín hiệu không tốt cho các nhà đầu tư đang khảo sát/ký hợp đồng ghi nhớ...
Tuy nhiên, nguồn điện than lại tăng thêm 3.076 MW so với Tờ trình số 1682, lên mức 40.649 MW.
Theo GWEC, trên thực tế, việc phát triển ĐGNK không còn là “giấc mơ” xa vời. Ngay trong khu vực châu Á hiện nay, tại Trung Quốc đã có 11 GW ĐGNK được lắp đặt. Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang phát triển nhiều GW ĐGNK.
Trong khi đó, các dự án nhiệt điện than và khí hóa thạch được chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII sẽ tiếp tục gặp thách thức trong việc thu hút tài chính khi việc huy động vốn cho các dự án nhiệt điện than từ các tổ chức tài chính công cũng như tư nhân ngày càng khó khăn, và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Các dự án này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trễ hẹn trong bối cảnh cộng đồng tài chính quốc tế đang quyết tâm rút lui khỏi các dự án năng lượng hóa thạch.
Hơn nữa, các dự án điện khí (LNG) nhiều khả năng cũng gặp vấn đề tương tự trong huy động vốn trong tương lai, do bản chất LNG cũng là nguồn năng lượng hóa thạch.
Ngoài ra, việc phát triển điện LNG cũng có các vấn đề khác khiến cho hệ thống năng lượng quốc gia trong tương lai chịu sự lệ thuộc vào thị trường nhiên liệu thế giới vốn chứa đựng nhiều biến động và rủi ro.
Đáng chú ý, 60% chi phí vòng đời dự án điện LNG là chi phí nhiên liệu được trả cho đơn vị cung cấp nhiên liệu nước ngoài, do đó việc phát triển điện LNG quy mô lớn cũng sẽ có những hệ lụy đến cán cân thương mại quốc gia.
Chính vì vậy, Quy hoạch điện VIII là thời điểm quan trọng để Chính phủ Việt Nam đưa ra quyết định chiến lược về việc đẩy mạnh vai trò của ĐGNK trong hệ thống năng lượng, với mục tiêu đa dạng hóa các nguồn năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng trong trường hợp có dự án chậm tiến độ.
Dẫn đầu Đông Nam Á về tiềm năng
Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) đánh giá: Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về ĐGNK với 16 GW tiềm năng kỹ thuật có thể tận dụng được. Việt Nam cũng hoàn toàn đạt được mục tiêu 10 GW trước năm 2030 và nên đặt ra mục tiêu này khi giá điện gió trên thế giới đã giảm rất nhiều so với trước đây.
Nghiên cứu GWEC cũng chỉ ra, phần lớn các quốc gia thành công trên thế giới về phát triển ĐGNK có điểm chung là họ đều áp dụng cơ chế giá ưu đãi (FIT), hoặc cho một số lượng công suất nhất định, hoặc trong một thời gian đủ dài trước khi triển khai cơ chế đấu thầu ngay.
Tại châu Âu, Hà Lan là quốc gia áp dụng đấu thầu từ rất sớm, 10 năm trước, sau giai đoạn dài áp dụng giá FIT cho ĐGNK. Tuy nhiên, cả khi chuyển sang đấu thầu, Hà Lan vẫn áp dụng 1 GW được hưởng cơ chế giá FIT.
Bài học thành công của Anh, Đức cũng tương tự khi họ có cơ chế tương tự giá FIT trong thời gian gối đầu.
Còn tại Đài Loan, loạt dự án có tổng công suất trên 3,8 GW được tham gia FIT, trước khi các vòng đấu thầu cạnh tranh ĐGNK thực hiện vào năm 2018. Cùng với đó, con số dự án đấu thầu cũng phải đủ lớn, với 1,5 GW và đều có vị trí đẹp.
Dự kiến đợt đấu thầu tiếp theo của Đài Loan sẽ diễn ra năm 2022 và 2024 và trong thời gian này, vẫn còn 4 GW được hưởng cơ chế giá FIT song song...
Với tiềm năng và kinh nghiệm quốc tế, theo GWEC, việc nhanh chóng triển khai các dự án điện gió nói chung và ĐGNK nói riêng sẽ giúp Việt Nam hướng đến cam kết giảm thải carbon trong khuôn khổ Nghị quyết 55, dự thảo Quy hoạch điện quốc gia và các văn bản khác.
Đồng thời, nhanh chóng tận hưởng việc giảm chi phí thông qua phát triển công nghệ, phù hợp với xu hướng thế giới khi chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên phạm vi toàn cầu và dự kiến trong 5 năm tới sẽ tiếp tục giảm thêm 30%.
Hàng loạt dự án đang khảo sát/ký hợp đồng ghi nhớ với các đối tác lớn nhất trong lĩnh vực này như: Dự án điện gió La Gàn ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, của nhà đầu tư nước ngoài với công suất 3.500 MW, đã thực hiện ký các hợp đồng khảo sát hàng triệu USD với các nhà thầu Việt Nam. Hay siêu dự án điện gió Thăng Long (Kê Gà) - một trong những dự án sớm nhất tại Việt Nam.
Hay mới đây, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển đặt ký ghi nhớ với tập đoàn ĐGNK hàng đầu thế giới là Ørsted với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10.000 MW và tổng giá trị đầu tư được giới thiệu lên tới 30 tỷ USD...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận