Theo quyết định của Hà Nội, danh mục tài sản cầu Vĩnh Tuy 2 bao gồm: Cầu chính, cầu dẫn, đường đầu cầu, điện chiếu sáng bên trong dầm hộp, tổ chức giao thông...
Giá trị tài sản của cầu Vĩnh Tuy được tạm thời xác định trên cơ sở giá trị nghiệm thu hoàn thành công trình (nghiệm thu A-B) của chủ đầu tư là 1.827 tỷ đồng (giá trị tài sản được xác định chuẩn xác sau khi có quyết định phê duyệt quyết toán Dự án đầu tư của cơ quan có thẩm quyền).
Sở GTVT Hà Nội có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì công trình theo quy định; tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán bổ sung khối lượng công tác quản lý, bảo trì công trình vào gói thầu quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông theo địa bàn quản lý.
Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố (chủ đầu tư) có trách nhiệm phối hợp với Sở GTVT bàn giao tài sản hình thành từ dự án đầu tư để đưa công trình vào quản lý, khai thác theo quy định; bàn giao đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ hoàn công, quy trình bảo trì (nếu có) và các tài liệu có liên quan của dự án đầu tư.
Cầu Vĩnh Tuy 2 (chiều cầu xảy ra ngập vừa qua) được thành phố Hà Nội đầu tư, đưa vào sử dụng tháng 8/2023 với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu giảm ùn tắc giao thông khu vực cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 2 và tạo sự đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng giao thông Hà Nội theo quy hoạch.
Thời điểm xảy ra ngập mặt cầu vừa qua công trình đã thông xe, đưa vào sử dụng được 9 tháng và chưa được bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội thực hiện công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận