Dù nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội vừa được nâng cấp, sửa chữa nhưng người tham gia giao thông vẫn bất an bởi những hố ga, nắp cống khấp khểnh, lồi lõm. Nguyên nhân vì đâu?
Nhan nhản “bẫy” hố ga
Để đảm bảo đồng bộ chất lượng hạ tầng giao thông từ những hạng mục thứ yếu như hố ga, các chủ đầu tư cần tránh tâm lý chạy theo tiến độ, vội vàng nghiệm thu khi chưa có thời gian đánh giá chất lượng. Đối với một dự án, chủ đầu tư có thể kéo dài thời hạn bảo hành, lưu giữ tiền bảo hành và quy định rõ tại hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp nhà thầu chối bỏ trách nhiệm khi chất lượng thi công không đảm bảo và “cao chạy xa bay”, chủ đầu tư có thể sử dụng khoản tiền bảo hành này thuê những nhà thầu và tư vấn khác sửa chữa, khắc phục khiếm khuyết.
TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam
Ngày 27/10, lưu thông trên đường Giải Phóng (Hà Nội), đập vào mắt PV Báo Giao thông là hàng chục hố ga xuống cấp, nham nhở. Đoạn nút giao cắt với phố Đào Duy Anh và phố Phương Mai, hàng loạt nắp bể cáp thông tin lún võng, lớp asphalt xung quanh bong tróc thành rãnh sâu, có thể lọt bánh xe máy, khiến người tham gia giao thông nơm nớp lo bị “đo đường” nếu không may đi vào.
Tại các tuyến phố trung tâm như: Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, theo quan sát của PV, cũng không khó gặp những hố ga sụt lún, khấp khểnh. Nhiều nhất là tại các vị trí nút giao: Lý Thường Kiệt với Hỏa Lò, Phan Bội Châu; Hai Bà Trưng với Thợ Nhuộm, Quán Sứ.
Nghiêm trọng nhất là tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, hàng loạt nắp bể cáp thông tin có dấu hiệu bong tróc. Cứ mỗi dòng phương tiện đi qua, các nắp bể cáp ngầm lại va đập tạo ra tiếng động lớn. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy công tác duy tu, sửa chữa những vết nứt xung quanh 3 bể cáp thông tin đã được thực hiện nhưng với sự cẩu thả, chắp vá nham nhở.
Lâu nay, lưu thông trên đường Khuất Duy Tiến, người tham gia giao thông cũng luôn phải căng mắt né những hố ga nứt vỡ trên đoạn từ nút giao đường Nguyễn Trãi đến điểm giao cắt với đường Ngụy Như Kon Tum. Dù đoạn này chỉ kéo dài khoảng 300m nhưng có đến hàng chục hố ga xuống cấp, lõm xuống từ 5-7cm so với mặt đường.
Đáng nói, tình trạng hố ga xuống cấp còn xuất hiện nhan nhản trên những tuyến đường nội đô mới được “rót” hàng chục tỷ đồng cải tạo, nâng cấp từ cuối năm 2019. Điển hình là đường Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Trãi. Trong đó, các vị trí mặt hố ga xuống cấp nghiêm trọng trên đường Nguyễn Trãi là trước số nhà 467 - 465, 546, 574, 245A và số nhà 350. Trên mặt đường Nguyễn Lương Bằng là hai hố ga trước cây xăng Nam Đồng và ba hố ga trước khu vực số nhà 115.
TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Chuyên gia Jica cho rằng, hiện tại, việc thi công, đồng bộ hố ga với mặt đường để tạo sự êm thuận cho người dân tham gia giao thông tại Hà Nội rất kém.
“Tôi có một người bạn làm kỹ sư xây dựng ở Hà Nội. Cách đây không lâu, trong lúc tập thể dục buổi sáng, anh ấy tận mắt chứng kiến một nhóm công nhân múc nước từ dưới cống để trộn vật liệu duy tu, sửa chữa hố ga. Đó là minh chứng rõ nhất của sự yếu kém trong quản lý thi công. Điều này nếu còn tiếp diễn, hạ tầng giao thông Hà Nội sẽ còn khấp khểnh lâu dài. Nghiêm trọng hơn, những hạng mục tưởng như rất nhỏ như hố ga, nắp cống thi công ẩu sẽ đem đến hàng loạt tác động tiêu cực như: An toàn tính mạng của người đi đường, tuổi thọ của phương tiện”, TS. Đức nói.
“Lệch chuẩn” về chất lượng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, hiện Sở GTVT đang quản lý hơn 1.000 tuyến đường với khoảng hơn 21 nghìn hố ga trên địa bàn các quận và một số huyện. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, hạ tầng hố ga, sửa chữa nắp cống lại do Sở Xây dựng, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Công thương quản lý.
“Với chức năng của mình, trong quá trình thực hiện duy tu, bảo trì hệ thống cầu, đường bộ, Sở GTVT Hà Nội thường xuyên chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, các đơn vị quản lý đường bộ cập nhật tình trạng hố ga bị hư hỏng, đặt cảnh báo. Hiện, Sở GTVT Hà Nội vẫn tiếp tục rà soát, thống kê các vị trí hố ga bị hư hỏng và có văn bản gửi Sở, ngành liên quan đề nghị sửa chữa để đảm bảo ATGT”, ông Toàn nói.
ThS. Vũ Anh Tuấn, Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, hệ thống hố ga trên các trục đường giao thông tại các đô thị lớn lởm chởm là do quá trình thiết kế đã “bỏ quên” yếu tố tích hợp.
“Một tuyến đường đô thị hình thành không chỉ có chức năng phục vụ thuần túy về không gian lưu thông của xe cộ mà còn để bố trí nhiều hạ tầng kỹ thuật ngầm gồm: Điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc… Tuy nhiên, ngay từ khâu thiết kế, các hệ thống ngầm lại không được tích hợp, sử dụng chung một diện tích, khuôn mẫu mà tách biệt với nhau. Mỗi hố ga lại do một đơn vị quản lý, xây dựng và vận hành, xử lý sự cố dẫn đến sự “lệch chuẩn” về chất lượng”, ThS. Tuấn nói.
Cũng theo ThS. Vũ Anh Tuấn, hầu hết hố ga tại Việt Nam làm theo phương pháp thủ công, sai lệch về thông số kỹ thuật, cao độ giữa mặt hố ga và bề mặt đường trong quá trình bổ sung/chỉnh sửa. Đó là lý do, chỉ sau một thời gian ngắn, các hố ga nhanh chóng xuống cấp, lồi lên hoặc lõm xuống.
“Thời gian tới, Việt Nam cần có cơ quan chuyên trách quản lý về hạ tầng kỹ thuật ngầm để xây dựng nên cơ sở dữ liệu ngầm chung. Khi có một tuyến đường mới, cơ quan này sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án tích hợp các hạ tầng như: Cáp, đường dây thông tin vào chung một vị trí, tránh tình trạng một giao lộ có hàng chục hố ga, tương đương với hàng chục vị trí có thể trở thành “bẫy” người đi đường khi xuống cấp”, ThS. Tuấn nói và cho rằng, quá trình thi công, hạ ngầm cần lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng thiết kế; Đồng thời, phải tăng cường công tác hậu kiểm, giám sát chất lượng hệ thống hố ga thường xuyên để có giải pháp bảo trì kịp thời, đảm bảo chất lượng công trình và mỹ quan đô thị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận