Đô thị

Hà Nội: Cần gì để kéo khách đến các tuyến phố đi bộ?

22/10/2024, 19:17

Trên địa bàn Thủ đô hiện có 7 tuyến phố đi bộ đang hoạt động, nhưng đa phần vắng khách và chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Vì sao lại có thực trạng này, Hà Nội cần gì để kéo khách đến các phố đi bộ?

Không như kỳ vọng

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tối 18/10, sau một tuần mở cửa, tuyến phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (được đầu tư gần 30 tỷ đồng) chỉ lác đác vài người dân đi… tập thể dục.

Hà Nội: Cần gì để kéo khách đến các tuyến phố đi bộ?- Ảnh 1.

Dù là ngày cuối tuần nhưng phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh chỉ có lác đác người dân lui tới.

Người dân ở đây cho biết, từ sáng đến chiều có rất ít người đi bộ vào khu phố. Trong khi đó, cả tuyến gần như không có hoạt động vui chơi, giải trí nào được tổ chức.

Hàng quán khá ít, chủ yếu là những quán bán đồ ăn nhanh và những trò chơi không được quan tâm từ du khách. Tuyến phố này còn bị ô nhiễm tiếng ồn khi hàng loạt loa kéo công suất lớn được người dân mang ra để hát karaoke. Do không có khách nên phố đi bộ này đóng cửa khá sớm, khoảng 22h là các hàng quán đã dọn dẹp ra về.

Chị Nguyễn Phương, chủ một quán cà phê tại đây cho biết, trong thời gian phố đi bộ thí điểm hoạt động, số lượng khách đến còn ít hơn cả ngày trong tuần. "Có thể do khu vực này chưa có nhiều các hoạt động vui chơi giải trí, nên chưa thu hút được nhiều du khách", chị Phương nhận định.

Thường xuyên đưa các con đến các phố đi bộ vui chơi vào dịp cuối tuần, anh Vũ Xuân Ngọc (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Tuyến phố không có hoạt động văn hóa nào, cũng chẳng có trò chơi, thưa thớt người qua lại. Cả một đoạn phố chỉ có vài chiếc xe đạp, ô tô điện cho trẻ em chờ khách đến thuê".

Nhiều tuyến chung số phận

Không riêng phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, rất nhiều tuyến khác trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình cảnh tương tự.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn - không gian nằm giữa đầm sen, Công viên nước Hồ Tây, một phần ngõ 431 Âu Cơ và ngõ 612 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) hoạt động từ hơn 6 năm trước, được kỳ vọng trở thành không gian văn hóa đặc sắc, sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, con phố gần như không có khách vào mỗi dịp cuối tuần. Sau đó, Hà Nội phải chuyển nơi đây thành không gian văn hóa sáng tạo thay vì hoạt động phố đi bộ như trước đó.

Tương tự, phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình); phố đi bộ khu vực hồ Thiền Quang, Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng); phố đi bộ quanh hào Thành cổ, thị xã Sơn Tây cũng rất vắng khách sau khi được đưa vào hoạt động.

Trong tất cả các tuyến phố đi bộ đang hoạt động, duy nhất phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cũ của Hà Nội nhộn nhịp hơn.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, mỗi ngày có khoảng 5 - 6 sự kiện được triển khai, trong đó có nhiều hoạt động văn hóa được trình diễn, giao lưu nghệ thuật và trở thành nơi tổ chức các sự kiện của người dân Hà Nội.

4 điểm cần lưu ý

Trao đổi với Báo Giao thông, TS Trương Văn Quảng, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam phân tích, người dân thích đến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và các khu phố cổ là bởi nơi đây có nét đặc trưng về văn hóa, đậm bản sắc địa phương; ngoài ra, nơi đây còn có các công trình kiến trúc đặc trưng. Hoạt động buôn bán cũng khá đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân.

"Nếu không hội tụ được các yếu tố sẵn có trên, ít nhất các tuyến phố đi bộ phải nằm ở vị trí trung tâm hoặc dễ tiếp cận để phát triển dịch vụ, thương mại. Mô hình quản lý kinh doanh cũng cần được xây dựng bài bản để tránh tình trạng lộn xộn, lấn chiếm không gian", ông Quảng nói.

Ngoài ra, theo ông Quảng, đôi khi hoạt động kinh doanh tại phố đi bộ còn thiếu chuyên nghiệp, có trường hợp "chặt chém" du khách. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bãi đỗ xe, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông… cũng cần được quan tâm mới mong thu hút được người dân.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, xây dựng và phát triển phố đi bộ là xu hướng tất yếu, thể hiện chất lượng cuộc sống của người dân cao hơn, góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế đô thị. Thực tế, một số tuyến phố đã đạt được những kết quả nhất định, trở thành không gian văn hóa lành mạnh cho người dân vui chơi, giải trí dịp cuối tuần.

Trước thực trạng nhiều phố đi bộ vắng khách, ông Nghiêm chỉ ra 4 điểm cần lưu ý. Một là, mỗi tuyến cần có chủ đề nhất định, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ. Hai là có vị trí hợp lý, không gian đẹp nhưng chưa tạo được các dịch vụ thương mại phục vụ nhân dân.

Nguyên nhân nữa là chưa đảm bảo đồng bộ việc đi chơi thư giãn của người dân với các nhu cầu văn hóa khác. Cuối cùng là dù có bản vẽ, quy hoạch cụ thể nhưng chưa có nguồn nhân lực để cải tạo nhà ở quanh phố đi bộ thành các dịch vụ phát triển kinh tế.

"Nếu khắc phục được nhưng điểm trên, tình trạng nơi đông, chỗ vắng tại các tuyến phố đi bộ sẽ được cải thiện. Còn không, việc người dân lãng quên một tuyến phố rất dễ xảy ra", ông Nghiêm nói.

Với tuyến đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, diện quận Ba Đình khẳng định, quận sẽ lắng nghe các ý kiến từ chuyên gia, người dân, du khách để có sự điều chỉnh, tăng thêm các hoạt động, tạo bản sắc riêng nhằm thu hút, hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại diện quận Hai Bà Trưng cho biết, đã có kế hoạch, dự án triển khai đồng bộ để thu hút khách du lịch hơn nữa đến với tuyến phố đi bộ khu vực hồ Thiền Quang – phố Trần Nhân Tông.

"Quận sẽ đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang cảnh quan, định hình không gian giao lưu văn hóa - ẩm thực đặc sắc, kết nối với công viên Thống Nhất và triển khai hạng mục nhạc nước trên mặt hồ Thiền Quang để tạo điểm nhấn mới lạ, độc đáo", vị này cho hay.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.