Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội |
Người dân Thủ đô đang quan tâm đặc biệt đến đề án thu phí vào nội đô đối với ô tô để kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. PV Báo Giao thông trao đổi với ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Năm 2019, trình HĐND thành phố đề án thu phí
Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội lập đề án thu phí vào nội đô. Vậy, mục tiêu của việc thu phí là gì, thưa ông?
Mục tiêu đề án thu phí phương tiện vào nội đô không phải tăng thu ngân sách, mà là biện pháp để người dân lựa chọn tuyến đường đi hợp lý nhất, vừa đảm bảo nhu cầu đi lại và yêu cầu tổ chức giao thông của thành phố, vừa kéo giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường cho các khu vực có nguy cơ. Cùng đó, việc thu phí góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ điều chỉnh thói quen của người tham gia giao thông trong việc lựa chọn tuyến đường giao thông vừa đảm bảo yêu cầu cá nhân và yêu cầu tổ chức giao thông.
Vậy, dự kiến khi nào TP Hà Nội bắt đầu triển khai thu phí?
Việc triển khai thu phí chỉ thực hiện sau khi phí này được bổ sung vào Luật Phí và lệ phí. Để bổ sung vào mục phí, lệ phí, UBND TP Hà Nội phải báo cáo HĐND TP cho ý kiến, trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Đề án này là bước đầu trong quy trình sửa đổi của luật theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, họ sẽ phân loại mức độ khí thải gây ô nhiễm để xác định các mức phí. Đây cũng là bài toán rất khó đối với Hà Nội khi xác định khu vực thu phí, khu vực ùn tắc và đối tượng thu phí.
Cùng đó, chúng tôi còn phải phân vùng những khu vực người dân không muốn trả phí nhưng vẫn muốn đi vào. Chúng tôi sẽ có những tuyến đường đi khác để đảm bảo việc đi lại của người dân không bị xáo trộn. Không có gì thay đổi, dự kiến đề án sẽ được trình lên HĐND TP trong năm 2019. Nếu được thông qua, đề án sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ở một số nước như Singapore, họ thu phí tự động rất hiệu quả. Còn Hà Nội liệu có thu phí tự động được không, thưa ông?
Chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng đến những đối tượng phải trả phí và công nghệ thu phí, phương thức thanh toán, tổ chức giao thông... phù hợp để có thể cung cấp những điều kiện tối ưu nhất cho người dân lưu thông vào khu vực có thu phí đảm bảo thời gian di chuyển rút ngắn. Việc ứng dụng công nghệ thu phí tự động hiện nay đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hiệu quả như: London (Anh); Singapore… Kinh nghiệm của những thành phố này sẽ được TP Hà Nội nghiên cứu áp dụng phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông. Việc thu phí đảm bảo công khai, minh bạch trước người dân và các đối tượng trả phí.
Một trong những mục tiêu của đề án thu phí phương tiện vào nội đô là kéo giảm ùn tắcgiao thông và giảm ô nhiễm môi trường tại Hà Nội (Chụp trên đường Khuất Duy Tiếnchiều 11/12) - Ảnh: Lê Tươi |
Phát triển tốt hạ tầng, vận tải công cộng trước khi thu phí
Nhiều người băn khoăn Hà Nội có nhiều ngõ ngách nhỏ, đường sá như ô bàn cờ, vậy công tác thu phí triển khai thế nào?
Định hướng chúng tôi sẽ thu theo khu vực từ đường vành đai 3 trở vào trung tâm. Việc Hà Nội có nhiều ngõ ngách nhỏ, chúng tôi đã tính đến trong đề án để đánh giá kỹ các đối tượng bị tác động. Những biện pháp áp dụng phải phù hợp với thực tiễn và có giải pháp tối ưu về mặt kỹ thuật nhằm đảm bảo tính kết nối.
Hơn nữa, nhiệm vụ xây dựng đề án thu phí là 1 trong 37 nhiệm vụ UBND thành phố đang triển khai đồng thời, trong đó tập trung hoàn chỉnh đồng bộ về hạ tầng giao thông, mạng lưới, chất lượng vận tải hành khách công cộng. Do đó, tại các khu vực có thu phí sẽ đáp ứng điều kiện cơ bản để nhân dân có thể chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện vận tải hành khách công cộng hoặc các hình thức di chuyển khác như: Đi bộ, sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng...
Tới đây, để việc thu phí phương tiện thật sự hiệu quả, người dân dần bỏ phương tiện cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng, thành phố sẽ phát triển loại hình này như thế nào?
Khi hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nói chung và hạn chế sử dụng xe máy nói riêng, nguyên tắc là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng và có các giải pháp đồng bộ về hành chính và kinh tế nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế cho phương tiện cá nhân. Điều này không những mang lại lợi ích cho thành phố mà còn cho chính người dân, bởi khi di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng chắc chắc sẽ an toàn hơn phương tiện xe máy.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và cho hệ thống vận tải hành khách công cộng như: Đường sắt đô thị, BRT, monorail, xe buýt và các phương tiện vận tải hành khách công cộng khác: xe hợp đồng, xe taxi… Đồng thời, để mở rộng vùng phục vụ, tăng cường khả năng kết nối và nâng cao chất lượng phục vụ, thành phố sẽ có chương trình hỗ trợ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng qua hình thức trợ giá hợp lý để người dân có thể tiếp cận thuận lợi khi sử dụng.
Cảm ơn ông!
Năm 2020, vận tải công cộng đạt 30-35% tổng nhu cầu đi lại Theo Quy hoạch GTVT của Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, vận tải hành khách công cộng đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 30-35% tổng nhu cầu đi lại; năm 2030 khoảng 50-55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%. Cùng đó, TP Hà Nội cũng phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20-26% cho đô thị trung tâm; đạt 18-23% cho các đô thị vệ tinh và đạt 16-20% cho các thị trấn. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3-4%. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận