Ô tô nối đuôi nhau chiếm dụng lòng đường trước Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ trên đường Nghiêm Xuân Yêm
Có quy định hướng dẫn nhưng không quy định cụ thể tỷ lệ khu vực bố trí đỗ từng loại xe
Thông tin với Báo Giao thông về tình trạng giao thông tại nhiều khu vực chung cư trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đang rất lộn xộn bởi các phương tiện vào chung cư chiếm dụng lòng đường làm nơi đỗ xe trái phép, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc hình thành chỗ để xe tại chung cư đã được quy định rõ tại Thông tư 21/2019 của Bộ Xây dựng.
Trước đó, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình trạng phương tiện của cư dân, khách vãng lai chiếm dụng lòng đường làm bãi đỗ xe để vào chung cư diễn ra nhan nhản trước các khu vực: Khu HH 12 tòa chung cư Linh Đàm (đường Nguyễn Hữu Thọ), chung cư Kim Văn - Kim Lũ (đường Nghiêm Xuân Yêm), Khu đô thị Nam Trung Yên (đường Nguyễn Chánh), Chung cư Thăng Long Tower (đường Mạc Thái Tổ).
Trong đó, các chung cư: HH Linh Đàm và Kim Văn - Kim Lũ khi xây dựng chỉ có chỗ để xe máy, không thiết lập khu vực đậu đỗ ô tô nội khu.
“Cụ thể, diện tích chỗ để xe (bao gồm đường nội bộ trong gara/bãi để xe) tối thiểu là 25m2 cho 4 căn hộ chung cư, nhưng không nhỏ hơn 20m2 cho 100m2 diện tích sử dụng căn hộ chung cư. Trong đó đảm bảo tối thiểu 6m2 chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ chung cư.
Đối với nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thu nhập thấp, diện tích để xe được phép lấy bằng 60% định mức quy định trên, đồng thời, đảm bảo tối thiểu 6m2 chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ chung cư”, ông Nghĩa thông tin.
Trước đó, việc bố trí nơi đỗ xe cho các phương tiện trong các công trình nhà chung cư cao tầng áp dụng theo quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN01:2008, hướng dẫn của Bộ Xây dựng và văn bản hướng dẫn Sở Quy hoạch - Kiến trúc với các chỉ tiêu cụ thể.
Theo QCXDVN01:2008, chung cư cao cấp 1 căn hộ/1,5 chỗ đỗ ô tô; Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng: Đối với nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe. Đối với nhà ở xã hội, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe.
Trong khi đó, theo yêu cầu của TP Hà Nội, nhu cầu diện tích đỗ xe nhà chung cư phân chia theo các khu vực cụ thể: khu vực nội đô lịch sử 31m2 đỗ xe/100m2 sàn sử dụng chung cư.
Con số này với khu vực nội đô mở rộng phát triển mới là 24m2 đỗ xe/100m2 sàn và khu vực các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái là 20m2 đỗ xe/100m2 sàn.
“Tuy nhiên, các quy định nêu trên chỉ hướng dẫn về chỉ tiêu tính toán diện tích đỗ xe, không quy định cụ thể về tỷ lệ khu vực bố trí đỗ từng loại xe”, ông Nghĩa cho hay.
Xe ô tô đỗ la liệt hai bên đường Nguyễn Chánh để vào khu shophouse thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội
Nghiên cứu ban hành quy chuẩn hạ tầng phục vụ giao thông công cộng
Trước vấn đề PV đặt ra về tình trạng, hiện nay, nhiều công trình, dự án nhà chung cư khi xây dựng đều cố gắng tận dụng tối da diện tích đất được cấp để xây dựng và “bỏ quên” hạ tầng phục vụ vận tải công cộng dẫn đến tình trạng phương tiện lấn chiếm lòng đường gây mất ATGT, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thừa nhận, trong hệ thống, các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành không có quy định thiết kế bố trí hạ tầng phục vụ vận tải công cộng tại khu đất xây dựng chung cư (khu đón, trả khách cho taxi).
Do vậy, khi thiết kế xây dựng công trình đa số chưa tính đến việc bố trí các khu khu đón, trả khách cho phương tiện công cộng, taxi. Nhu cầu dừng đỗ cho các phương tiện nàỵ được giải quyết bằng giải pháp sử dụng chung hệ thống sân đường nội bộ khu đất dự án và sảnh đón của công trình chung cư (không bố trí khu vực riêng).
“Trong thời gian tới, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ nghiên cứu quy định này và kiến nghị với các cấp thẩm quyền xem xét chấp thuận áp dụng đối vói công trình chung cư”, ông Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện nay, các khu đô thị mới khi xây dựng đã có các bãi đỗ xe công cộng, bãi đỗ xe bản thân tòa nhà đáp ứng nhu cầu đỗ xe của dân cư khu đô thị. Một số khu vực cho phép bố trí đỗ xe dưới lòng đường (trong trường hợp không làm ảnh hưởng đến lưu lượng thông qua của tuyến đường, không gây ùn tắc), cụ thể sẽ do cơ quan quản lý chuyên ngành giao thông rà soát bố trí.
“Để tránh tình trạng các phương tiện tràn xuống lòng đường gây mất trật tự đô thị, mất ATGT, lực lượng Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương cần kiểm tra, rà soát các tuyến đường chưa sử dụng hết bề rộng lòng đường, bố trí các khu vực dừng đỗ cho phương tiện (có biển báo, kẻ vạch sơn rõ ràng).
Đối với các tuyến đường cấm phương tiện dừng đỗ cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các người vi phạm”, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận