Khu tái định cư Đồng Tàu (Hoàng Mai, Hà Nội) xuống cấp, mặt tường tróc lởnhưng không được tu sửa - Ảnh: Liên Anh |
Liên quan đến những bất cập trong quản lý chung cư, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng, sau các kỳ chất vấn, thành phố mới chỉ đưa ra được số liệu chứ chưa thấy nêu nguyên nhân, giải pháp khắc phục những bất cập, tồn tại.
Ngày 7/7, kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội tiếp tục làm việc với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề mà các đại biểu và cử tri còn nhiều bức xúc.
Lỗi không phải của người dân
Trước khi tiến hành chất vấn, một số ĐB HĐND đã tiến hành tái chất vấn về tình hình thực hiện kết luận tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Tái chất vấn về vấn đề quản lý, sử dụng chung cư, ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho rằng, sau chất vấn, báo cáo của UBND TP mới chỉ nêu ra được số liệu chứ chưa thấy đề cập đến nguyên nhân, giải pháp cũng như trách nhiệm cụ thể của TP. Cụ thể, liên quan đến thành lập các Ban quản trị nhà chung cư, ĐB Nam cho biết, đối với nhà chung cư thương mại mới chỉ thành lập được 36%, còn nhà chung cư phục vụ tái định cư thì chưa được 10%, tỷ lệ rất thấp khiến đa số chung cư bị người dân vô thừa nhận.
“Chúng ta cứ đổ lỗi cho người dân là không muốn thành lập vì thế nọ, thế kia, nhưng tôi cho rằng không thể đổ lỗi cho dân. Quản lý, vận hành tòa nhà chung cư phải chuyên nghiệp, dứt khoát phải có các cơ quan chuyên nghiệp vào đây làm việc. Đề nghị làm rõ việc không thành lập được các Ban quản trị tại các tòa nhà chung cư là lỗi của ai, trách nhiệm thuộc đơn vị nào, trách nhiệm cụ thể của TP ra sao?”, ông Nam đặt vấn đề.
Giải trình thêm về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn thừa nhận những khó khăn trong việc thành lập các Ban quản trị ở các nhà chung cư, đặc biệt là chung cư tái định cư. Nguyên nhân mà ông Tuấn đưa ra là dù đã tổ chức hội nghị nhà chung cư và bầu được 13 Ban Quản trị tại 15 tòa, tuy nhiên, đa số dân cư các tòa nhà tái định cư không muốn tổ chức và tham gia hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị nhà chung cư do dân không muốn đóng góp kinh phí để phục vụ công tác quản lý vận hành và bảo trì nhà chung cư.
Trao đổi với PV Báo Giao thông sau phần trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn về vấn đề này, ĐB Nguyễn Hoài Nam một lần nữa khẳng định, lỗi hoàn toàn không phải do người dân, mà trách nhiệm chính là của Chính quyền. “Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, đơn vị đang được Nhà nước giao cho trách nhiệm giúp TP quản lý thì chỉ biết khai thác, kinh doanh, nhưng không quan tâm đến việc duy tu, bảo trì và sửa nhà tái định cư khiến dân bức xúc. Tới đây, TP phải quan tâm và phải chấn chỉnh việc này, thậm chí xem xét trách nhiệm khi đơn vị trên không đủ tư cách quản lý”, ông Nam nhấn mạnh.
Dân bức xúc về nước sạch, dự án dở dang
Liên quan đến vấn đề gây bức xúc là thiếu nước sạch trong sinh hoạt, ĐB Nguyễn Thị Thùy (Gia Lâm) tiếp tục tái chất vấn và đề nghị UBND TP làm rõ thêm vì báo cáo chưa cụ thể.
“Nước sạch là nhu cầu cấp thiết mà trong các kỳ họp gần đây đều nêu ra nhưng chưa giải quyết được, liệu đến hết năm 2015, 100% dân số Thủ đô có được sử dụng nước sạch không? Các dự án cấp nước sạch hầu hết theo mô hình xã hội hóa thì giá cả thế nào, có phù hợp với khả năng chi trả của người dân không, TP có giải pháp gì hỗ trợ giá không? - ĐB Thùy đặt câu hỏi.
Cùng sự quan tâm, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) đặt vấn đề: “Theo mục tiêu, đến hết 2015 phải hoàn thành 40% tỷ lệ dân cư nông thôn được thụ hưởng nước sạch, với hạn chế và bề bộn những công việc đang triển khai thì theo đánh giá của UBND TP, chúng ta có hoàn thành được chỉ tiêu không? Nếu không, nguyên nhân chủ yếu do đâu, do cơ chế chính sách hay tổ chức thực hiện?”. ĐB này băn khoăn khi nhiều địa phương không có điều kiện nhưng đã triển khai việc cấp nước sạch và đạt kết quả tốt hơn Hà Nội, đồng thời yêu cầu làm rõ vì sao nhiều dự án nước sạch trọng điểm, đặc biệt là 7 dự án sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới lại chậm được triển khai.
Giải trình rõ hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt thừa nhận, hiện nay, tỷ lệ cung cấp nước sạch trên địa bàn TP vẫn còn thấp. Ông Việt cho biết, tính đến hết năm 2014, trên địa bàn nông thôn thành phố Hà Nội có 106 công trình cấp nước, trong đó có 81 trạm cấp nước hoạt động ổn định với công suất thiết kế từ 300 - 2 nghìn m3/ngày đêm cung cấp nước ổn định cho khoảng 286 nghìn người và 25 trạm cấp nước dở dang, tạm dừng hoạt động do bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không còn hoạt động, không cấp được nước cho nhân dân…
Cũng theo ông Việt, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trạm cấp nước nông thôn dở dang, dừng hoạt động do các công trình cấp nước sạch này trước đây được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn (vốn Trung ương, thành phố, huyện, xã và nhân dân đóng góp). Trong quá trình thực hiện, hầu hết các công trình này sau khi thực hiện hết phần vốn của Trung ương, của thành phố cấp, số còn lại do nguồn vốn huyện, xã và dân đóng góp không bố trí được; Việc đầu tư ở một số công trình nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến công trình chất lượng kém, không bền vững, chất lượng nước không đảm bảo và hiệu quả không cao. Ngoài ra, do nhu cầu, tập quán sử dụng nước máy của các hộ dân nông thôn chưa cao, việc thu được phí trong dân rất khó khăn, do đó không tái đầu tư sửa chữa dẫn đến hư hỏng không có kinh phí để tu sửa, lên trạm chỉ hoạt động thời gian ngắn….
Với các dự án cấp nước sạch ở nông thôn, ông Việt cho biết nhiều dự án còn dở dang chưa thể hoàn thành vì hầu hết nguồn kinh phí để đầu tư các dự án này đều rất lớn, trong khi đó, dù UBND thành phố đã có chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư các Dự án này từ việc sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố sang việc huy động xã hội hóa đầu tư do khó khăn về kinh phí, tuy nhiên vẫn chưa thu hút được đầu tư, chưa có nguồn vốn thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận