Bất động sản

Hà Nội: Đất ven sông Hồng lập đỉnh dù chưa xây 3 cầu vượt

12/12/2024, 06:30

Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi dù mới được thống nhất chủ trương xây dựng song thời gian qua, giá bất động sản hai bên bờ sông Hồng đã tăng giá chóng mặt.

Giá đất trên trời

Khảo sát của PV Báo Giao thông tại Đông Anh, giá những lô đất thổ cư ngoài mặt đường và gần điểm quy hoạch chân cầu Tứ Liên dao động khoảng 150 - 180 triệu đồng/m2.

Hà Nội: Đất ven sông Hồng lập đỉnh dù chưa xây 3 cầu vượt- Ảnh 1.

Dự án Khai Sơn City Long Biên bên kia cầu Trần Hưng Đạo.

Tại đây, một dự án chung cư cao cấp mới được chào bán với giá dự kiến khoảng 106 - 110 triệu đồng/m2. Cũng trong khuôn viên khu đô thị mới này, nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng trước mức giá bán nhà liền kề 274 triệu đồng/m2, biệt thự đơn lập lên tới 636 triệu đồng/m2.

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc về tình hình triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng như: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi… theo đó thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu lớn này bằng nguồn vốn ngân sách.

Cầu Tứ Liên nối Đông Hội (Đông Anh) với Nghi Tàm (Tây Hồ), quận trung tâm Hà Nội. Cầu Trần Hưng Đạo nối khu vực ngã 5 phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông với quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh). Cầu Ngọc Hồi nối Thanh Trì (Hà Nội) với Văn Giang (Hưng Yên).

Đất ở trong khu dân cư cũ, đường rộng, ô tô có thể đỗ cửa có giá khoảng 90 - 100 triệu đồng/m2. Nhà diện tích nhỏ 30 - 40m2, ngõ nhỏ ô tô không vào được có giá bán khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2.

Đầu cầu Trần Hưng Đạo phía quận Long Biên nhộn nhịp hơn bởi quy tụ khá nhiều dự án bất động sản như: Khai Sơn City, HC Golden City, KĐT Việt Hưng, KĐT Sài Đồng, Vinhomes Riverside... Khi cầu được triển khai, những dự án này được hưởng lợi khá lớn.

Giá bất động sản ở đây cũng tăng khá cao. Đơn cử dự án Khai Sơn City, căn liền kề 76,2m2, 5 tầng đang chào bán 15 tỷ đồng (196 triệu đồng/m2). Căn hộ tại dự án HC Golden City, diện tích 82m2, 2 phòng ngủ, 2 toilet, nội thất hoàn chỉnh, chào bán 6,2 tỷ đồng (70 triệu đồng/m2).

Giá nhà và căn hộ ở đây thậm chí cao hơn nhiều những khu vực nội thành hoặc những nơi người dân không phải qua sông như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm hay những huyện sắp lên quận như Hoài Đức, Thanh Trì.

Đón đầu quy hoạch cầu Ngọc Hồi, giá đất Thanh Trì cũng có nhiều biến động. Theo bảng thang giá của Property Guru Việt Nam, giá đất trung bình tại Ngọc Hồi (Thanh Trì) 127 triệu đồng/m2 (85 - 182 triệu đồng/m2), tăng 3 triệu đồng/m2 so với tháng trước đó, tăng 70 triệu đồng/m2 so với tháng 6 và tăng 100 triệu đồng/m2 so với tháng đầu năm.

Trong số quận huyện ven Hà Nội, duy chỉ có giá đất Văn Giang (Hưng Yên) đang đi xuống, ở mức 44 triệu đồng/m2 sau khi lập đỉnh ở mức 47 triệu đồng/m2 ở quý trước.

Nhà đầu tư không nên mạo hiểm

Việc triển khai hạ tầng theo quy hoạch nói chung, đầu tư 3 cây cầu nói riêng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bất động sản nhờ rút ngắn quãng đường di chuyển vùng ven vào nội đô.

Hà Nội: Đất ven sông Hồng lập đỉnh dù chưa xây 3 cầu vượt- Ảnh 2.

Phối cảnh cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, các quận, huyện như: Long Biên, Đông Anh, Thanh Trì (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên) sở hữu rất nhiều cơ hội để trở thành tâm điểm mới của thị trường bất động sản Thủ đô.

Khởi đầu là thông tin lên quận đô thị và dần hiện diện các công trình hạ tầng như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, thậm chí là Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia... ông Điệp tin rằng, thị trường bất động sản ở những khu vực này sẽ sớm trở nên sôi động.

Song, ông Điệp cũng khuyến cáo, vấn đề nhà đầu tư cần quan tâm chính là tính thanh khoản và đặc điểm của phân khúc. Những khu vực điển hình như Đông Anh phù hợp với những người đầu tư dài hạn theo hướng "đắt bán chơi, rẻ để đấy". Còn với những người sử dụng đòn bẩy tài chính, đây sẽ là những "thương vụ nguy hiểm". Bởi lẽ, khả năng thanh khoản của khu vực này còn hạn chế và bản thân đất nền không có khả năng tạo dòng tiền.

Anh Nguyễn Văn Phách, Giám đốc Công ty Bất động sản Đông Anh cũng cho rằng, nhiều dự án bất động sản bên sông được hưởng lợi khi xây cầu. Song các nhà đầu tư cần xác định tâm thế đầu tư dài hạn từ 3 - 5 năm, không kỳ vọng "lướt sóng". Theo anh Phách, giá nhà đất có biến động, song thời gian gần đây, thanh khoản không tốt như nhiều người mong đợi.

Anh Vũ Viết Hà, Giám đốc Công ty Bắc Việt Land thì cho hay: "Đất Đông Anh, Long Biên tăng nhưng khó tăng mạnh. Giá hiện nay có thể coi là đỉnh trần. Những nhà đầu tư có khuynh hướng "lướt sóng" sẽ rất mạo hiểm nếu xuống tiền.

Hiện chúng tôi tìm mua những mảnh đất do người dân bán trong khu dân cư. Sau đó bán lại cho người có nhu cầu thật. Bởi sản phẩm này hiện thấp hơn khá nhiều so với đất dự án. Giá bán vừa túi tiền, phù hợp nhu cầu mua ở thực của nhiều người, hàng được thanh khoản tốt hơn".

Theo thang giá của Property Guru Việt Nam, giá bất động sản trung bình khu vực Long Biên đã tăng từ 50 - 85 triệu đồng/m2 chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, thu nhập của người lao động tại Hà Nội là 10,7 triệu đồng, tăng 6,6% so với quý trước.

Từ đây, Property Guru Việt Nam đưa ra tính toán, với mức thu nhập trung bình hiện nay, để sở hữu nhà mặt phố, người dân Thủ đô phải làm việc 169 năm; muốn sở hữu nhà riêng thì cần 132 năm; còn mua căn hộ chung cư mất 23 năm (với giả thiết người lao động dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.