Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 28/9, Phó bí thư Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị nghiên cứu tổng thể cải tạo, nâng cấp, thay thế các cầu yếu trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo thống kê hiện trên địa bàn Hà Nội có nhiều cầu yếu. Trong trận bão lũ lịch sử vừa qua, để đảm bảo an toàn, Hà Nội đã phải tạm dừng cho phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên và cầu Đuống, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Về công tác an toàn hệ thống đê đập, bà Tuyến đề nghị nghiên cứu các giải pháp đầu tư đồng bộ về xây dựng, quy hoạch vùng xung yếu, tính an toàn hệ thống đê.
Lãnh đạo Hà Nội cũng kiến nghị đầu tư công trình điều tiết thượng nguồn sông Cà Lồ. Cùng với đó, Hà Nội đề nghị áp dụng các giải pháp, công trình triển khai quy hoạch làm tiêu thoát nước sông Đáy, sông Bùi, sông Tích để giảm thiểu thiệt hại cho các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức.
Đặc biệt, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị xây dựng đập điều tiết ngang sông Hồng trên địa bàn thành phố (đã được phê duyệt) nhằm giảm thiểu và giải quyết tối đa mục tiêu các vấn đề nguồn nước tiêu hiện nay trên địa bàn thành phố.
Phó bí thư Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, do bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng rất rộng và cường độ rất mạnh, cùng với tình hình mưa, lũ lớn sau bão rất phức tạp, gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, bão lũ đã làm 4 người tử vong, 28 người bị thương; gần 100.000 cây bị gãy, đổ (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác); làm tốc mái hơn 3.000 mái tôn.
Hơn 2.800 gia súc bị chết, 460.000 gia cầm bị chết, thất lạc; 30.000 hộ dân bị ngập lụt nhà ở; hơn 23.000ha lúa bị gãy, đổ, dập nát; hơn 4.000ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại...
Ngoài ra, mưa lũ lớn đã gây ra 40 sự cố đê điều, hơn 150 sự cố công trình thủy lợi… Ước thiệt hại ban đầu trong sản xuất nông nghiệp sau bão, lũ là hơn 2.287 tỷ đồng; trong đó trồng trọt là 1.956 tỷ đồng, chăn nuôi là 32 tỷ đồng, thủy sản là 299 tỷ đồng..
Khắc phục hậu quả, TP Hà Nội đã tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người mất, người bị thương và gia đình bị thiệt hại do thiên tai.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã tập trung huy động nhân lực, thiết bị xử lý cây xanh bị đổ, gãy, bật gốc… để bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; khôi phục, bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin; đã sơ tán, di dời hơn 78.000 người tại các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Hỗ trợ người dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão lũ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đã kêu gọi và tiếp nhận đăng ký ủng hộ hơn 200 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân. Từ nguồn lực này đã hỗ trợ nhân dân Thủ đô 15,9 tỷ đồng, hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại 85,94 tỷ đồng và nhiều nhu yếu phẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận