Gần 10 năm triển khai thí điểm, hoạt động của xe điện 4 bánh ở Hà Nội được đánh giá có nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi tính đến phương án mở rộng phạm vi hoạt động, những bất cập thời gian qua trong quản lý, tổ chức loại hình vận tải này cần được giải quyết hiệu quả.
Ưu việt nhưng còn nhiều “lỗ hổng”
Ngày 15/8, có mặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận, trong khi những người hành nghề đạp xích lô luôn trong tình trạng “đói khách” thì những chuyến ô tô điện vẫn túc tắc duy trì hoạt động, phục vụ một số đoàn khách nội địa. Tại quầy mua vé xe điện trên đường Đinh Tiên Hoàng, chị Nguyễn Hoài Thương (quê Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, đây là lần thứ hai chị đi xe điện tham quan phố cổ Hà Nội và hồ Hoàn Kiếm.
“Lần đầu cách đây hơn 1 năm, tôi cùng gia đình xuống Hà Nội trải nghiệm, tham quan phố cổ. Khi hỏi giá dịch vụ xe xích lô trong 1 giờ lên tới 80.000 đồng/người, có người “hét giá” tới 120.000 đồng. Trong khi đó, vé xe điện chỉ có 35.000 đồng/lộ trình/người tham quan 28 tuyến phố cổ. Vậy là gia đình tôi chọn đi xe điện và lần này cũng thế”, chị Thương nói.
Ông Vũ Hà Thanh, Phó TGĐ Công ty CP Đồng Xuân - một trong những đơn vị sở hữu số lượng xe điện lớn nhất Hà Nội (40 xe) cho biết, so với xích lô, taxi, xe du lịch thì xe ô tô điện có không gian mở, khách có thể tiếp cận, tương tác với không gian văn hóa, kiến trúc đặc sắc của Thủ đô; Thời gian hoạt động chỉ khoảng 35 - 40 phút/lộ trình nên cũng dễ dàng di chuyển trong các tuyến phố cổ chật hẹp.
“Sau gần 10 năm thí điểm, Công ty CP Đồng Xuân đã ký hợp đồng với hơn 100 công ty du lịch lữ hành. Từ năm 2010-2019, 40 xe điện 4 bánh của công ty đã phục vụ trên 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó 70% là người nước ngoài. Thời điểm bình thường, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 1 ngày có khoảng 1.000 - 1.500 khách”, ông Thanh thông tin.
Đánh giá về hiệu quả của loại hình xe điện 4 bánh, Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo kết quả khảo sát, có tới hơn 67% người được hỏi có nhu cầu sử dụng xe điện làm phương tiện tham quan tại Hà Nội.
“Qua thời gian thí điểm, việc sử dụng xe điện trong khu vực phố cổ ở Hà Nội từng bước khắc phục các tình trạng “cò mồi”, chèo kéo khách du lịch, giúp giảm ùn tắc vào giờ cao điểm tại các điểm tham quan du lịch”, Sở GTVT Hà Nội cho hay.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, hoạt động của loại phương tiện này vẫn còn một số bất cập như: Thông tư 86/2014 của Bộ GTVT quy định điều kiện đối với xe chở người 4 bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế đã có hiệu lực song còn thiếu các nội dung quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý số lượng phương tiện và chất lượng dịch vụ.
Cùng đó, hiện cũng chưa có những nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng cho phương tiện giao thông điện trên các tuyến đường hiện có; Chưa có các cơ chế chính sách quản lý phương tiện sử dụng động cơ điện, vẫn có những trường hợp xe điện hoạt động ngoài phạm vi quy định nhưng không có chế tài xử lý...
Đề xuất quy chuẩn riêng
Trong Đề án “Xây dựng quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và ATGT”, Sở GTVT Hà Nội đề xuất điểm đầu - cuối tuyến của xe điện phải có đủ diện tích cho xe quay đầu, đỗ xe đảm bảo ATGT; Có bảng thông tin (tên tuyến; số hiệu tuyến; hành trình; tần suất chạy xe; thời gian hoạt động trong ngày của tuyến; số điện thoại của cơ quan quản lý tuyến; trách nhiệm của hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe).
Điểm dừng đón trả khách phải được báo hiệu bằng biển báo và vạch sơn kẻ đường theo quy định; trên biển báo hiệu phải ghi số hiệu tuyến, tên tuyến.
“Về quản lý nhà nước, các tuyến mở mới cần xây dựng đề án thí điểm gửi Sở GTVT thẩm định và phải được sự đồng ý của UBND quận, huyện, thị xã nơi tuyến xe điện đi qua. Đơn vị kinh doanh loại hình xe điện phải thực hiện đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật; Bảo đảm số lượng, chất lượng của phương tiện phù hợp. Đặc biệt, đơn vị phải đăng ký màu sơn, logo của đơn vị và niêm yết giá cước, số điện thoại của DN, HTX lên xe để hành khách được biết; Phải có camera giám sát hành trình để sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra khi có yêu cầu”, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin.
GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT cho rằng, đối với hoạt động của xe điện 4 bánh hiện nay, cùng với yêu cầu về chất lượng (đăng kiểm đúng quy định, trang thiết bị đảm bảo an toàn trên xe), vấn đề hạ tầng cần phải được “chuẩn hóa”.
“Các DN cũng cần nghiên cứu quy chế mua vé đối với hành khách. Vé đi xe điện phục vụ khách du lịch không chỉ hạn chế ở vé lượt mà có thể phát hành vé ngày để trong một hành trình, du khách không phải mất quá nhiều thời gian mua vé khi tham quan nhiều điểm du lịch”, GS. TS. Sùa nói.
Còn theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cơ quan chức năng không nên khắt khe, hạn chế về luồng tuyến của xe điện.
“Hà Nội chỉ cần quy định những tuyến phố nào xe điện được chạy. Trong phạm vi đó, xe điện sẽ hoạt động phù hợp với nhu cầu di chuyển đến chỗ ăn, ở của du khách. Dịch vụ mà hạn chế luồng tuyến theo kiểu chỉ được chạy ở phố này, không được chạy sang phố bên cạnh sẽ rất dễ mất khách”, TS. Tạo nói.
Trong khi đó, theo ông Vũ Hà Thanh, hiện nay chất lượng phương tiện và yêu cầu về người lái đã được quy định rõ tại Thông tư 86/2014 của Bộ GTVT. “Là đơn vị trực tiếp vận hành các tuyến xe điện 4 bánh thời gian qua, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất quy định lắp camera hành trình, quy định màu sơn, logo của Sở GTVT Hà Nội nhằm đảm bảo tính cạnh tranh chất lượng trong dịch vụ vận tải”, ông Thanh nói.
Đề xuất mở rộng địa bàn hoạt động của xe điện
Tại Đề án “Xây dựng quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn TP Hà Nội” (đang lấy ý kiến), Sở GTVT Hà Nội đề xuất tuyến đường xe điện hoạt động phải có mặt đường rộng tối thiểu 3,5m, độ dốc dọc dưới 10%.
Trên cơ sở đó, đơn vị này đã đưa ra 8 địa điểm, khu du lịch TP Hà Nội có thể triển khai loại hình này 1gồm: Vườn Quốc gia Ba Vì; Làng cổ Đường Lâm; Chùa Hương; Làng nghề gốm sứ Bát Tràng; Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân, Thường Tín; Thiên Sơn - Suối Ngà; Công viên Yên Sở và Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận