Bước lùi về chính sách?
Chiều nay (24/6), trao đổi với Báo Giao thông ngay sau khi tiếp nhận thông tin Sở GTVT Hà Nội đề xuất cho một số phương tiện đi chung vào làn buýt nhanh BRT, nhiều chuyên gia giao thông đô thị bày tỏ không đồng tình và cho rằng, phương án này đang hướng tới xoá bỏ mục tiêu ban đầu của tuyến buýt nhanh BRT.
Tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội đang được đề xuất đi chung với một số phương tiện khác. (Ảnh minh hoạ)
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, phương án này là bước lùi về mặt chính sách, đi đến xoá bỏ BRT; đồng thời xoá bỏ luôn quan điểm ưu tiên phương tiện giao thông công cộng.
"Việc cho một số phương tiện đi vào làn BRT sẽ giải toả bớt một phần mặt đường dành cho xe thông thường. Nhưng câu hỏi đặt ra, giả sử có những xe đi vào làn BRT rồi từ phía sau xe buýt nhanh chạy đến bị vướng và phải chờ đợi. Vậy mục đích chuyên chở giao thông công cộng nhanh, đúng giờ còn tồn tại không?", TS Phan Lê Bình nêu câu hỏi.
"Hiện BRT chưa đạt được như kỳ vọng, khai thác tần suất chưa cao nên có thể để tránh bức xúc công luận tuyến này được đề xuất cho thêm phương tiện đi chung. Nhưng nếu cho như vậy, tới đây chắc chắn thời gian di chuyển của buýt nhanh sẽ bị ảnh hưởng". Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội.
Phân tích từng loại xe được cho đi chung vào làn BRT, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, có thể cho phép xe cứu thương đi vào vì mang ý nghĩa đặc biệt liên quan đến tính mạng. Xe công vụ không đảm bảo gấp đến mức như vậy, xe công vụ chỉ chở những người đi làm công vụ, đầy tớ, công bộc của nhân dân. Đường ùn tắc, các lãnh đạo có thể rời khỏi xe công vụ, chuyển lên xe BRT để di chuyển tiếp.
Những xe khác như: xe khách, xe buýt thường đi vào sẽ cản trở tốc độ của xe buýt nhanh. Đặc biệt giờ cao điểm, trong một làn nhỏ, hàng chục chiếc xe buýt thường, xe chở khách đi vào làn BRT và một khi đã vào xe buýt nhanh dễ bị các xe khác chặn dòng, có thể dễ ùn tắc, khó tiếp cận nhà chờ, biến làn BRT thành “làn rồng rắn”.
“Biện pháp đưa ra là bước lùi và dần đi đến xoá bỏ BRT, đồng thời xoá bỏ luôn quan điểm ưu tiên phương tiện giao thông công cộng. Đây còn là bước lùi về mặt chính sách, không nên thực hiện. Một khi đã làm như vậy, các tuyến BRT tiếp theo sẽ không làm được nữa”, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nói.
Chuyên gia giao thông đô thị, TS. Nguyễn Hữu Đức cũng bày tỏ lo ngại và đặt câu hỏi: "Năm nay Hà Nội cho loại xe này vào, sang năm thấy đường ùn tắc cho tiếp xe cá nhân, như vậy buýt nhanh còn tồn tại không?".
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, về nguyên tắc BRT đi nhanh phải có làn đường dành riêng, ở Hà Nội hiện đang tổ chức làn ưu tiên bởi chưa đáp ứng đủ 2 trong 4 tiêu chuẩn của BRT gồm: Có làn dành riêng, phải đảm bảo xe BRT đi liên tục trong thời gian 4,5km. Ví dụ khi đến đèn tín hiệu có thể chuyển sang làn xanh để xe buýt nhanh đi liên tục được. Còn hai tiêu chuẩn khác: Có chỗ cửa ra vào ngang bằng trạm đỗ xe, bố trí ở phía giữa để người lên xuống ở bên trái hiện Hà Nội đã làm được.
TS. Đức bày tỏ lo ngại khi cho một số phương tiện đi chung, song, các phương tiện này khi thấy BRT lại không nhường gây ùn tắc, khó tiếp cận nhà chờ đón khách.
“Hà Nội cần nghiên cứu các xe đi vào sẽ phải đảm bảo xe buýt nhanh đến phải được ưu tiên. Muốn thế phải có quy định tổ chức khá phức tạp. Hiện nay, quy định chặt chẽ về thể chế chúng ta chưa quy định chặt, chỉ có cách vận động tuyên truyền ý thức người dân”, TS. Đức nói.
Đề xuất xe buýt thường, xe công vụ, cứu thương, xe khách từ 24 chỗ đi vào làn BRT
Tại báo cáo phương án điều chỉnh, tổ chức giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất TP Hà Nội cho phép thêm một số phương tiện lưu thông chung làn dành riêng cho xe buýt BRT 01. Cụ thể các phương tiện được đề xuất gồm: Xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường.
Về nguyên nhân điều chỉnh, theo Sở GTVT Hà Nội: Tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.
Do vậy, để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến, tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có trên tuyến, Sở này đề xuất TP Hà Nội trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt BRT cho phép các phương tiện lưu thông thêm như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hợp phần xe buýt nhanh BRT 01 từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ theo Hiệp định tín dụng tài trợ cho dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và Hiệp định tín dụng viện trợ của Quỹ môi trường toàn cầu.
Vì vậy, để thực hiện điều chỉnh thí điểm như trên, Sở GTVT kiến nghị với TP Hà Nội có ý kiến thống nhất với WB.
Song, ghi nhận của PV Báo Giao thông, do hạ tầng còn nhiều hạn chế, sau 5 năm vận hành, tuyến buýt nhanh BRT thường xuyên bị các phương tiện khác lấn làn, tốc độ di chuyển của những xe này chưa nhanh như kỳ vọng của người dân.
Tuyến buýt nhanh BRT 01 lộ trình bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã. Hiện tại, xe buýt BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. Các đoạn đi hỗn hợp với các phương tiện khác gồm đoạn bến xe Yên Nghĩa - Ba La, đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã.
Trên tuyến 14,77km, ngoài 3 đoạn tuyến xe BRT lưu thông hỗn hợp thì tuyến BRT được bố trí chạy trong làn dành riêng, có vạch sơn kết hợp với lắp dải phân cách cứng tại 3 nút giao thông gồm: Giảng Võ, Hoàng Đạo Thúy và Khuất Duy Tiến; Các nút giao thông được bố trí pha đèn và tổ chức phù hợp, tạo điều kiện cho BRT vận hành, trên toàn tuyến duy trì cấm xe dừng đỗ và cấm taxi vận hành trong giờ cao điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận