Song, nhiều ý kiến lại cho rằng, Hà Nội nên mở rộng làn đường riêng cho toàn mạng lưới xe buýt nói chung và tăng tính liên kết của BRT mới đủ sức hấp dẫn hành khách…
Hình thành tuyến mẫu trước khi nhân rộng
Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới xe buýt nhanh tại Hà Nội sẽ gồm 8 tuyến: Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (khoảng 14km); Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo QL1 cũ, khoảng 27km); Sơn Đồng - Ba Vì (khoảng 20km); Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên (khoảng 15km); Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3, khoảng 30km); Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - QL5 - Lạc Đạo (Vành đai 4, khoảng 53km); Ba La - Ứng Hòa (khoảng 29km); Ứng Hòa - Phú Xuyên (khoảng 17km).
Cùng đó, một số tuyến đường sắt đô thị khi chưa xây dựng có thể sử dụng hình thức xe buýt nhanh: Tuyến số 4 (Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Bắc Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh), tuyến số 8 (Cổ Nhuế - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá) và tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải công cộng TP Hà Nội cho rằng, tuyến BRT 01 đã có hiệu quả nhất định nhưng không thể phát triển “đơn độc” mà cần có sự tiếp nối, liên thông để phát huy thế mạnh về khả năng tiếp cận, tính đúng giờ, tiếp tục thúc đẩy người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân.
“Đặc biệt, so với đường sắt đô thị trên cao hay hầm chui, BRT là loại hình vận tải công cộng rẻ nhất, cơ động nhất (làn đường dành riêng có thể chuyển đổi mục đích nếu không hiệu quả). Do đó, việc Hà Nội nghiên cứu, mở rộng các tuyến BRT là cần thiết”, ông Thông nói.
Tuy nhiên, theo ông Thông, trước tiên, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần phải xây dựng tuyến BRT 01 thành tuyến “kiểu mẫu”, khi đó việc xây dựng, vận hành mới sớm đạt kết quả, tránh lãng phí.
Trong đó, cần tính đến phương án kết nối khi các tuyến đường sắt đô thị trên cao được đưa vào khai thác, tổ chức được các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ, tạo thuận lợi cho người dân chuyển phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.
“Đặc biệt, làn đường dành riêng cho BRT đã được hình thành thì phải có chế tài duy trì. Trường hợp cần thiết phải thiết lập dải phân cách cứng, cao. Nếu chỉ dựa vào sức người sẽ không bao giờ xóa bỏ được tâm lý lấn làn, bon chen kéo tất cả cùng ách tắc từ phía người tham gia giao thông”, ông Thông nói.
Tăng tính liên kết từ “trục xương sống” BRT
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, vấn đề mở rộng vùng hoạt động của xe buýt nhanh BRT hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
Trước mắt, khi các tuyến đường sắt đô thị trên cao sắp “cán đích”, Sở GTVT Hà Nội đã tính toán phương án kết nối giữa BRT với toàn mạng lưới giao thông công cộng để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã đầu tư.
Cụ thể, Sở GTVT đã rà soát điều chỉnh, tổ chức lại mạng lưới xe buýt thường để kết nối với tuyến BRT tại các điểm đầu cuối Kim Mã (11 tuyến), BX Yên Nghĩa (15 tuyến) và dọc hàng lang tuyến (24 tuyến).
“Đối với việc kết nối với tuyến đường sắt số 2A (Cát Linh - Hà Đông), Sở GTVT đã xây dựng phương án kết nối 16 tuyến buýt (trong đó có tuyến BRT), gồm các tuyến: 09B, 19, 22C, 23, 28, 29, 30, 33, 44, 60A, 60B, 25, 85, 90, 99, 105 kết nối ngang giữa tuyến BRT và tuyến đường sắt 2A)”, ông Viện cho hay.
“Cùng đó, ga Yên nghĩa kết nối trực tiếp 20 tuyến (01, 02, 21A, 27, 37, 57, 62, 72, 89, 91, 102, 75, 213, CNG02, CNG07, BRT và 04 tuyến mở mới gồm: BX Yên Nghĩa - Chúc Sơn - Thị trấn Vân Đình; BX Yên Nghĩa - Kênh Đào; BX Yên Nghĩa - Miếu Môn; BX Yên Nghĩa - Hồng Dương). Tại ga Cát Linh cũng điều chỉnh 4 tuyến buýt (23, 25, 50, 90) kết nối với tuyến BRT”, ông Viện thông tin thêm.
Liên quan đến việc phát huy kết nối các tuyến buýt nhanh, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký phê duyệt kế hoạch Phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, giai đoạn từ năm 2021 - 2030.
Trong đó xác định BRT và các tuyến đường sắt đô thị là khung cơ bản cho toàn mạng lưới. Các loại hình vận tải khác như xe buýt, các loại hình vận tải vận tải hành khách công cộng khác mang tính kết nối, hỗ trợ gom khách.
Theo TS. Phan Lê Bình (chuyên gia Jica, Giảng viên Trường Đại học Việt Nhật), thay vì vội mở rộng vùng phục vụ, Hà Nội cần nghiên cứu mở rộng thêm mạng lưới làn đường dành riêng cho xe buýt, không chỉ với BRT. “Với những đoạn tuyến mới mở rộng mặt đường như đường Láng, đường Vành đai 3, đường Minh Khai - Trường Chinh, nên dùng phần mặt đường mới mở rộng để làm làn dành riêng cho xe buýt.
Tương lai, trên những tuyến đường có từ 3 làn xe trở lên như Đại Cồ Việt cũng nên lập làn dành riêng cho xe buýt. Việc này phải làm có kế hoạch và chiến lược lâu dài, làm dần dần, để càng ngày mạng lưới giao thông công cộng càng được ưu tiên, như vậy mới có thể giúp chuyển đổi dần từ phương tiện cá nhân sang loại hình công cộng”, TS. Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận