Hà Nội đang tìm cách giảm phương tiện cá nhân thông qua việc đầu tư, phát triển các phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh...
Số liệu thống kê từ Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội cho thấy, hiện tỷ lệ đảm nhận vận chuyển của các loại hình vận tải khách công cộng tại Hà Nội mới chỉ đạt 15% nhu cầu vận chuyển. Trong số này, xe buýt đang đảm nhiệm phần lớn, lên tới hơn 12%, xe buýt nhanh chiếm 0,3%, đường sắt đô thị chưa có còn taxi cũng chỉ 2,1%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 85% được thực hiện bằng xe phương tiện cá nhân.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho hay: “Năm 2000, Hà Nội vẫn chỉ có 3 doanh nghiệp Nhà nước tham gia với quy mô nhỏ. Sau gần 10 năm, sản lượng vận chuyển khách chỉ tăng từ 4,8 triệu lượt năm 1993 lên 15,2 triệu lượt khách năm 2001. Với sự phát triển bùng nổ của xe máy, làm thế nào để kéo người dân sang sử dụng xe buýt công cộng? Câu hỏi này chỉ được trả lời khi năm 2004, Hà Nội thành lập Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco)”.
Ngay trong năm đầu (2004), với 41 tuyến xe buýt và gần 700 đầu xe, Transerco đã vận chuyển được 285,3 triệu hành khách, vượt 16% so với kế hoạch và tăng 64% so với năm 2003. 10 năm sau đó, Hà Nội đã dần “mua” được thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân. Luồng tuyến tăng 2,4 lần, lượng xe tăng 4 lần và khách đi xe buýt tăng hơn 30 lần. Đến nay, lượng hành khách của Transerco đã vượt lên trên 450 triệu khách/năm. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2019, Hà Nội đã “phủ sóng” xe buýt đến các huyện ngoại thành, mở thêm nhiều tuyến buýt mới nối trung tâm Hà Nội đến các huyện ngoại thành, tiếp cận nhiều khu đô thị mới, xóa vùng trắng xe buýt.
Theo ông Thông, để hoàn thành chỉ tiêu tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20 - 25% (trong đó đường sắt đô thị đạt từ 1 - 3%) vào năm 2020, Hà Nội đã và đang tìm cách giảm tải áp lực phương tiện cá nhân thông qua việc đầu tư, phát triển các phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT số 1.
Ngoài tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sẽ vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và khai thác toàn tuyến vào tháng 12/2022.
Đồng thời, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức kết nối các tuyến buýt thường với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến buýt nhanh BRT tại điểm đầu, cuối và dọc hành lang đường sắt 2A và BRT; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ tạo thuận lợi cho hành khách gửi xe cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng; nghiên cứu tổ chức các tuyến buýt có sức chứa nhỏ để phù hợp với những đường phố nhỏ hẹp; triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận