Đô thị

Hà Nội: Đường Nguyễn Trãi vẫn hỗn loạn sau phân làn

18/10/2022, 08:00

Trước khi phân làn đường Nguyễn Trãi, Hà Nội đã có 4 lần phân làn ô tô, xe máy nhưng đều thất bại. Lần này, liệu việc thí điểm có thành công?

Giao thông lộn xộn, mạnh ai nấy đi

Việc thí điểm tổ chức lại giao thông trên đường Nguyễn Trãi được triển khai từ ngày 6/8). Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đã tách làn riêng cho ô tô, xe máy, dài khoảng 1,5km.

Từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Khuất Duy Tiến, cơ quan chức năng thiết lập 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động.

Hai làn sát vỉa hè mỗi hướng đi dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3 - 4 làn đường bên ngoài dành cho xe ô tô.

img

Sau hơn hai tháng tổ chức thí điểm phân làn, giao thông trên đường Nguyễn Trãi vẫn còn lộn xộn, nhất là trong khung giờ cao điểm (Chụp sáng 17/10) Ảnh: Tạ Hải

Tuy nhiên, có mặt tại đây những ngày giữa tháng 10, sau hai tháng rưỡi tổ chức thí điểm phân làn, ghi nhận của PV, giao thông vẫn rất lộn xộn, các phương tiện gần như lưu thông không theo biển báo.

Khoảng 13h50 chiều 11/10, dù không phải là khung giờ cao điểm, phương tiện thưa thớt, song trên làn đường dành cho ô tô vẫn liên tục xuất hiện người điều khiển xe máy đi vào.

Đáng nói, ở phía ngoài cùng bên phải phần đường dành cho xe máy vẫn còn nhiều khoảng trống. Trong khi đó, một số phương tiện ô tô cũng cố tình lưu thông sang làn của xe máy.

Trong nhiều ngày tiếp theo, PV liên tục có mặt và ghi nhận tình hình giao thông rất lộn xộn. Đơn cử, sáng 12/10, trong khung giờ cao điểm, lượng phương tiện ken đặc trên đường, lúc này các phương tiện đều phớt lờ biển báo, mạnh ai nấy đi.

Thậm chí, vào nhiều khung giờ cao điểm, trên cả tuyến, tình trạng hỗn loạn diễn ra không khác gì “ong vỡ tổ”.

Việc di chuyển trên đường Nguyễn Trãi của người tham gia giao thông đến nay vẫn rất khó khăn, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Để di chuyển trên quãng đường từ Ngã Tư Sở đến ngã tư Khuất Duy Tiến, nhiều khi phải mất đến 30 phút, trong khi thông thường chỉ cần 5 phút.

Chưa xử phạt nên vi phạm tràn lan

img

Người đi xe máy cố tình đi vào làn ô tô trên đường Nguyễn Trải

Theo ghi nhận, việc phân làn tại đường Nguyễn Trãi cũng xuất hiện những bất cập như dải phân cách không được lắp liên tục trên toàn tuyến mà có những điểm hở. Chính vì thế, các phương tiện có khi vừa đang đi làn này, thấy làn khác đỡ đông hơn là lại chen sang.

Sau nhiều ngày có mặt tại đường Nguyễn Trãi, PV ghi nhận, lực lượng làm nhiệm vụ như CSGT, TTGT rất vất vả để hướng dẫn người dân đi đúng làn đường quy định.

Vào giờ cao điểm buổi chiều, những cán bộ, chiến sĩ CSGT và TTGT liên tục dùng gậy điều khiển giao thông hướng dẫn xe máy đi vào làn đường của mình nhưng rất nhiều người đã phớt lờ.

“Dù có vẫy mỏi tay nhưng rất nhiều người điều khiển xe máy vẫn cố tình đi vào làn của ô tô. Nhất là trong giờ cao điểm, người đi xe máy vẫn lưu thông theo kiểu điền vào chỗ trồng”, một cán bộ TTGT làm nhiệm vụ cho hay.

Tìm hiểu của PV, đến nay, lực lượng chức năng vẫn chưa tiến hành xử phạt người vi phạm nên dù đã thí điểm 2 tháng rưỡi, tình trạng lộn xộn không giảm.

Lý giải điều này, một chỉ huy Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay việc phân làn tại đường Nguyễn Trãi đang tiếp tục được thí điểm đến tháng 12/2022, vì vậy lực lượng CSGT vẫn tích cực nhắc nhở và hướng dẫn người dân đi đúng làn.

Như vậy có thể thấy, dù đã có quy định, tuyến đường cũng đã có biển báo, song việc CSGT chưa xử phạt đã khiến người tham gia giao thông chưa thể thay đổi thói quen. Và như vậy, kể cả khi kết thúc thí điểm, cũng không ai dám chắc tình trạng vi phạm có giảm chút nào hay không.

Theo quy định, việc đi sai làn sẽ bị xử phạt từ 400.000 - 600.000 với xe máy, từ 4 - 6 triệu đồng với ô tô.

Chỉ là giải pháp tình thế?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, vừa qua, Sở đã điều chỉnh thu ngắn các vị trí dải phân cách bằng trụ đảo mũi tên 6 - 8m cho phù hợp thực tế.

Đồng thời, bổ sung các biển báo, hiệu lệnh kết hợp chỉ dẫn tại đầu dải phân cách; điều chỉnh tổ chức giao thông tại điểm quay đầu gầm cầu vượt Ngã Tư Sở để giảm bớt xung đột, cải thiện tình trạng ùn ứ.

Trước bất cập giao thông lộn xộn, nhiều phương tiện lưu thông không theo làn do PV phản ánh, ông Bảo khẳng định: “Đây không phải là “cây đũa thần” để giải quyết ùn tắc, khi lưu lượng đã vượt quá khả năng thông qua và người dân không tuân thủ luật. Giải pháp này chỉ là tình thế nhằm phát huy hết năng lực của hạ tầng hiện có để hạn chế ùn tắc hơn”.

Theo ông Bảo, phân làn trong tổ chức giao thông là giải pháp các nước tiên tiến, văn minh đã triển khai và đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, các nước hầu hết xử phạt nguội, người vi phạm giao thông sẽ bị trừ tiền ngay trong tài khoản ngân hàng. Do đó, để đảm bảo phương án tổ chức khả thi thì cần sự đồng bộ, hỗ trợ của liên ngành.

“Chúng tôi đề nghị CSGT, TTGT tăng cường xử lý phương tiện vi phạm. Không thể đổ lỗi phương án không phù hợp, khi ngay cả đường thông thoáng vẫn xuất hiện nhiều phương tiện không chấp hành”, ông Bảo nói và cho biết, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ có những điều chỉnh để hạn chế bất cập nảy sinh.

Chuyên gia giao thông, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, việc thí điểm phân làn cứng trên một đoạn của tuyến đường thay vì mở rộng ở nhiều tuyến đường khác sẽ tránh tốn kém ngân sách trong trường hợp giải pháp chưa khả thi. Khi thấy khả thi mới bắt đầu nhân rộng dần dần.

Góp ý cho TP Hà Nội về giải pháp, bà Thủy cho rằng, công tác quy hoạch cần phải có tầm nhìn: “Chúng ta không thể mở một tuyến đường cho 1.000 người di chuyển nhưng lại mở khu đô thị, dân cư lên tới hàng chục nghìn người trên tuyến đường đó. Như vậy, có tổ chức giao thông thế nào cũng không phù hợp, khả thi. Hiện nay, ở nhiều vị trí tổ chức lại giao thông nhưng phương tiện đi ngược chiều nhan nhản vì không thuận tiện, vòng vèo, mất quá nhiều thời gian”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.