Trong báo cáo 6 tháng đầu năm của Sở GTVT gửi UBND TP Hà Nội, tính đến ngày 15/5/2019 sản lượng vật tải công cộng bằng tuyến buýt nhanh BRT01 vận chuyển ước đạt hơn 50 nghìn lượt xe với hơn 2 triệu lượt hành khách, bằng 98,2% so với thực hiện cùng kỳ 2018, bình quân đạt 41 hành khách/lượt.
Tuy vậy, tỷ lệ khách bình quân liên tục sụt giảm qua các tuần kế sau. Cụ thể, trong báo cáo tuần thứ 22 (từ ngày 24/5 - 30/5) của đơn vị quản lý tuyến buýt này, buýt nhanh BRT01 chỉ vận chuyển đạt hơn 2.500 lượt xe, với gần 90 nghìn lượt hành khách. Bình quân chỉ đạt 35,5 lượt hành khách, tỷ lệ đúng giờ 97%.
Việc buýt nhanh tồn tại nhiều bất cập, chưa thu hút được hành khách cũng được Báo Giao thông phản ánh trong bài viết: "Đừng để buýt nhanh chậm … như buýt thường" gần đây. Cụ thể, thời điểm 7h36 ngày 30/5, PV bắt đầu lên tuyến xe buýt nhanh BKS 29B - 148.08, khởi hành ở BX Yên Nghĩa. Dù trong khung giờ cao điểm nhưng trên xe chỉ có 7 hành khách, chủ yếu là sinh viên. Xe phải trải qua nhà chờ thứ 6 - Mỗ Lao, lượng khách mới lên khoảng 30 người. Con số này thấp hơn nhiều mức trung bình trên một lượt xe BRT mà cơ quan chức năng công bố.
Đáng nói hơn, buýt nhanh dù có làn đường riêng, nhưng vừa đi từ BX Yên Nghĩa ra tiếp cận nhà chờ Ba La đã có hàng trăm phương tiện bủa vây, lấn làn BRT, khiến tốc độ di chuyển của buýt nhanh liên tục bị chậm lại. Thậm chí, đến nhà chờ Văn Phú, lái xe buýt nhanh phải đánh lái khỏi làn riêng của mình để tiến lên phía trước, “đòi” lại làn đường. Cùng đó, lộ trình bình thường của buýt nhanh là 42 phút/chuyến, song thực tế PV ghi nhận mất tới 52 phút trên quãng đường gần 15km.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Đại học GTVT cho rằng, tần suất lưu thông của buýt nhanh nhiều nước trên thế giới khá cao, 1-2 phút mỗi chuyến. Trong khi buýt nhanh của Hà Nội mới đạt tần suất 5-10 phút mỗi chuyến, do đó loại hình này hoạt động chưa hoàn toàn là BRT. Cùng đó, hạ tầng buýt nhanh ở Hà Nội chưa đạt chuẩn thế giới, vì vậy tốc độ lưu thông chưa cao, chưa được người dân lựa chọn nhiều.
“Khi để các phương tiện chạy trên làn BRT làm ảnh hưởng tốc độ của buýt nhanh, làm cho buýt nhanh trở thành buýt thường, người dân sẽ không mặn mà”, TS. Bình nói và nêu quan điểm, Hà Nội cần thiết kế tuyến BRT theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tốc độ xe để thu hút người tham gia giao thông. Cùng đó, phải xử lý nghiêm hành vi lấn làn buýt nhanh BRT.
Sau khi làn BRT không bị lấn làn sẽ đánh giá chất lượng tuyến này, nếu lượng khách đông, nhiều người chuyển sang sử dụng xe buýt nhanh sẽ tiếp tục nhân rộng. Còn nếu vẫn không hiệu quả thì để buýt nhanh trở thành buýt thường và trả lại làn đường cho người dân lưu thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận