Đô thị

Hà Nội: Làm gì để Ngã Tư Sở không còn là “ngã tư khổ”?

17/11/2020, 10:08

Để giải quyết dứt điểm ùn tắc tại Ngã Tư Sở, Hà Nội cần sớm đầu tư liên thông toàn bộ đường Vành đai 2 từ Vĩnh Tuy đến Cầu Giấy...

img
Gần 1.000 doanh nghiệp nội có hoạt động liên doanh liên kết đang phải chịu quy định khống chế trần lãi suất vay vốn - lẽ ra chỉ nên áp dụng với các tập đoàn đa quốc gia

Nhiều chuyên gia cho rằng, năng lực thông qua nút giao Ngã Tư Sở đã quá giới hạn bởi lượng phương tiện đổ dồn từ đường Vành đai 2 đoạn Trường Chinh (cả trên cao và dưới thấp) về nên cần đồng bộ phương án tổ chức giao thông từ xa...

Ngã Tư Sở vẫn là “ngã tư khổ”

7h30 sáng 14/11, dù là giờ cao điểm cuối tuần, song tại nút giao Ngã Tư Sở, dòng phương tiện vẫn ùn ứ kéo dài. Ô tô, xe máy giành nhau từng mét để không bị “chôn chân”.

Quan sát của PV Báo Giao thông, đèn tín hiệu tại đây đã có sự điều tiết theo lưu lượng phương tiện. Cụ thể, tại hướng Trường Chinh - Láng, nếu trong khung giờ thấp điểm, thời lượng đèn xanh là 73 giây, đèn đỏ là 77 giây thì khung giờ cao điểm, đèn xanh được kéo dài với 81 giây, đèn đỏ 60 giây.

Với hướng Trường Chinh - Nguyễn Trãi, khung giờ thấp điểm, thời lượng đèn xanh là 54 giây, đèn đỏ là 97 giây; sang giờ cao điểm, đèn xanh được điều chỉnh 56 giây, đèn đỏ là 94 giây.

Dù vậy, phương tiện lưu thông hướng đường Trường Chinh - Nguyễn Trãi vẫn rất nhiều khó khăn, nhất là bị dòng xe rẽ trái lấn làn. Thậm chí, giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở còn trở nên mất an toàn bởi tình trạng xe máy từ Trường Chinh liên tục đứng ngược chiều trên phần đường hướng Nguyễn Trãi - Tây Sơn để rẽ trái vào đường Nguyễn Trãi.

Chị An, chủ cửa hàng bán hoa gần hầm chui đi bộ Ngã Tư Sở than: “Từ khi thông xe đường trên cao đến nay, ùn tắc tại đây nghiêm trọng hơn. Ngoài giờ cao điểm sáng - chiều, khung giờ trưa cũng tắc kéo dài khi phụ huynh đón con đi học về”.

Theo TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, nguyên nhân ùn tắc xuất phát từ sự không đồng bộ về công suất, năng lực thông qua của tuyến đường Trường Chinh và đường Vành đai 2 đang lớn hơn công suất của nút giao Ngã Tư Sở rất nhiều.

“Phương án thiết kế hiện nay cũng tạo nhiều xung đột và giao cắt tại Ngã Tư Sở, đặc biệt chiều từ Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, nhưng công tác tổ chức giao thông và chu kỳ đèn ở khu vực này còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với lưu lượng phương tiện nên hàng chục năm nay, Ngã Tư Sở vẫn là “ngã tư khổ”, TS. Minh nói.

Sớm đồng bộ toàn tuyến, quản lý giao thông bằng mô hình tổng thể

Cũng theo TS. Trần Hữu Minh, để giải quyết dứt điểm ùn tắc tại Ngã Tư Sở, Hà Nội cần sớm đầu tư liên thông toàn bộ đường Vành đai 2 từ Vĩnh Tuy đến Cầu Giấy. Cùng đó, tại Ngã Tư Sở, cần tối ưu đèn tín hiệu theo lưu lượng giao thông từng hướng theo thời gian thực. Đặc biệt, chu kỳ đèn ở Ngã Tư Vọng phải phối hợp với Ngã Tư Sở để bảo đảm giao thông vào và ra khu vực này tương đương nhau, bảo đảm điều tiết về mặt tổng thể.

“Về kỹ thuật tổ chức giao thông, ngay sau Ngã Tư Vọng 100 - 200m, đơn vị liên quan cần phân làn thật rõ cho các hướng: Rẽ phải, trái, đi thẳng và phải sơn kẻ ngay trên mặt đường (hiện nay chỉ có 1 biển rất nhỏ chót vót ở trên cao, rất không ổn); Đồng thời, duy trì rẽ phải từ Trường Chinh vào Tây Sơn liên tục thông thoáng bằng cách áp dụng vạch mắt võng vàng trong QCVN41. Với giao thông tiếp đất phải có vùng đệm đủ lớn và sơn kẻ rõ ràng để nhập dòng, tránh xung đột trực tiếp với giao thông mặt đất, bảo đảm khi tiếp đất giao thông có đủ không gian và thời gian để có thể chuyển làn êm thuận”, ông Minh nói.

Ths. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Trường Đại học GTVT nhận định, từ Vành đai 2 chỉ có một hướng đi thẳng xuống nút giao cùng các phương tiện đi dưới mặt đất nên khu vực Ngã Tư Sở ùn tắc là khó tránh. Để giải quyết bài toán ùn tắc tại Ngã Tư Sở nói riêng và giao thông toàn thành phố nói chung, Hà Nội cần có mô hình quản lý giao thông tổng thể.

“Dựa trên mô hình này, bất kỳ dự án nào trước khi thực hiện sẽ được đưa lên mô hình phân tích những tác động giao thông có thể xảy ra như: Người dân thay xe máy bằng phương tiện công cộng sẽ gây ra tác động gì. Nếu tác động tiêu cực, sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện ngay từ bước dự án, không phải như chúng ta là cứ làm đi, có vấn đề gì thì chỉnh”, ông Tuấn nói.

Đề cập đến hướng giải quyết bất cập trong tổ chức giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở sau khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện tại, một chu kỳ ở Ngã Tư Sở khoảng 160 - 165 giây phân bổ cho 8 hướng.

“Khi hướng Tây Sơn - Nguyễn Trãi được đóng để tổ chức giao thông sau khi đưa đoạn tuyến Vành đai 2 (Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) vào khai thác, thời lượng đèn sẽ dư 21 giây. Khoảng dư này sẽ được phân bổ cho các hướng còn lại để lưu thông dễ hơn”, ông Hà nói và cho biết, trong khoảng 10 ngày tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với liên ngành theo dõi, điều chỉnh công tác tổ chức đèn tín hiệu nếu có bất cập.

Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đưa vào khai thác mới chỉ là một đoạn tuyến của đường Vành đai 2. Sau đoạn tuyến này, Hà Nội sẽ hoàn thành cả trên cao và dưới thấp từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy. Trong quy hoạch, tuyến đường Vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài đến Cầu Giấy.

“Cũng theo quy hoạch, ngoài đường trên cao dọc đường Vành đai 2, còn có đường trên cao dọc đường Vành đai 3 và tuyến đường trên cao kết nối đường Vành đai 2 và Vành đai 3. Khi hệ thống hạ tầng giao thông khung hoàn thành theo quy hoạch sẽ giải quyết được triệt để ùn tắc giao thông”, ông Hà nói và cho rằng, trước mắt, việc tổ chức giao thông phải chấp nhận điều tiết, điều chỉnh thường xuyên theo từng thời điểm, khung giờ, mật độ lưu thông.

Để phục vụ việc đưa vào khai thác đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại), Sở GTVT Hà Nội tổ chức giao thông: Cấm các phương tiện: Xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ. Tại nút giao Ngã Tư Sở, Hà Nội thí điểm cấm các phương tiện trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng qua nút giao.

Các phương tiện lưu thông theo hướng từ Tây Sơn rẽ phải liên tục ra đường Láng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng để đi thẳng ra Trường Chinh hoặc rẽ phải liên tục ra Nguyễn Trãi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.