Đô thị

Hà Nội: Làm thế nào để buýt nhanh… nhanh hơn?

11/11/2020, 14:00

Khi BRT vẫn còn phải chịu tác động từ ùn tắc giao thông thì việc thúc đẩy chuyển đổi từ xe máy, ô tô sang giao thông công cộng rất khó.

img
Dù sản lượng ngày càng tăng nhanh, song tốc độ xe buýt BRT vẫn chưa được cải thiện nhiều trước sức ép lấn làn của phương tiện cá nhân

Sau gần 4 năm đưa vào khai thác, tuyến buýt nhanh BRT 01 (Kim Mã - BX Yên Nghĩa) bước đầu đã khẳng định được vai trò trong mạng lưới vận tải khách công cộng tại Thủ đô. Tuy nhiên, buýt nhanh vẫn chưa thể… nhanh như kỳ vọng.

Kỳ 1: Cả triệu lượt khách đi xe buýt nhanh BRT mỗi năm

Mặc dù chưa thể khai thác tối đa công suất do liên tục bị lấn làn bởi các phương tiện khác, song tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa vẫn được đánh giá là một trong những tuyến buýt hiệu quả nhất, nhiều khách đi vé tháng nhất.

60 - 70% khách đi BRT là người đi làm

Đầu tháng 11/2020, tại trạm xe buýt nhanh ở BX Yên Nghĩa, chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Nguyễn Quỳnh Trang (nhân viên văn phòng) cho biết, hơn 3 năm qua chị đã sử dụng buýt BRT để đến chỗ làm trên đường Hoàng Đạo Thúy.

“Thời điểm xe buýt BRT xuất hiện cũng là lúc tôi chuyển chỗ làm, cách nhà 10km và vẫn “cưỡi” xe máy vượt qua cung đường mệnh danh “ùn tắc nhất Thủ đô” Tố Hữu - Lê Văn Lương để đến cơ quan. Một lần, tôi quyết định đến BX Yên Nghĩa (cách nhà khoảng 800m) đi thử xe buýt BRT và gắn bó từ đó đến nay.

Thay vì đi xe máy mất hàng tiếng qua dòng xe ùn tắc, giờ tôi có thể yên tâm ngồi trên xe buýt nhanh, khoảng 35 phút trong giờ cao điểm để đến chỗ làm với mức vé tháng chỉ khoảng 200.000 đồng/tháng”, chị Trang giãi bày.

Theo ông Thái Hồ Phương, PGĐ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội), thống kê cho thấy, trên tuyến BRT 01 có tới 60 - 70% hành khách là người đi làm.

“Trong đó, nhóm khách là cán bộ công chức, viên chức chiếm 43%, nhân viên văn phòng chiếm 36% (với buýt thường, nhóm người đi làm chiếm 22%). Nhóm học sinh, sinh viên chiếm tỉ lệ thấp nhất lần lượt là 20% và 29% (với buýt thường, tỉ lệ hai nhóm này chiếm khoảng 78%)”, ông Phương nói và cho rằng, tỷ lệ trên phản ánh hơn 4 năm qua, xe buýt BRT đã “giúp” nhiều người chuyển đổi phương tiện đi lại.

Ông Thái Hồ Phương cho biết, theo khảo sát, nhờ có làn đường riêng, buýt BRT di chuyển với tốc độ trung bình gần 20km/h (nhanh hơn buýt thường khoảng 30%).

Thời gian chạy xe trung bình là 45 phút/lượt (giảm gần 20% so với xe buýt thường). Nghiên cứu của WB cũng cho thấy, tỷ lệ đúng giờ của xe buýt nhanh tại Hà Nội đạt tới 92% - yếu tố đặc biệt quan trọng đối với người đi làm.

“Ngoài ra, BRT cũng thu hút bởi nhiều tiện ích hiện đại như: Nhà chờ được thiết kế với không gian riêng, an toàn cho hành khách tiếp cận; Phương tiện tiện nghi, sức chứa lớn; Sàn xe và sàn nhà chờ đồng mức, giúp hành khách lên xuống xe an toàn, thuận tiện; Dịch vụ bán vé và kiểm soát vé ngay tại nhà chờ giúp hành khách lên xuống xe nhanh chóng”, ông Phương nói.

“Nhanh” sản lượng vẫn “chậm” tốc độ

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cũng cho biết, năm 2019, số hành khách xe buýt BRT vận chuyển đạt 2 triệu lượt, tăng 3,7% so với năm 2018. Khung giờ cao điểm, lượng khách bình quân đạt 70 khách/lượt, nhiều lượt xe từ 95 - 110 khách và cao điểm đạt tới 180 khách/lượt.

Đặc biệt, sản lượng hành khách đi vé tháng được đánh giá là cao nhất toàn mạng với mức bình quân đạt 2.200 khách/tháng (chiếm 7,4% lượng vé tháng 1 tuyến của toàn mạng). Doanh thu năm 2019 đạt 24,8 tỷ đồng (đứng thứ nhất toàn mạng).

Mặc dù vậy, ông Phương cho rằng, trong quá trình vận hành, công suất của BRT vẫn chưa được khai thác tối đa bởi tình trạng lấn làn, chạy vào làn đường dành riêng cho xe BRT vẫn diễn ra phổ biến.

“Theo số liệu trích xuất từ camera đặt trên đường Quang Trung, bình quân trong 1 giờ có 308 phương tiện chạy vào làn BRT (xe máy 85,4%; ô tô con 10,4%; xe tải 2,2% và các phương tiện khác 0,4%). Trên đường Tố Hữu, bình quân có 707 phương tiện chạy vào làn BRT (xe máy 86,2%; ô tô con 11,6%; xe tải 0,8% và các phương tiện khác 0,5%).

Trao đổi với PV, anh Trình, một lái xe BRT thừa nhận, kể từ khi chính thức hoạt động, buýt nhanh vẫn thường xuyên bị “xâm phạm lãnh địa”, đặc biệt trong giờ cao điểm.

“Gần 4 năm qua, hình ảnh xe máy vượt lên tạt đầu, chiếm làn buýt BRT quá quen thuộc, nhất là các điểm giao cắt từ nhà chờ Vạn Phúc đến nhà chờ Vũ Ngọc Phan. Việc này không chỉ gây mất ATGT mà còn ảnh hưởng đến tần suất xe chạy. Bởi nếu đường thông thoáng, một ca làm việc của tài xế sẽ chạy được 10 lượt, còn không chỉ được 8 lượt”, anh Trình nói.

TS. Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật nhận định, khi BRT vẫn còn phải chịu tác động từ ùn tắc giao thông thì việc thúc đẩy chuyển đổi từ xe máy, ô tô sang giao thông công cộng rất khó.

“Bất kỳ phương tiện giao thông công cộng nào cũng chịu một bất lợi rất lớn so với phương tiện cá nhân, đó là buộc hành khách phải đi bộ ở hai đầu chuyến đi. Nếu người dân vẫn tiếp tục duy trì thói quen lưu thông bằng phương tiện cá nhân thì tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội sẽ ngày càng nghiêm trọng, tốc độ di chuyển của tất cả các phương tiện, không riêng BRT sẽ ngày càng chậm hơn, khung giờ cao điểm sẽ ngày càng dài hơn, dẫn đến tình trạng “ùn tắc mãn tính””, TS. Bình nói.

Tuyến buýt nhanh BRT 01 (BX Yên Nghĩa - Kim Mã) được Hà Nội chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/1/2017. Đây là loại hình buýt mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và cũng là tuyến buýt nhanh đầu tiên của cả nước với số lượng 35 xe. Thời gian hoạt động của tuyến từ 5h - 22h, tần suất 3-5-10 phút/lượt (378 lượt) đối với ngày thường và 7 - 10 phút/lượt (264 lượt) vào ngày chủ nhật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.