Đô thị

Hà Nội lên kế hoạch “xanh hóa” vận tải khách công cộng

02/11/2023, 07:37

Hà Nội đang xây dựng lộ trình và tính toán kỹ các phương án "xanh hoá" vận tải hành khách công cộng, giảm gánh nặng đầu tư phương tiện mới cho doanh nghiệp vận tải trên địa bàn.

Nhiều loại hình thân thiện với môi trường

Những năm gần đây, TP Hà Nội đã và đang nỗ lực phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng theo hướng "xanh hóa". Theo ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT, Hà Nội đang là địa phương có nhiều loại hình thân thiện với môi trường nhất.

Hà Nội lên kế hoạch “xanh hóa” vận tải khách công cộng   - Ảnh 1.

Hà Nội đã đưa vào vận hành 9 tuyến buýt điện trên địa bàn. Ảnh: Tạ Hải.

"Chúng tôi đang có xe buýt CNG, xe buýt điện. Về taxi có taxi điện. Cùng đó là vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; vận tải khách công cộng bằng xe điện hai bánh và xe đạp công cộng", ông Long cho hay.

Thời gian tới, để thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng xanh, Sở GTVT Hà Nội sẽ xây dựng các nguyên tắc chuyển đổi, lộ trình chuyển đổi, số lượng phương tiện chuyển đổi theo hướng lựa chọn, xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt sử dụng điện và xe buýt sử dụng năng lượng xanh (trong đó có CNG/LNG).

Việc chuyển đổi phương tiện đối với các tuyến buýt đang khai thác được thực hiện theo lộ trình, trong đó ưu tiên trước cho các tuyến buýt có phạm vi hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm, khu vực nội đô lịch sử và các tuyến kết nối với đầu mối giao thông lớn như nhà ga, bến xe, sân bay.

"Hà Nội sẽ tính toán kỹ lưỡng sao cho đảm bảo tính hiệu quả, hạn chế gây xáo trộn trong việc đi lại của hành khách, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp vận hành, đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực cũng như sử dụng hiệu quả kinh phí trợ giá của nhà nước", ông Long nói.

Về lộ trình và số lượng phương tiện chuyển đổi dự kiến hiện đang được Sở GTVT nghiên cứu để chia thành từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ 2025 - 2030), tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 7,73%/năm. Số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 157 xe/năm.

Giai đoạn 2 (từ 2031 - 2035), tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 8%/năm; Số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 162 xe/năm.

Làm rõ chính sách hỗ trợ

Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định cần xây dựng và triển khai những chính sách, cơ chế hỗ trợ. Cụ thể, thành phố sẽ rà soát và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá cho các loại hình xe buýt (lớn, trung bình và nhỏ) sử dụng điện, năng lượng xanh để tổ chức đấu thầu/đặt hàng cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Tiếp tục xem xét áp dụng đơn giá, định mức tạm thời để thực hiện đặt hàng đối với xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trong thời gian chờ ban hành định mức, đơn giá chính thức.

Với hệ thống xe buýt diezel đang cung cấp dịch vụ theo hợp đồng thầu, xem xét cơ chế chính sách kéo dài thời gian sử dụng phương tiện đến hết thời gian thực hiện hợp đồng đối với những phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) và thực hiện giảm trừ đơn giá khấu hao từ thời điểm hết hạn khấu hao đến thời điểm hết hạn thực hiện hợp đồng thầu.

Các tuyến buýt đấu thầu lại trong năm 2023 được sử dụng phương tiện diezel tối đa đến năm 2028 và các tuyến đấu thầu lại từ năm 2024-2027 được sử dụng phương tiện diezel tối đa đến thời điểm hết khấu hao phương tiện, sau đó chuyển đổi sang phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh.

Sở GTVT cũng xây dựng và trình UBND thành phố ban hành hạn mức, quy trình vay vốn được hỗ trợ lãi suất để đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt (trạm sạc điện, trạm nạp năng lượng, đề pô, bãi đỗ xe).

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội kiến nghị, chủ trương phát triển xe năng lượng xanh trong lĩnh vực vận tải công cộng là xu thế tất yếu của các đô thị phát triển. Tuy nhiên, để hạn chế tác động, xáo trộn hoạt động vận tải công cộng, cần đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng.

Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội bày tỏ ủng hộ chủ trương nhưng cho rằng cần có thời gian để phục hồi sản xuất, kinh doanh và mong muốn thành phố xây dựng lộ trình chuyển đổi từng bước, hài hòa, phù hợp với đặc thù ngành kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: "Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cùng với hệ thống đường sắt đô thị được xác định là trụ cột trong vận tải hành khách công cộng ở đô thị. Vì vậy, cùng với chuyển đổi năng lượng sạch, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp lý hóa mạng lưới các tuyến buýt để tăng cường hoạt động đảm bảo kết nối giữa các loại hình giao thông trong đô thị".

Đến thời điểm hiện tại, mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Nội có 154 tuyến, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour.

Số phương tiện xe buýt có trợ giá là 2.034 xe với 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe CNG và 138 xe buýt điện, đạt 13,6% toàn mạng. Trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.

Còn lại 1.757/2.034 phương tiện buýt đang sử dụng nhiên liệu diezel (tương ứng 86,4%) cần có lộ trình thay thế sang sử dụng nhiên liệu năng lượng sạch.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.