3 vạn hành khách sử dụng đường sắt Cát Linh – Hà Đông mỗi ngày
Tại lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho rằng, đô thị hóa là xu hướng khách quan của quá trình phát triển.
Theo thống kê có khoảng 3 vạn hành khách sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mỗi ngày
Cùng với những lợi ích mà đô thị hóa đem lại, là thách thức và sức ép giải quyết những vấn đề đặt ra đối với giao thông đô thị như: ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường… Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng mà “xương sống” là đường sắt đô thị luôn được xem là giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc những thách thức đặt ra đối với giao thông đô thị và cũng là xu hướng chung mang tính toàn cầu.
Kể từ khi được chính thức đưa vào vận hành khai thác (ngày 6/11/2021) đến nay, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước là tuyến số 2A, Cát Linh – Hà Đông đã vận hành được hơn 550 ngày và bước đầu được đánh giá thành công.
Được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp, ông Trường cho biết, thống kê, mỗi ngày có trên 3 vạn hành khách sử dụng tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông để đi lại. Trong đó, 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% đi lại với các mục đích khác.
"Thời gian đầu, hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu để trải nghiệm nhưng đến nay, họ đã trở thành hành khách thường xuyên di chuyển trên tuyến bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%; đặc biệt, khách đi lại bằng vé tháng giờ cao điểm chiếm hơn 85%. Điều này thật sự góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên các tuyến đường bộ giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, ông Trường nói và phân tích: Theo tính toán cứ 1 triệu chuyến đi chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị sẽ giảm được 63.000 giờ tham gia giao thông trên đường và đem lại hiệu quả kinh tế hơn 30 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, đường sắt đô thị đang góp phần quan trọng giúp hình thành thói quen giao thông xanh, sạch và an toàn
Hình thành thói quen giao thông xanh, sạch và an toàn
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho biết, so với xe buýt, đường sắt đô thị là tuyến giao thông công cộng khối lượng lớn khi có khả năng chuyên chở nhiều người.
Nếu như 1 tuyến xe buýt mỗi ngày vận chuyển trung bình từ 5.000 - 7.000 hành khách thì theo thống kê 1 ngày, tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông vận chuyển gấp 4 - 6 lần. Điều này thể hiện tính ưu việt của đường sắt đô thị trong vận chuyển hành khách khối lượng lớn, được đông đảo người dân ủng hộ sử dụng.
“Vào giờ cao điểm, có thể thấy, trên tuyến đường sắt đô thị 2A khá đông đúc, dù chưa đến mức hành khách phải đứng chen chúc nhưng hầu như không còn ghế để ngồi”, TS Bình nói và nhìn nhận: Thị phần này của đường sắt đô thị có được từ việc người dân chuyển từ phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô) hoặc cũng có thể từ phương tiện giao thông công cộng khác (xe buýt).
Ngoài ra, theo báo cáo tài chính mới nhất của Hanoi Metro, tuyến 2A sau một thời gian vận hành đã báo lãi, dù việc báo lãi này chỉ so với chi phí vận hành (chưa tính chi phí đầu tư) nhưng so với các phương tiện vận tải hành khách công cộng khác như xe buýt (vẫn đang được trợ giá để bù chi phí vận hành), theo TS Bình, đây vẫn là tín hiệu đáng mừng.
"Ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á, đông đảo người dân hình thành thói quen đi lại bằng xe máy và dần chuyển sang ô tô khi thu nhập gia tăng. Bên cạnh những lợi ích như linh hoạt, tiện lợi thì việc tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân tiềm ẩn rủi ro gặp TNGT cao và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhất là trong các đô thị.
Hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên hợp quốc phát động, Uỷ ban ATGT Quốc gia kêu gọi các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân đổi mới tư duy về giao thông, từng bước chuyển từ đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân sang đi lại bằng xe đạp, xe điện, phương tiện vận tải công cộng, gắn với đi bộ để giúp cho giao thông xanh hơn, sạch hơn và đặc biệt là ngày càng an toàn hơn" - ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, khi tuyến đường sắt đô thị mới ra đời, nhiều người lo ngại rằng hành khách sử dụng chỉ vì tò mò và để trải nghiệm loại hình vận tải đô thị mới. Tuy nhiên, con số 70% hành khách đi lại sử dụng vé tháng mỗi ngày chứng tỏ rằng sau gần 2 năm, đường sắt đô thị đã thực sự trở thành một thói quen trong đi lại của người dân.
Theo TS Hiếu, hiện chưa có con số thống kê chính xác về tỷ lệ hành khách đi xe buýt sử dụng vé tháng (do chưa có vé điện tử như đường sắt đô thị) tuy nhiên, dựa trên các khảo sát từ nhóm nghiên cứu mà TS Hiếu tham gia cho thấy, dù đạt tỷ lệ cao nhưng tỷ lệ hành khách đi xe buýt bằng vé tháng không đạt được mức 70% như đường sắt đô thị.
“Điều này đã khẳng định, đây là loại hình được yêu thích, đáng tin cậy và là xu hướng của đô thị, cũng là bằng chứng và cơ sở thuyết phục thêm nhiều người dân tin tưởng và lựa chọn loại hình này trong tương lai”, ông Hiếu nhìn nhận.
TS Hiếu cho rằng, đường sắt đô thị đang ngày càng chứng minh được vai trò của mình, do đó các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là trợ giá cũng cần sớm được hoàn thiện.
“Xa hơn, cần khắc phục vấn đề lớn nhất của đường sắt đô thị hiện nay là sự đơn độc, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị để tạo ra tính kết nối cao qua đó khẳng định vai trò trung tâm của đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông đô thị”, ông Hiếu nêu ý kiến.
Trong khi đó, TS Phan Lê Bình cho rằng, cần khảo sát, bố trí thêm các bãi đỗ xe lân cận xung quanh các nhà ga, tính toán sao cho người dân gửi xe máy và đi bộ đến nhà ga khoảng 4-8 phút là hợp lý. Từ đó, thu hút thêm nhiều hành khách tham gia sử dụng đường sắt đô thị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận