Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, người dân ra đường đông và vi phạm trật tự ATGT có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Vi phạm gia tăng cũng kéo theo việc nhiều bãi trông giữ xe vi phạm vốn đã quá tải này lại càng thêm trầm trọng.
Vi phạm gia tăng sau giãn cách xã hội
Tối 14/11, PV Báo Giao thông theo chân Tổ công tác đặc biệt Y13, Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại ngã tư Quang Trung - Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Chỉ trong vòng hơn một giờ, hàng chục ô tô, xe máy vi phạm đã bị Tổ công tác phát hiện xử lý, trong đó phổ biến là các lỗi vượt đèn đỏ, vi phạm nồng độ cồn...
Xe vi phạm chất lên nhau tại bãi giữ xe Hà Cầu - Thăng Long
Để giải bài toán quá tải bãi trông giữ xe vi phạm, cần phải có thống kê, khảo sát, đánh giá về thực trạng, sức chứa của bãi trông giữ xe vi phạm trên địa bàn; ước tính số xe vi phạm để có kế hoạch về nhân lực quản lý, hạ tầng trông giữ.
Việc có phương tiện bị tạm giữ kéo dài cả năm mới có thể thanh lý là đã bộc lộ bất cập, cần xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Đặc biệt, khoảng 22h40 tối cùng ngày, Tổ tuần tra kiểm soát thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội đã phát hiện khoảng 15 “quái xế” điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách trên tuyến phố Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh nên đã triển khai lực lượng bắt giữ 6 đối tượng, tạm giữ 4 xe máy.
Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, ngày 14/11, toàn thành phố đã xử phạt 789 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ 12 phương tiện.
Trước đó, ngày 13/11, có 805 trường hợp vi phạm bị xử lý và 29 phương tiện bị tạm giữ. Ngày 12/11, có 964 vi phạm và 32 xe bị tạm giữ. Con số này ngày 11/11 là 1.035 vi phạm, 29 xe bị tạm giữ...
“Sau 1 tuần Hà Nội dỡ bỏ 22 chốt kiểm soát và nới lỏng giãn cách (ngày 22/10), số trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý tăng gấp đôi”, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội tuyên truyền khám nghiệm, giải quyết TNGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết.
Theo Trung tá Vinh, trong số các vi phạm giao thông bị lập biên bản xử lý sau giãn cách, có nhiều vi phạm phải giữ phương tiện, nhiều nhất là các lỗi vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng...
Thống kê sơ bộ, mỗi ngày Hà Nội có 20 - 30 phương tiện bị tạm giữ.
Bãi trông giữ quá tải
Nhiều phương tiện vi phạm giao thông người vi phạm bỏ không đến giải quyết tại bãi xe Giang Linh trên địa bàn quận Hoàng Mai
Khảo sát một vòng các bãi trông giữ phương tiện vi phạm giao thông tại Hà Nội, PV Báo Giao thông ghi nhận tất cả đều đang trong tình trạng quá tải.
Tại bãi trông giữ xe vi phạm giao thông Hà Cầu - Thăng Long trên địa bàn quận Hà Đông, xe máy phải xếp chồng lên nhau, để ken kín lối đi, nhiều xe bụi phủ mờ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở bãi giữ xe Giang Linh trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Ông Nguyễn Quý Tiến, Giám đốc Công TNHH Vận tải và Giao nhận nhanh Giang Linh thông tin, Công ty ký hợp đồng trông giữ xe vi phạm, xe tai nạn với công an một số quận, Đội CSGT và một số Tổ công tác đặc biệt 141 Công an TP Hà Nội.
“Hơn nửa tháng nay, sau giãn cách xã hội, lượng phương tiện vi phạm giao thông, xe tai nạn được chuyển đến bãi trông giữ xe tăng đột biến, chật kín khu vực bãi”, ông Tiến cho hay.
Trông giữ xe vi phạm đã nhiều năm, ông Tiến chia sẻ, qua theo dõi, các xe máy số, mức giá thành trên thị trường chỉ vài triệu đồng, nhiều xe đã “độ” đèn, pô... thường bị bỏ lại bãi xe, không thấy chủ phương tiện đến giải quyết lấy xe về.
“Nửa tháng qua, có khá nhiều loại xe như vậy dồn về bãi, tài xế những xe này thường là thanh thiếu niên, chắc lại bỏ xe luôn tại bãi”, ông Tiến dự đoán.
Theo ông Tiến, có nhiều lý do để người vi phạm không đến lấy xe về, thường là mức phạt cao tương đương với giá trị xe hoặc người điều khiển không đủ các loại giấy tờ theo quy định...
“Tính sơ sơ thì từ năm 2020 đến nay, tại bãi trông giữ của công ty có hơn 200 xe máy vi phạm bị bỏ lại không thấy chủ xe đến xử lý”, ông Tiến cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thốn, Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam chia sẻ, bãi xe hiện đang chứa khoảng hơn 2.000 phương tiện vi phạm giao thông, gồm cả ô tô và xe máy, xe thô sơ.
“Sau giãn cách xã hội, lượng xe vi phạm bị tạm giữ chuyển về bãi có dấu hiệu tăng. Cuối năm, thông thường xe bị tạm giữ còn tăng nữa do nhu cầu đi lại cao hơn kéo theo vi phạm gia tăng. Chúng tôi đã phải tăng cường lực lượng bảo vệ cho bãi để trông giữ đảm bảo không để xảy ra trộm cắp, mất mát, sự cố”, ông Thốn cho biết.
Ông Tiến cho hay, lo ngại nhất là những chiếc xe bị bỏ lại nhiều năm song người vi phạm không đến giải quyết. Hiện các phương tiện này đã cũ nát nhưng vẫn phải bảo quản, trông giữ.
“Ngành chức năng cần rà soát, kiểm đếm và đưa ra những giải pháp thanh lý nhanh gọn những phương tiện bị tạm giữ, cũng như phương tiện bị người vi phạm giao thông bỏ không lấy để giảm tải công tác trông giữ xe vi phạm, và cũng để tránh lãng phí tài sản xã hội khi những chiếc xe bị cũ nát đi”, ông Tiến đề xuất.
Không đến giải quyết sẽ bị tịch thu, đấu giá
Theo quy định hiện hành, trong 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ xe vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không đến nhận, cảnh sát phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở trong 30 ngày. Sau đó, cảnh sát sẽ tịch thu xe vi phạm bán đấu giá.
Theo Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), hiện quy định thời hạn người vi phạm phải đến chấp hành xử phạt lấy xe bị tạm giữ về đã được rút ngắn còn 30 ngày (trước đây là 1 năm).
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với trường hợp cần phải điều tra, xác minh (xe gian, xe nghi tang vật) sẽ mất nhiều thời gian, có thể lên tới 90 ngày.
Khi chiếc xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp, nên tính từ thời điểm xe bị tạm giữ đến khi xử lý được, ít nhất mất hơn một năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận