Khu vực xếp khách luôn có một đội nhân viên mang danh “tổ bốc xếp” liên tục đi lượn lờ, kiểm soát bằng xe máy
Bức xúc vì bị thu tiền “giời ơi đất hỡi”
Thời gian gần đây, PV Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh về tình trạng bắt chẹt hành khách trả tiền bốc xếp hàng hóa ở bến xe Yên Nghĩa.
Từ thông tin của hành khách, sáng 2/3, PV trực tiếp có mặt tại cổng vào của bến xe, ghi nhận hình ảnh một nhóm khoảng 3-4 người mang danh “bảo vệ”, thấy người có nhu cầu vào gửi hoặc nhận đồ di chuyển vào là tuýt còi, xông ra thu phí “bốc xếp”.
Chỉ trong vài phút, hàng chục lượt khách nộp phí được nhóm bảo vệ này cho đi cả ô tô, xe máy vào bến. Tuy nhiên, một hành khách thấy phải nộp tiền vô lý, bất ngờ nói lớn: “Tôi đi vào nhận hàng, có cần ai bốc xếp hàng hóa đâu mà phải nộp phí”.
Thấy vậy, một người xăm trổ, mặt hung dữ lập tức nói giọng hăm dọa: “Chúng tao thầu cả bãi xe này rồi, không nộp phí thì đi về, không nhận hàng gì hết”. Trước thái độ hung tợn đó, vị khách này đành bất lực nộp tiền để vào nhận hàng.
Tìm hiểu của PV, trong khu vực xếp khách của bến xe luôn có một đội nhân viên xăm trổ dưới danh nghĩa “tổ bốc xếp” liên tục lượn lờ, kiểm soát bằng xe máy. Khi phát hiện nhà xe nào chở hàng về, bất kể ai đến nhận đồ từ các nhà xe, lập tức yêu cầu nộp phí với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/ kiện hàng. Đáng nói, theo giải thích của nhân viên là phí bốc vác, nhưng các kiện hàng không được “tổ bốc xếp” bốc vác cũng yêu cầu phải nộp tiền.
Vừa cật lực một mình vác bì hàng lên xe khách, anh Hưng - nhân viên vận chuyển thuộc nhà may tư nhân theo đơn đặt hàng gửi đi Thái Nguyên bức xúc nói: “Mỗi ngày tôi chở 5- 7 bao hàng vào bến xe Yên Nghĩa.
Để được vào đây gửi đồ, mỗi chuyến tôi phải nộp 30.000 - 50.000 đồng/bao hàng. Tính ra có ngày mất 150.000 đồng tiền phí bốc xếp, trung bình 1 tháng số tiền này khá lớn. Nhưng tiền do nhà may trả, nếu không chắc tôi cũng làm việc khác, ai mà chịu được phí “giời ơi đất hỡi” này”.
Cũng theo anh Hưng, “tổ bốc xếp” ở đây thu không theo quy định nào cả, “thích lấy bao nhiêu họ lấy”: “Ví dụ có hôm tôi chở hai bao hàng vào họ lấy 40.000 đồng. Nhưng có hôm họ lấy lên 60.000 đồng, chẳng có đơn giá cụ thể theo quy định nào cả. Đáng nói, số tiền trên là “phí bốc xếp” nhưng họ không bốc xếp cũng thu”.
Một nhân viên hàng chục năm làm cho công ty về phụ tùng xe máy bức xúc nói với PV: “Tôi đi nhiều bến, nhưng chỉ có mỗi bến xe Mỹ Đình và bến xe Yên Nghĩa có dịch vụ bốc xếp hàng hóa. Nhưng ở bến xe Mỹ Đình tổ bốc xếp có đến 20 người, không hành khách nào được đi ô tô, xe máy vào, họ thu phí bốc xếp theo quy định và kéo hàng vào cho hành khách, các kiện hàng nhỏ thì thu 10.000 đồng, to 20.000 đồng. Còn ở bến xe Yên Nghĩa này chỉ có 2 nhân viên thu tiền ở cổng và mấy tay đi lượn lờ chẳng làm gì cũng bắt nộp phí “bốc xếp hàng hóa”. Thật vô lý”.
Đơn vị quản lý bến không biết?
Cứ thấy người có nhu cầu gửi hoặc nhận đồ di chuyển vào, nhóm người mang danh “bảo vệ” lại tuýt còi xông ra bắt nộp phí “bốc xếp”
Tìm hiểu của PV, các nhà xe cũng chịu áp lực từ “thế lực ngầm” mang danh “tổ bốc xếp” trong bến xe Yên Nghĩa. Nhân viên một nhà xe (xin giấu tên) cho biết, tất cả xe khách liên tỉnh tại đây đều không được đón, trả hàng ngoài khu vực bến xe. Nếu cố tình sẽ bị “tổ bốc xếp” xử lý.
“Chúng tôi vừa từ bến khác qua bến xe Yên Nghĩa, lúc đầu không biết nên trả hàng cho khách gần bến xe, lập tức bị nhóm người của “tổ bảo vệ” này hăm dọa. Từ lần đó, chúng tôi phải vào tận bến liên kết với “tổ bốc xếp” để trả cho khách trong bến. Một bọc hàng cước thông thường 50.000 đồng, khách lại mất thêm 20.000 - 30.000 đồng tiền bốc xếp. Số tiền này quá cao nên nhiều khi chúng tôi phải rút cước xuống để hành khách thấy hợp lý”, nhân viên này cho hay.
Theo một nhân viên nhà xe có nhiều nốt hoạt động ở bến xe Yên Nghĩa: “Chúng tôi mỗi ngày trung bình tiếp nhận hàng trăm mã hàng đi - đến bến xe Yên Nghĩa nên số tiền “tổ bốc xếp” này thu rất lớn. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm chấn chỉnh, xử lý nghiêm để giải tỏa bức xúc cho hành khách”.
Đáng nói, tình trạng này kéo dài nhiều năm, báo chí phản ánh nhiều, thậm chí giữa năm 2018, Công an quận Hà Đông đã vào cuộc điều tra và yêu cầu bến xe Yên Nghĩa chấn chỉnh việc bắt chẹt khách thu phí bốc xếp.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Uy, Phó giám đốc Trung tâm Khai thác bến xe Hà Nội (đơn vị đang quản lý bến xe Yên Nghĩa) vẫn cho rằng, “không biết, hành khách không phản ánh dù trong bến có đường dây nóng”.
Theo ông Uy, hiện trung tâm có thỏa thuận với Công ty TNHH TM & DVVT Yên Bình bảo đảm an ninh trật tự và kinh doanh dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy và dịch vụ bốc xếp hàng hóa khi có yêu cầu. “Chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh, nếu đúng theo phản ánh sẽ chấn chỉnh xử lý nghiêm”, ông Uy nói.
Về góc độ quản lý, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, các bến xe được phép cho các công ty khác thuê làm dịch vụ bốc xếp hàng hóa trong bến.
Tuy nhiên, bến xe phải bảo vệ hành khách, không để công ty dịch vụ “lộng hành” ngay trong bến xe. Việc không thuê bốc vác cũng bắt chẹt phải trả tiền như trường hợp bến xe Yên Nghĩa là không thể chấp nhận.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng, đơn vị quản lý bến cho công ty dịch vụ bốc xếp hàng hóa thuê nhưng để tình trạng bắt chẹt khách, không thuê bốc vác cũng bắt trả tiền là buông lỏng quản lý và vi phạm pháp luật. Bến xe cho thuê cần chấm dứt hợp đồng nếu công ty dịch vụ vi phạm, gây bức xúc cho hành khách.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, hiện nay trong 3 bến xe do công ty quản lý, chỉ có bến xe Mỹ Đình cho một công ty dịch vụ thuê mặt bằng để mở dịch vụ bốc xếp hàng hóa. Tuy nhiên, phía công ty, bến xe thường xuyên giám sát chặt quá trình hoạt động của đơn vị này. Giá bốc xếp cũng phải niêm yết rõ ràng, nếu thu quá giá khách hàng phản ánh, bến xe sẽ bảo vệ khách hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận