Đưa danh sách shipper về các quận huyện để tiêm vaccine
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong ngày 4/9, trên cơ sở đề xuất của sở GTVT, UBND TP Hà Nội cho phép hoạt động vận chuyển giao nhận, hàng hóa, bưu phẩm, bưu chính bằng xe mô tô, xe hai bánh (shipper) từ 9h đến 20h hàng ngày trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Trao đổi với PV, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, những người cung cấp dịch vụ thiết yếu như giao hàng, tiếp xúc với nhiều người (người bán hàng) sẽ được ưu tiên tiêm vaccine sớm.
Hiện có gần 70 công ty vận tải (shipper) với 27.000 người hoạt động, các công ty này cần phải chia tách những ai đã được tiêm vaccine, ai chưa được tiêm từ đó có danh sách để thành phố tiếp tục có hướng ưu cho những người chưa được tiêm.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của shipper - Ảnh minh họa
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đội ngũ shipper của các ứng dụng gọi xe như Be, Gojek đã được tiêm vaccine với số lượng lớn. Tuy nhiên, một ứng dụng gọi xe khác như Grab không có bất kỳ thông tin nào về nhu cầu tiêm vaccine cho đội ngũ shipper, cũng như số lượng shipper của đơn vị đã được tiêm vaccine.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện ứng dụng gọi xe Gojek cho hay, Gojek đang tích cực trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng ở cả TP. HCM và Hà Nội để các tài xế của Gojek được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine.
Việc tiêm chủng sau đó được tiến hành tại địa bàn nơi cư trú của tài xế Gojek. Cho tới thời điểm này, hơn 10 nghìn tài xế của Gojek đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Ở một số địa bàn nhất định, do nhiều yếu tố, tiến độ ưu tiên tiêm chủng cho các tài xế vẫn còn nhiều khó khăn, chưa được triển khai đầy đủ.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết đã giao cho các quận huyện lập danh sách và thực hiện tiêm vaccine cho người dân. Những shipper và bán hàng ở siêu thị là một trong những đối tượng ưu tiên được tiêm trước.
Nguồn vaccine do Sở Y tế phân bổ dựa vào danh sách đề xuất của của các quận huyện. Đối với Sở Y tế thì phụ thuộc vào sự phân bổ của Bộ Y tế.
"Shipper là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng, giúp người dân yên tâm ở nhà mà vẫn được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. Có thể coi shipper là lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, bên cạnh quân đội và lực lượng tình nguyện", đại diện Gojek cho hay.
Nói về công tác phòng chống dịch trong đội ngũ shipper, đại diện Gojek cho biết thêm đang làm việc với các cơ quan quản lý chuyên ngành tại các địa phương được phép hoạt động để được cập nhật, hướng dẫn cụ thể việc triển khai các quy định mới; đồng thời kiến nghị chính sách nhằm tạo điều kiện cho đối tác tài xế được lưu thông, để đảm bảo cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, trong khi tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.
Đại diện BeGroup - đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe Be cho biết cũng đang phối hợp với các sở ban ngành các địa phương, trong đó có Hà Nội để tiêm vaccine cho tài xế. Tuy nhiên, liên quan đến thông tin số lượng tài xế đã được tiêm vaccine, Be cho biết chưa có con số cụ thể.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết đang phối hợp với các doanh nghiệp cập nhật danh sách kiến nghị Sở Y tế tiêm 100% cho các lái xe tham gia hoạt động vận tải, phòng chống dịch bệnh.
“Với đội ngũ nhân viên giao nhận hàng hóa bưu phẩm (shipper), hiện Sở Y tế Hà Nội đã đưa danh sách về các quận huyện, dự kiến sẽ tiêm trong thời gian sớm nhất”, ông Tuyển cho biết.
Đề xuất ưu tiên tiêm cho tài xế taxi và vận chuyển hàng hóa
Ngoài đối tượng shipper, nhiều ý kiến cho rằng cần ưu tiên tiêm sớm cho tài xế taxi và tài xế vận chuyển hàng hóa nói chung. Ông Nguyễn Công Hùng, giám đốc taxi Mai Linh Vùng I - đơn vị được Sở GTVT Hà Nội cho phép 200 xe taxi hoạt động chở người đi cấp cứu cho hay, hiện đơn vị có hơn 1.000 lái xe. Trong số này, có 60% lái xe đã được tiêm mũi 1 và 50% được tiêm mũi 2. Khi có chính sách được hoạt động trở lại sẽ thuận tiện hơn cho doanh nghiệp khi lái xe đã được tiêm vaccine.
Ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc taxi Thăng Long cho hay, doanh nghiệp có hơn 200 tài xế, có khoảng 30% tài xế đã được tiêm mũi 1.
Theo ông Long, đơn vị này đã có văn bản đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế nhưng chưa được giải quyết. Hầu hết các lái xe tiêm ở địa phương nơi cư trú.
"Việc lái xe được tiêm vaccine sẽ là lợi thế khi thành phố nới lỏng giãn cách, chính quyền cho phép người đã tiêm vaccine được ưu tiên hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể hoạt động được ngay", ông Long nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ô tô VN cho hay, hiện cả nước có khoảng 1,3 - 1,5 triệu lái xe ô tô. Trong đó, có trên 400.000 lái xe vận chuyển hành khách (xe khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch) và khoảng trên 1 triệu lái xe vận chuyển hàng hóa các loại.
"Để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, những người lao động trong các ngành vận tải, đặc biệt là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại cảng biển, cửa khẩu đóng vai trò quan trọng tương tự với các lực lượng tuyến đấu chống dịch.
Đây đều là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, do thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác nhau nên cần ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm", ông Quyền nói.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, hiện Hà Nội đã quy định, shipper chỉ được hoạt động trong 1 vùng (vùng xanh, vùng đỏ, hoặc vùng vàng), không được từ vùng này sang vùng khác. Điều nay nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch.
"Còn những mặt hàng như: bưu phẩm, bưu điện thì hoạt động phải tuân thủ theo quy định của loại hình bưu phẩm, bưu điện", ông Tuần cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận