Khi bến xe chỉ là điểm đỗ để làm thủ tục xuất bến
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cho biết, sau khi TP Hà Nội điều chuyển luồng tuyến vận tải, tình trạng bến cóc, xe dù không những không giảm mà còn lộng hành hơn trước. Đặc biệt, các khu vực xung quanh các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát mọc lên rất nhiều điểm đón trả khách sai quy định và ngang nhiên tồn tại nhiều năm nhưng chưa giải tỏa được.
“Hai năm trở lại đây, bến xe dường như chỉ là điểm đỗ để làm thủ tục xuất bến. Trừ những dịp lễ, Tết, những ngày thường không có khách khiến doanh nghiệp chúng tôi đứng trước nguy cơ phải đóng tuyến lo phá sản”, ông Mạnh than.
Cùng cảnh ngộ, ông Đỗ Văn Vinh, Giám đốc Công ty Xe buýt Hà Nội cho biết, tình trạng xe dù, bến cóc, xe Limousine… không có dấu hiệu giảm, khiến hoạt động của xe khách tuyến cố định lao đao. Công ty muốn đổi mới phương tiện, nhưng do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng nên chưa dám đầu tư.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng cần tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải tuyến cố định vốn đang rất khó khăn, bởi đây là phương thức vận tải truyền thống đã đi vào thói quen của người dân suốt mấy chục năm nay. “Xe hợp đồng trá hình lộng hành, phá vỡ quy hoạch luồng tuyến trong vận tải hành khách đường bộ, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Hà Nội cần quy rõ trách nhiệm của cán bộ phụ trách từng địa bàn, lĩnh vực. Trong xu thế công nghệ 4.0, phải triệt để ứng dụng khoa học công nghệ để minh bạch, xóa sổ nạn xe dù, bến cóc, xe trá hình”, ông Liên nói.
Ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, tình trạng xe khách trá hình trên địa bàn vẫn chưa được xử lý triệt để, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ùn tắc, mất trật tự ATGT, mỹ quan đô thị.
Theo ông Hà, hoạt động vận tải hiện còn nhiều hạn chế. Trong đó xe hợp đồng vẫn được tổ chức thu tiền, đặt chỗ, gom khách hoạt động liên tục đi các tỉnh, thậm chí sử dụng trụ sở doanh nghiệp, phòng vé, văn phòng đại diện, các khu đất trống hoặc đất dự án chưa triển khai, không được cấp phép hoạt động đón trả khách, bốc xếp hàng hóa sai quy định, dẫn đến hình thành bến cóc.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, vài năm gần đây, khi kiểm tra các bến xe dịp lễ, Tết trên địa bàn Hà Nội đều chứng kiến cảnh rất vắng khách. Trong khi đó, đường sá bên ngoài lại ùn tắc từ trong ngõ nhỏ đến quốc lộ.
“Trong tháng 7 tới đây, Tổng cục Đường bộ VN sẽ tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp vận tải cả nước lắng nghe các ý kiến, gỡ khó, tạo bình đẳng trong kinh doanh. Chúng tôi hiện đang kiến nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm quản lý vận tải để có thể cập nhật và báo cáo tự động, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, bà Hiền nêu.
Mở buýt kế cận thay tuyến cố định dưới 100km
Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng 655 tuyến vận tải cố định, liên tỉnh, 450 đơn vị vận tải với hơn 4.000 phương tiện hoạt động. Trong khi đó, số lượng xe hợp đồng lớn hơn gấp nhiều lần. Đó là chưa tính đến khoảng 46.000 xe hợp đồng và xe du lịch (trong đó, có hơn 31.000 xe hợp đồng dưới 9 chỗ, bao gồm xe của các đơn vị tham gia thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT là hơn 16.000 xe).
Về công tác xử lý xe dù, bến cóc, ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, chỉ riêng gần 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử phạt trên 3.300 trường hợp xe khách vi phạm; phạt tiền trên 4 tỷ đồng, tạm giữ 66 xe vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 493 trường hợp và tước phù hiệu 68 phương tiện. Trong tổng số xe khách bị xử lý nói trên có 994 xe hợp đồng.
Tuy nhiên, theo ông Quang công tác kiểm tra xử lý đang gặp nhiều khó khăn. Địa bàn rộng, lực lượng mỏng trong khi các phương tiện xe hợp đồng, đặc biệt là loại hình xe Limousine áp dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, dừng đỗ đón khách ở các khu vực không bị cấm, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý loại hình này còn nhiều bất cập nên lực lượng chức năng cũng khó có cơ sở để xử lý.
“Đáng nói, nhiều địa phương đang cấp hai loại phù hiệu xe hợp đồng và xe khách tuyến cố định gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Quang nói.
Khẳng định tới đây sẽ đề xuất mở các tuyến buýt kế cận thay các tuyến cố định dưới 100km để ngăn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng phân rõ trách nhiệm đối với các lực lượng của Thanh tra Sở GTVT, CSGT, CSTT, công an quận, công an phường và UBND các phường, xã. Cùng đó, sẽ xây dựng quy chế gắn trách nhiệm của các lực lượng khi để tồn tại, phát sinh, tái diễn tình trạng vi phạm của xe khách, văn phòng đại diện, bến bãi… vi phạm các quy định về trật tự ATGT trên địa bàn quản lý.
“Chúng tôi cũng đang làm việc với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ để nghiên cứu, chuyển đổi các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh có cự ly dưới 100km thành các tuyến buýt kế cận nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các loại hình xe hợp đồng và phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân”, ông Viện nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa xe hợp đồng và xe khách tuyến cố định là do điều kiện kinh doanh. Hiện, việc quản lý xe hợp đồng còn lỏng lẻo. Còn xe khách tuyến cố định lại quản lý quá chặt. “Tới đây, cần sửa đổi các quy phạm pháp luật theo hướng thắt chặt hơn đối với loại hình xe hợp đồng, đồng thời sớm bãi bỏ những quy định bất hợp lý đối với xe cố định”, ông Quyền nêu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận