Vận tải

Hà Nội “vỡ” kế hoạch triển khai tuyến buýt nhanh BRT thứ 2?

26/09/2017, 08:15

Nguyên nhân của sự chậm trễ triển khai tuyến BRT Kim Mã - Hòa Lạc chủ yếu do vấn đề hạ tầng.

3

Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đông khách vào giờ cao điểm - Ảnh: Khánh Linh

Trong khi tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng các phương tiện khác vô tư lấn làn, gây ùn tắc, đến thời điểm này, có vẻ như việc phát triển thêm một tuyến buýt nhanh BRT ngay trong năm 2017 của Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ “vỡ” kế hoạch.

BRT Kim Mã - Hòa Lạc “lỗi hẹn”

Ngay từ đầu năm 2017, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm của TCT Vận tải Hà Nội (Transerco), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố đã nhận được đề xuất mở tuyến buýt nhanh số 2 của Transerco lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc đồng thời khẳng định “thành phố chắc chắn sẽ có quyết định đầu tư, mở tuyến buýt nhanh số 2, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc vận hành tuyến buýt nhanh số 1 Kim Mã - Yên Nghĩa”, ông Hùng nói.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện sau đó cũng cho biết Sở này đã phối hợp với Transerco trình UBND TP Hà Nội xem xét cho thực hiện tuyến buýt nhanh BRT 02 Kim Mã - Khu công nghệ cao Hòa Lạc. “Nếu được UBND TP phê duyệt sớm, tuyến buýt nhanh thứ hai của Thủ đô có thể đi vào vận hành ngay trong năm 2017”, ông Viện nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia JICA cho rằng, vấn đề quan trọng của buýt nhanh hiện nay chính là làn đường dành riêng. “Khi có phương tiện không được ưu tiên đi vào làn dành riêng, buýt nhanh sẽ khó đảm bảo được lịch trình, từ đó sẽ không đảm bảo được tính ưu việt của giao thông công cộng. Nếu cứ mãi e ngại phản ứng trái chiều từ xã hội, không triệt để thực hiện làn dành riêng, buýt nhanh sẽ chẳng khác gì buýt thường”, TS. Bình nói.

Cũng theo ông Viện, tuyến này có nhiều yếu tố thuận lợi để triển khai do kết nối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nơi đang có khoảng 20.000 cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên đến làm việc, học tập. Ngoài ra, lượng xe buýt nhanh BRT nhập về theo dự án ban đầu là 35 chiếc, hiện mới chỉ sử dụng 24 chiếc cho tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa và vẫn đang dự phòng 11 chiếc nên phương tiện có thể sẵn sàng ngay. Thứ ba, lộ trình tuyến BRT 02, đoạn trong nội đô cũng trùng với lộ trình tuyến BRT 01. Như vậy, có thể sử dụng 6 nhà chờ hiện có của tuyến 01, chỉ cần bổ sung thêm 1 - 3 nhà chờ nữa là hoàn thiện.

Cũng theo ông Viện, tại điểm đầu cuối là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý khu đã đề nghị với thành phố sẽ bỏ kinh phí xây dựng nhà chờ theo đúng quy chuẩn để phục vụ hành khách. Ra đến Đại lộ Thăng Long, buýt nhanh sẽ chạy trên làn đường gom hiện nay chứ không cần làn đường riêng. 

Thuận lợi là thế, song gần bước sang quý cuối cùng của năm 2017, vẫn chưa có động tĩnh gì cho thấy Hà Nội sẽ triển khai tuyến buýt BRT thứ hai sau tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa đã chính thức đi vào vận hành từ đầu năm.

Trao đổi với Báo Giao thông về nguyên nhân của sự chậm trễ triển khai tuyến BRT Kim Mã - Hòa Lạc, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho biết chủ yếu do vấn đề hạ tầng. “Hiện chúng tôi vẫn phải đang tiếp tục nghiên cứu hạ tầng luồng tuyến cho buýt nhanh. Đã là xe buýt thì phải dừng, đỗ đón khách. Tuy nhiên, do tuyến đi trên đường cao tốc nên việc này lại khó khả thi”, ông Quang cho hay.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia kỳ cựu về giao thông đô thị khẳng định: “Nếu thành phố càng chậm trễ, việc phát triển BRT càng khó khăn. Sự chậm trễ của tuyến đầu tiên là một ví dụ điển hình”.

Còn mặn mà buýt BRT?

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc), sau 8 tháng đi vào hoạt động, tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa đã có hơn 82 nghìn lượt xe thực hiện với tổng lượng khách lên tới hơn 3,2 triệu khách. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Tramoc cho biết, lượng hành khách vận chuyển trên tuyến bình quân 13.302 khách/ngày. Vào các cung giờ cao điểm, bước đầu tuyến có dấu hiệu quá tải với bình quân 70 khách/lượt xe. Thậm chí, nhiều lượt xe được ghi nhận vận chuyển từ 105-115 khách.

Cũng theo ông Hải, hành khách đi lại trên tuyến có sự biến động lớn theo không gian, thời gian. Cụ thể, lượng hành khách tập trung cao tại điểm đầu, điểm cuối (nhà chờ Kim Mã, BX Yên Nghĩa) và các nhà chờ từ đường vành đai 3 trở vào. Các nhà chờ từ đường vành đai 3 trở ra có sản lượng hành khách chưa cao do đây là đoạn tuyến đi qua các khu đô thị chưa hoàn thiện, người dân chuyển về sinh sống chưa cao nên nhu cầu đi lại còn hạn chế (KĐT An Hưng, Dương Nội, Văn Khê....). Về thời gian, hành khách chủ yếu đi vào các khung giờ cao điểm. Cụ thể, sản lượng của tuyến BRT trong 4 giờ cao điểm (sáng từ 7h - 9h; chiều từ 16h30-18h30) chiếm khoảng 50% sản lượng của cả ngày. Số lượng hành khách sử dụng vé tháng để đi lại thường xuyên liên tục tăng theo thời gian, đến nay sản lượng hành khách sử dụng vé tháng 1 tuyến của tuyến BRT đang dẫn đầu so với các tuyến buýt khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.