Bất động sản

Hà Nội: Loạt dự án “tắc” do chờ hướng dẫn luật

07/08/2024, 07:30

Thời gian qua, nhiều dự án giao thông kết nối trên địa bàn Thủ đô tiến độ rất chậm do gặp vướng mắc ở khâu định giá đất, đền bù GPMB và tái định cư.

Những vướng mắc này chỉ có thể tháo gỡ khi Luật Đất đai 2024, nhất là các văn bản hướng dẫn có hiệu lực.

Giải ngân chậm do vướng định giá đất

Dự án xây dựng tuyến đường trục tổ dân phố Tu Hoàng ra đường 70 (Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Ban quản lý dự án quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư là một trong số những dự án kể trên. 

Hà Nội: Loạt dự án “tắc” do chờ hướng dẫn luật- Ảnh 1.

Dự án xây dựng tuyến đường trục tổ dân phố Tu Hoàng ra đường 70 chưa GPMB, người dân quây rào trồng chuối.

Theo chủ trương đầu tư, tuyến đường có chiều dài 1,3km, tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2022, sau đó điều chỉnh thành năm 2023 - 2025. 

Cuối năm 2023, Ban quản lý dự án quận Nam Từ Liêm đã có thông báo khởi công dự án. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa GPMB, khiến vốn không giải ngân được.

Tương tự là dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 413 (dài hơn 6km, huyện Ba Vì) và tỉnh lộ 414 (dài gần 4,7km, thị xã Sơn Tây). Hai dự án này có tổng diện tích đất thu hồi 17,6ha, thời gian thực hiện năm 2021 - 2024.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, dự án sẽ giải ngân vốn đầu tư công 860 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đang vướng GPMB do không xác định được giá đền bù, tái định cư cho người dân theo giá thị trường. 

Tháng 10/2023, Hà Nội khởi công dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình. 

Công trình dài 6,7km, tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Nhưng đến nay, sau gần 1 năm khởi công, dự án giải ngân chỉ đạt 7,7% kế hoạch. 

Tương tự, dự án nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai với tổng vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng cũng mới giải ngân được khoảng 7,7% kế hoạch. Điểm chung của hai dự án là chưa thống nhất được về mức hỗ trợ, đền bù, tái định cư nên chưa thể GPMB.

Giá bồi thường thấp hơn giá thị trường

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến ngày 15/7, giải ngân của thành phố mới đạt 20.890 tỷ đồng, tương đương 25,8% kế hoạch (81.033 tỷ đồng) Trung ương giao. 

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn, ngoài những khó khăn do công tác quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, xác định nguồn gốc đất... thì vướng mắc chủ yếu vẫn là GPMB. 

Quan trọng nhất là việc xác định giá đất gặp khó khăn, nên người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư...

Theo ông Nguyễn Viết Đạt, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, thị xã đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Sơn Tây xây dựng kế hoạch thực hiện công tác GPMB với từng dự án, có lộ trình, tiến độ cụ thể đảm bảo kế hoạch. 

Thị xã cũng phối hợp với các đơn vị liên quan phân nhóm, phân loại để đưa ra giải pháp, quy trình thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể.

"Song giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn thấp hơn so với giá thị trường do thiếu cơ sở để xác định. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo nguyên tắc thị trường vẫn phải chờ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024", ông Đạt nói.

Chờ nghị định đi vào cuộc sống

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, cùng với Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, đã có 5 nghị định được ban hành.

Đó là nghị định về bồi thường tái định cư, nghị định về hoạt động lấn biển, nghị định về định giá đất, điều tra đánh giá đất đai. Hai nghị định nữa là nghị định về thu tiền sử dụng đất và nghị định về quyết định phát triển đất do Bộ Tài chính soạn thảo, đã trình ký.

Theo ông Chính, khi luật và các nghị định có hiệu lực, các địa phương có thể áp dụng ngay để giải quyết các vấn đề vướng mắc tồn đọng. 

TS Trần Xuân Lượng (chuyên ngành Bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân, người từng góp ý nhiều nội dung hoàn thiện Luật Đất đai 2024), một số quy định đã có nhưng hiện chưa có dữ liệu đất đai, chưa có giá đất thị trường, chưa có nguồn lực và hạ tầng thông tin định giá thị trường. Do đó, địa phương thiếu cơ sở xác định giá đất.

Vì vậy theo ông, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh quá trình xây dựng dữ liệu đất đai, làm cơ sở cho các địa phương tham chiếu, xây dựng giá đền bù, hỗ trợ, tái định cư phù hợp, chắc chắn với từng trường hợp, từng dự án.

Liên quan việc GPMB dự án xây dựng tuyến đường trục tổ dân phố Tu Hoàng ra đường 70, ông Nguyễn Tiến Hùng - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm cho biết, do vướng mắc thủ tục mốc giới nên dự án đang thực hiện quy chủ, ban hành thông báo thu hồi đất.

Thông tin về việc áp dụng quy định của Luật Đất đai 2024, ông Hùng chia sẻ, quy trình thu hồi, GPMB, tái định cư sẽ kéo dài hơn. Nếu trước đây thực hiện các khâu, các bước thủ tục trong khoảng 20 ngày, thì hiện nay kéo dài lên 30 ngày.

Theo đó, quận phải phê duyệt phương án xong, các hộ nhận tiền xong, sau đó mới ban hành quyết định thu hồi đất, không thực hiện song song cùng một thời điểm như trước đây. Điều đó đồng nghĩa các hộ không chấp hành, thời gian cưỡng chế cũng sẽ dài hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.