Quản lý

Hạ tầng giao thông thay đổi diện mạo đất nước

30/04/2016, 09:10

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, sau 41 năm đất nước thống nhất, ngành GTVT đạt được rất nhiều thành tựu...

24

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, sau 41 năm đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2016), ngành GTVT đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước.

Giao thông “lột xác” sau 41 năm đất nước thống nhất

Sau 41 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông nối liền một dải, cùng với sự phát triển vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế, ngành GTVT đã có những bước đột phá lớn trong công tác đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Xin Thứ trưởng chia sẻ các thành tựu nổi bật của ngành GTVT từ khi đất nước thống nhất đến nay?   

Sau ngày đất nước thống nhất, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trong cả nước rất yếu kém, xuống cấp nghiêm trọng do hậu quả của chiến tranh để lại, nhất là khu vực miền Bắc. Các tuyến đường bộ khi đó chủ yếu là những tuyến đường chiến lược được mở ra để phục vụ thời kỳ kháng chiến. Vận tải tập trung nhiều bằng đường thủy, hàng hải và đường sắt. Trong hoàn cảnh đó, ngành GTVT được giao trọng trách làm sao nhanh chóng khôi phục và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đất nước. Thực sự 10 năm đầu đất nước thống nhất, chúng ta chủ yếu tập trung vào công tác khôi phục chứ chưa có những bước phát triển đáng kể về cơ sở hạ tầng.

"Kết quả đánh giá, xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là minh chứng rõ nét về những kết quả phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, theo đánh giá của WEF chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng tăng 24 bậc, từ 123/139 (năm 2010) lên 99/140 (năm 2015), trong đó chỉ số về hạ tầng GTVT tăng 36 bậc, từ 103/139 (năm 2010) lên 67/140 (2015)."

Thứ trưởng
Nguyễn Hồng Trường

Công cuộc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chỉ chuyển biến rõ nét từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (từ 1986). Dự án đầu tiên được triển khai phải kể đến là khôi phục mạng lưới GTVT do Ngân hàng Thế giới (WB) viện trợ không hoàn lại, hoàn thành vào khoảng đầu những năm 1990. Bắt đầu từ đó, ngành GTVT mới hình thành các Ban QLDA để tiếp nhận nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ, hạ tầng giao thông có những chuyển biến tích cực. Ngoài việc tập trung khôi phục tuyến đường huyết mạch QL1 và tuyến đường sắt Thống Nhất, hàng loạt các tuyến quốc lộ quan trọng khác được tập trung cải tạo như: QL5, 2, 3, 14,…

Giai đoạn 2000-2010, hạ tầng giao thông bắt đầu bước vào thời kỳ có tính chất đột phá. Ngay từ những năm đầu tiên, ngành GTVT đã tập trung quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giao thông được Chính phủ phê duyệt để đưa ra các giải pháp phát triển hạ tầng cho tất cả 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa. Giai đoạn này, ngành GTVT tập trung huy động và sử dụng rất hiệu quả nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển hệ thống đường bộ, cảng biển và một số dự án đường sắt. Có thể nói, đây là thời kỳ đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành GTVT, góp phần thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông, thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH đất nước. 

Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay?

Từ năm 2011 đến nay là giai đoạn hệ thống hạ tầng giao thông có sự đột phá và thay đổi mạnh mẽ nhất, đặc biệt, là những đột phá chiến lược về đầu tư. Ở lĩnh vực đường bộ, chúng ta đã nâng cấp toàn diện tuyến QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Đồng thời, hàng loạt tuyến cao tốc được xây dựng đồng bộ từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc, TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh phía Nam, các tuyến cao tốc kết nối vùng kinh tế trọng điểm được hình thành…

Lĩnh vực đường sắt cũng có những bước phát triển mạnh mẽ khi tốc độ chạy tàu từng bước được nâng lên, chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện, đem lại sự hài lòng hơn cho doanh nghiệp và người dân. Đối với lĩnh vực hàng không, từ chỗ cả nước chỉ có 10 sân bay, đến nay, chúng ta đã có 21 sân bay đi vào hoạt động, với đội ngũ tàu bay hiện đại lên tới hơn 100 chiếc, hàng loạt đường bay quốc tế đi - đến các nước trong khu vực và thế giới được mở mới. Về hệ thống cảng biển, ngành GTVT đã đầu tư nhiều cảng biển lớn như: Cái Mép - Thị Vải, Đà Nẵng, Lạch Huyện,… để đón các tàu có trọng tải từ 100 - 150 nghìn tấn. 

Theo Thứ trưởng, những năm tới ngành GTVT phải làm gì để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của một đất nước hiện đại?

Phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước đề ra và Bộ GTVT luôn xác định đây là nhiệm vụ chung của toàn ngành để tập trung phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Vì vậy, thời gian tới, ngành GTVT sẽ tiếp tục nâng cấp toàn diện các tuyến quốc lộ trong cả nước, đồng thời từng bước xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, những tuyến cao tốc kết nối Việt Nam với các nước ASEAN và Trung Quốc.

Ở lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT sẽ quyết liệt chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành, nâng cao năng suất phục vụ của các sân bay: Nội Bài, Tân Sơn Nhất,… Đối với ngành Đường sắt, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao với đường đôi khổ 1.435mm. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, chủ trương đầu tư dự án sẽ được thông qua để sau năm 2020, chúng ta từng bước xây dựng các đoạn Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, đồng thời hoàn thiện các đoạn tuyến còn lại sau năm 2030. 

23
Hạ tầng giao thông tiếp tục đượcxây dựng hiện đại đáp ứng nhu cầuphát triển của đất nước.(Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) - Ảnh: Tạ Tôn

Huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư

Dự báo 5 năm tới, GTVT cần tới một nguồn vốn lên tới 1 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế như WB, ADB chuẩn bị dừng các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam lần lượt vào năm 2017 và 2019. Bộ GTVT có giải pháp gì để giải bài toán khó khăn về nguồn vốn, thưa Thứ trưởng?

 Đầu tiên, Bộ GTVT sẽ tập trung dùng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, Ngân sách Nhà nước để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy tối đa nguồn vốn này. Tiếp đó, Bộ tiếp tục kêu gọi nguồn tài trợ vốn ODA của các tổ chức quốc tế theo hình thức vay thương mại một phần nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển. Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào hạ tầng giao thông tại Việt Nam dưới nhiều hình thức: Đầu tư, chuyển nhượng, khai thác,... ở các dự án hạ tầng giao thông. Đây được coi là một trong những chiến lược đột phá trong thời gian tới của Bộ GTVT.

Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư bằng các hình thức PPP, BOT trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí kết hợp doanh nghiệp tham gia đầu tư và thu hồi vốn thông qua thu phí. Việc đầu tư bằng hình thức này sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở sức chịu đựng của nền kinh tế, của người dân để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ từng bước thực hiện các giải pháp đã đưa ra về việc chuyển nhượng, cho thuê cơ sở hạ tầng nhằm quay vòng nguồn vốn, đầu tư trở lại cho các công trình mới. Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng và đưa ra các điều kiện thuận lợi hơn nữa để các đơn vị trong ngành GTVT có khả năng vừa là nhà đầu tư, vừa là doanh nghiệp, chỉ có như vậy mới giảm được áp lực cho ngân sách và tạo được sự phát triển hạ tầng giao thông nhanh hơn. 

Theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2020, cả nước sẽ có ít nhất 2.000km đường cao tốc. Trong khi đó, hiện tại, ngành GTVT mới hoàn thành và đưa vào khai thác được 745km. Vậy, Bộ GTVT sẽ làm thế nào để hoàn thành mục tiêu này khi khối lượng còn lại phải thực hiện rất lớn?

Việc thực hiện đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc là một trong những chỉ đạo trọng điểm của Bộ GTVT trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ đã triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc theo đề án Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ lựa chọn những tuyến cao tốc cấp thiết phải đầu tư ngay và phân ra các tuyến cần đầu tư theo lộ trình cụ thể. Để phù hợp với nhu cầu về nguồn vốn, các dự án cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ODA sẽ tập trung vào những khu vực kết nối ASEAN, kết nối vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa để triển khai các dự án cao tốc theo hình thức PPP, BOT vào các dự án trên trục Bắc - Nam, các tuyến đường phục vụ khu vực có lợi thế về du lịch, khai thác tài nguyên,…

Với cách thức, lộ trình như vậy, kết hợp cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, đi kèm các cơ chế của Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của Chính phủ, Bộ GTVT tin tưởng sẽ hoàn thành hơn 2.000km đường cao tốc vào năm 2020, để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước.

Cảm ơn Thứ trưởng! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.