Nhọc nhằn giữ nghề làng
Từ 5h sáng, làng rèn Trung Lương (thuộc phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã bắt đầu rộn ràng. Từ xa, đã nghe rõ mồn một tiếng búa sắt gõ đều nhịp vang giòn, tiếng xì xèo của sắt thép được nung đỏ bỏ vào nước…
Vừa đưa ống tay áo quệt mồ hôi ròng ròng trên trán xuống cổ, ông Nguyễn Quỳnh Vinh (49 tuổi, trú tổ dân phố Tân Mướu, phường Trung Lương) lại thoăn thoắt dùng kìm sắt gắp những thanh phôi đỏ rực trong bếp than đá ra đặt lên chiếc đe sắt.
Một tay cầm kìm, tay còn lại ông Vinh cầm chiếc rìu đặt dọc thanh phôi sắt đỏ lừ. Chỉ chờ vậy, người bạn lò cùng ông Vinh cầm chiếc búa sắt quai liên tục. Từng nhát búa chắc nịch nện xuống, xẻ đôi thanh phôi sắt, người bạn lò nhanh chóng bỏ từng thanh thép vào trong “bụng” phôi sắt trước khi ông Vinh dùng búa máy dẹt lại.
Gần 40 năm gắn bó với lò rèn, ông Vinh kể, nghe thì đơn giản nhưng để làm ra một con dao, cái liềm, người thợ phải mất rất nhiều công sức.
Hiện nay, người dân đã dùng búa máy để the mỏng thay phải quai búa nhưng nhìn chung mọi công đoạn vẫn thủ công, dùng sức người là chính.
Những ngày mùa hè, nhiệt độ bên ngoài trời lên đến 41 - 42 độ C, người thợ trong lò rèn càng vất vả, mệt nhọc. Đặc biệt, phải ngồi, cúi lưng cả ngày; thường xuyên tiếp xúc với bụi sắt, khói than đá nên thợ rèn thường hay mắc các chứng bệnh về xương khớp và hô hấp.
“Vất vả, độc hại là thế nhưng sản phẩm làm ra cũng không đáng là bao, trung bình mỗi ngày làm việc cật lực, cũng chỉ được 15 - 17 con dao to bản, chặt thịt”, ông Vinh cho biết thêm.
“Để có những con dao vừa đủ độ cứng vừa sắc bén thì từ chọn phôi sắt, đến chèn thép vào trong phôi, rồi the mỏng, tôi lửa cho đến mài… người thợ phải thật kiên trì, cẩn thận và tỉ mỉ từng chi tiết. Chỉ cần làm ẩu một công đoạn thì chỉ có nước bỏ đi”, ông Nguyễn Ngọc Thắng (52 tuổi, ở TDP Trung Lý), một thợ rèn khác cho hay.
Qua thời vang bóng
9h sáng, mặt trời chói chang trên đỉnh ngọn núi Hồng. Trong các lò rèn ở làng Trung Lương hầm hập hơi nóng, những người thợ ướt đẫm mồ hôi từ đầu đến chân.
Tiếng búa sắt lắng dần, những người thợ bắt đầu chuyển sang công đoạn tiếp theo. Cả làng cứ thế rộn ràng những âm thanh quen thuộc, đó là tiếng kêu xì xèo của con dao được nung đỏ rực bỏ vào nước lạnh để tôi cứng; hay tiếng rẹt rẹt do sự va chạm giữa sắt thép với đá mài… cho đến khi con dao, cái liềm hoàn thành.
Khi được hỏi về lịch sử nghề rèn của làng thì không chỉ ông Vinh, ông Thắng mà từ người già đến thanh niên trẻ đều lắc đầu. Không ai biết chính xác nghề rèn ở làng Trung Lương có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng, từ khi sinh ra đã thấy cha, anh nhóm lửa đốt lò rèn dao, cuốc, liềm… cho đến ngày nay, từ thế hệ này truyền sang cho thế hệ khác.
Thế nhưng, nói về thực trạng và tương lai của nghề “cha truyền con nối”, những người thợ rèn Trung Lương lại trầm hẳn giọng.
Bởi, làng nghề có trên 300 hộ nhưng hiện chỉ còn hơn 100 hộ và họa hoằn lắm mới có một người trẻ bám nghiệp. Các sản phẩm của làng rèn Trung Lương được làm bằng thủ công, không cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp hiện nay với nhiều mẫu mã và giá thành lại rẻ hơn.
Ông Nguyễn Công Lộc, Chủ tịch UBND phường Trung Lương cho hay: Trước đây, trong làng có trên 300 hộ làm nghề chuyên sản xuất dụng cụ nông nghiệp như cày, cuốc, dao, xẻng... thì đến nay chỉ còn lại 110 hộ nhưng cũng chỉ làm dao và liềm.
Trong số này, chỉ có khoảng 30 - 50 hộ làm thường xuyên, còn lại làm theo thời vụ. Để động viên, giúp đỡ bà con bám nghề, địa phương đã đưa ra nhiều chính sách khuyến công như: Giúp đỡ trong việc đào tạo nghề và tham quan học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào tổ chức sản xuất; cho vay vốn với chính sách ưu đãi giúp bà con mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm thiết bị...
Đức Tâm
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận