Cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách các bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60%
Trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thời gian tới tại Hội nghị trực tuyến sáng 10/4 của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Dũng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công được nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giải ngân hết số vốn của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân.
Nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn; Thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…
“Số vốn cần phải giải ngân trong năm 2020 là rất lớn (gần 700.000 tỷ đồng, bao gồm cả số vốn thuộc các kế hoạch trước đây được chuyển nguồn thực hiện, giải ngân trong năm 2020), Bộ trưởng Dũng nói và cho biết Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.
Chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm có khối lượng thi công lớn để làm thủ tục giải ngân.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư từ các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt.
Đáng lưu ý, trong tháng 9/2020, Chính phủ sẽ quyết định cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chỉnh cho các dự án giao thông cấp bách, các dự án chống ngập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chính phủ cần có quyết định bứt phá, theo lệnh khẩn cấp
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc-Nam phía đông (8 dự án) từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện ngay các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng; hoàn thành các thủ tục đầu tư, bảo đảm khởi công trong tháng 8-9 năm 2020 các dự án cao tốc Bắc- Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.
Cũng về 2 dự án này, trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nhà thầu có thể thực hiện 2 dự án này không nhiều, chỉ có 1 - 2 nhà thầu, do đó cần thiết chỉ định cho làm luôn. Trong quá trình đó hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu, giao thầu, đồng thời tiếp tục hoàn thiện dự toán, đơn giá và kiểm soát chặt.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công.
Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại...
“Tại thời điểm này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần có quyết định bứt phá, theo lệnh khẩn cấp”, ông Dũng kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận