"Như diều gặp gió" ở trong nước
Điển hình cho xu hướng này chính là câu chuyện của hãng xe BYD - "ông lớn" trong ngành xe năng lượng mới của Trung Quốc.
Câu chuyện phát triển xe điện cùng những khó khăn mà BYD phải đối mặt khi chuyển sang sản xuất xe điện (EV) khoảng 20 năm trước, đã được người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) BYD, Wang Chuanfu chia sẻ trong một cuộc họp báo đánh dấu chiếc xe sử dụng năng lượng mới thứ 5 triệu của BYD ra đời.
Theo ông Wang, BYD đã mất 13 năm để đạt mốc 1 triệu chiếc vào tháng 5/2021 nhưng chỉ mất khoảng 2 năm để lên được mốc 5 triệu xe trong năm 2023.
BYD hiện ra mắt nhiều mẫu xe mới chạy hoàn toàn bằng pin, phương tiện hybrid (sử dụng cả điện và xăng/dầu), cũng như xe dùng động cơ đốt trong truyền thống.
Theo ông Wang, BYD đang nắm giữ lợi thế đáng kể trong sản xuất chip và pin của riêng mình - những bộ phận thuộc loại đắt tiền nhất của xe điện. Đây được coi là chiến lược tích hợp dọc (kiểm soát hoàn toàn một hoặc nhiều giai đoạn sản xuất hoặc phân phối sản phẩm) để tiết kiệm chi phí.
Câu nói này của ông Wang có thể phản ánh phần nào bối cảnh phát triển và cạnh tranh của thị trường xe điện Trung Quốc hiện tại.
Khởi nghiệp là nhà sản xuất pin điện thoại di động vào năm 1995, sự tăng trưởng của BYD cũng chính là tấm gương phản chiếu sự đi lên mạnh mẽ của ngành công nghiệp xe điện ở Trung Quốc.
Tính đến năm 2022, nước này từng là thị trường xe điện lớn nhất thế giới trong 8 năm liên tiếp. Riêng năm ngoái, 6,8 triệu xe điện đã được bán ra tại thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hướng đến trở thành cường quốc sản xuất ô tô điện, người tiêu dùng nước này cũng dần chuyển đổi thói quen sử dụng.
Thay vì các loại xe Hàn, Nhật, hay các thương hiệu phương Tây như trước, xe điện do Trung Quốc sản xuất có mặt khắp nơi, đặc biệt là có rất nhiều lựa chọn "vừa túi tiền"với mọi người dân, mức giá khởi điểm chỉ từ 100.000 - 200.000 NDT.
Trong khi, đây từng là một phân khúc thị trường nằm trong tay các mẫu xe động cơ đốt trong truyền thống.
Từ các thương hiệu xe điện có tiếng lớn như Geely và GAC Aion cho đến những thương hiệu mới như Leapmotor và Hozon, họ đều đã đạt được các cột mốc doanh số mới vào năm 2023.
Nhiều rào cản tại nước ngoài
Đối lập với bức tranh phát triển như "diều gặp gió" ở trong nước, ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc hiện đang bị chú ý chặt chẽ ở các thị trường phương Tây.
Ủy ban châu Âu hồi đầu tháng 9 thông báo sẽ điều tra về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá để bảo vệ các nhà sản xuất châu Âu khỏi "cơn lũ" xe điện giá rẻ từ Trung Quốc. Các quan chức châu Âu cho rằng, xe điện từ Trung Quốc đang được hưởng lợi một cách không công bằng từ trợ cấp của nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong bài phát biểu thường niên trước Nghị viện châu Âu cho biết: "Châu Âu sẵn sàng cạnh tranh nhưng không phải cho một cuộc chạy đua xuống đáy".
Xe điện do Trung Quốc sản xuất bán ở châu Âu thường rẻ hơn 20% so với xe sản xuất tại địa phương.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, bên cạnh những ưu đãi của chính phủ Trung Quốc, sự phát triển nhanh chóng của các công ty xe điện Trung Quốc còn nhờ ảnh hưởng của các yếu tố thị trường quốc tế, lợi thế từ chuỗi cung ứng.
Ông Tu Le, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Sino Auto Insights có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, trợ cấp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lĩnh vực xe điện, pin xe điện cũng như cơ sở hạ tầng sạc điện từ năm 2009. Nhờ khoản trợ cấp này nhiều công ty khởi nghiệp đã được khuyến khích tham gia thị trường.
Tuy nhiên, doanh số bán hàng chỉ bắt đầu tăng mạnh vào năm 2020 sau khi Tesla xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải và giao chiếc Model 3 đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2019. Sự kiện này đã khiến người tiêu dùng phấn khích.
Chia sẻ với The Straits Times, ông Tu Le cho biết: "Sự kiện này mang lại nhiều lợi ích cho các công ty Trung Quốc như NIO, BYD, XPeng, Li Auto và những doanh nghiệp nội địa khác. Họ đã nhận được thêm sự tin tưởng rằng lĩnh vực này sẽ bùng nổ vào năm 2020 và hơn thế nữa".
Xe Trung Quốc hiện đang cạnh tranh tốt với những chiếc xe do các ông lớn quốc tế khác như Tesla, BMW và Hyundai sản xuất.
Mẫu Seal cao cấp mới của BYD, dự kiến giao hàng tại châu Âu vào quý IV/2023 đã được các nhà đánh giá khen ngợi nhờ thiết kế đẹp mắt, khả năng xử lý nhạy bén và hiệu suất tốt.
Trợ cấp hàng trăm tỷ nhân dân tệ cho xe điện
Về phía Bắc Kinh, sau tuyên bố từ châu Âu, họ đã lên tiếng phản đối.
Nhà phân tích thị trường ô tô Trung Quốc đã nghỉ hưu Jia Xinguang, có hơn 50 năm kinh nghiệm trong ngành lập luận rằng: "Tại sao tất cả các công ty ở Trung Quốc đều nhận trợ cấp, nhưng chỉ một số công ty phát triển mạnh?".
Đề cập tới việc châu Âu muốn nhắm vào mẫu BYD Seal, ông Jia lưu ý rằng, chi phí sản xuất của phương tiện này thấp hơn 15% so với Model 3 của Tesla. Sự khác biệt đó không chỉ thể hiện BYD có khả năng kiểm soát nguyên liệu thô tốt mà cho thấy năng lực sản xuất và chế tạo pin của họ.
Năm 2001, Trung Quốc coi việc nghiên cứu các công nghệ cốt lõi của xe điện như pin và hệ thống điều khiển điện tử là ưu tiên quốc gia. Năm 2007, cựu kỹ sư Audi Wan Gang trở thành Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và được nhiều người coi là kiến trúc sư chiến lược xe điện của Trung Quốc.
Bắc Kinh bắt đầu trợ cấp cho các công ty trong mảng xe điện vào năm 2009 để sản xuất xe buýt, taxi hoặc ô tô cho người tiêu dùng. Từ năm 2009 đến năm 2022, ước tính khoảng 200 tỷ nhân dân tệ đã được chi cho trợ cấp và giảm thuế cho ngành xe điện.
Cho tới nay, đã có nhiều nỗ lực hướng đến loại bỏ dần các khoản trợ cấp cho cả nhà sản xuất ô tô và người tiêu dùng. Ví dụ như chương trình miễn thuế mua xe điện trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2014 đã được gia hạn vào tháng 6/2023 nhưng sẽ giảm dần về quy mô sau đó kết thúc vào năm 2027.
Sau đà phát triển mạnh, thị trường xe điện Trung Quốc dường như đang hướng tới xu hướng hợp tác mới. Mà điển hình là khoản đầu tư của Tập đoàn Volkswagen vào Xpeng vừa được công bố vào tháng 7 vừa qua.
Theo nhà tư vấn ô tô Pang Cheong Yan tại Singapore - người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành, xu hướng hợp tác hiện nay cho thấy sức hấp dẫn của sản phẩm là yếu tố then chốt nhất với khách hàng, cho dù ưu đãi tài chính có bị giảm.
"Giá cả là một yếu tố, nhưng nếu phạm vi hoạt động của xe ngắn, thiết kế không hấp dẫn, phần mềm không tích hợp tốt thì người tiêu dùng sẽ không chấp nhận", ông Pang cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận