Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam, do VIDIFI làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đang thua lỗ nặng - Ảnh: Tạ Tôn |
Thực tế hiện nay, không ít dự án BOT từ khi đưa vào khai thác đối mặt với nhiều khó khăn, thua lỗ nặng do thu phí không đủ trả lãi ngân hàng. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn nhiều lần đề nghị trả lại dự án như cầu Hạc Trì, QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình...
Kỳ 1: Cao tốc hiện đại nhất Việt Nam thu phí không đủ trả lãi vay
Hà Nội - Hải Phòng là một trong những tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, nhưng nhà đầu tư VIDIFI đang ngập trong khó khăn và loay hoay bài toán tài chính, bởi tiền lãi bình quân mỗi ngày phải trả lên tới 8 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ thu phí chỉ 5,5 tỷ đồng.
Nguy cơ vỡ phương án tài chính
Thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến đầu tháng 12/2015, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài 105km, quy mô 6 làn xe được đánh giá là tuyến đường bộ hiện đại nhất Việt Nam. Dự án được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 45.487 tỷ đồng do Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) làm nhà đầu tư.
Để đảm bảo phương án tài chính cho dự án khả thi, VIDIFI còn được phép thu phí cả trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tuyến QL5 để hoàn vốn. Tuy nhiên, VIDIFI vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa được thực hiện gồm: Chi phí hỗ trợ của Nhà nước cho công tác bồi thường GPMB 3.699 tỷ đồng và việc tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD. Điều này dẫn tới phương án tài chính của dự án đứng trước nguy cơ bị phá vỡ.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài 105,5km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5 - 35m. Theo phương án tài chính, dự kiến dự án sẽ thu phí hoàn vốn trong khoảng 28 năm 8 tháng. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc VIDIFI cho biết, sau hơn một năm vận hành, khai thác, các chỉ tiêu tài chính thực tế tương đối phù hợp với dự kiến trong phương án tài chính cập nhật của dự án được Bộ GTVT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, lưu lượng xe tham gia trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bình quân đạt 25 - 30 nghìn lượt xe/ngày, đêm, chiếm khoảng 45-50% tổng lưu lượng phương tiện trên cả hai tuyến QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao hơn so với tỷ lệ phân lưu do đơn vị tư vấn dự kiến là 40% phương tiện đi vào cao tốc.
“Theo số liệu đã được kiểm toán, suất đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng quy về bốn làn xe, không bao gồm chi phí lãi vay là 10,65 triệu USD/km, tương đương với suất vốn đầu tư đường cao tốc bốn làn xe khu vực Đồng bằng Bắc bộ đã được Bộ Xây dựng báo cáo Quốc hội”, ông Tỉnh nói.
Báo cáo của VIDIFI cho thấy, doanh thu từ thu phí của dự án hiện nay bình quân chỉ đạt 5,5 tỷ đồng/ngày, khá sát với phương án tài chính của dự án. Tuy nhiên, khó khăn nhà đầu tư đang gặp phải là các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án theo Quyết định 746 ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ (đã dự kiến trong phương án tài chính) vẫn chưa được thực hiện, khiến chi phí lãi vay bình quân mỗi ngày nhà đầu tư phải trả lên tới 8 tỷ đồng.
“Bình quân mỗi ngày số tiền hụt lên tới 2,5 tỷ đồng, tương đương khoảng 900 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, lãi vay chiếm 94% chi phí trong giai đoạn vận hành tuyến đường. Nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước không được cấp kịp thời theo kế hoạch, phương án tài chính của dự án nguy cơ bị phá vỡ, thời gian hoàn vốn kéo dài so với dự kiến sẽ khiến nhà đầu tư hứng chịu rất nhiều rủi ro, thậm chí vỡ nợ”, lãnh đạo VIDIFI chia sẻ.
Theo báo cáo của VIDIFI, doanh thu từ thu phí của dự án hiện nay bình quân chỉ đạt5,5 tỷ đồng/ngày, trong khi đó mỗi ngày phải trả lãi ngân hàng lên tới 8 tỷ đồng - Ảnh: Tạ Tôn |
Nhà đầu tư cầu cứu
Theo Quyết định 746 ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường GPMB, tái định cư của dự án (khoảng 3.699 tỷ đồng) bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Đối với khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án. Còn lại, khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức KFW, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định của pháp luật liên quan.
“Theo kế hoạch, trong hai năm 2016 - 2017, chúng tôi sẽ được trả khoảng 2.000 tỷ đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước cho công tác đền bù GPMB cho dự án, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền”, lãnh đạo VIDIFI nói và cho biết, theo quy định của Chính phủ, đối với các dự án quan trọng, Nhà nước phải bố trí vốn ngân sách đề bồi thường, GPMB cho nhà đầu tư khi bắt đầu triển khai dự án.
Liên quan đến khoản vay 300 triệu USD từ nước ngoài, đại diện VIDIFI cho biết, vào cuối năm 2016, Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về dự thảo chuyển đổi, hỗ trợ khoản vay ngoài đầu tư cho dự án. Theo đó, VIDIFI chịu trách nhiệm trả nợ lãi, việc trả nợ gốc được bố trí bằng vốn ngân sách qua Bộ GTVT cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từng thời kỳ.
“Tuy nhiên, sau đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư có ý kiến chưa thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính. Vì vậy, thủ tục tái cơ cấu đối với khoản vay nước ngoài 300 triệu USD của dự án đến nay vẫn chưa được thực hiện”, lãnh đạo VIDIFI nói và khẳng định, nếu phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án không được bố trí sớm sẽ gây khó khăn rất lớn về tài chính, thậm chí phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư. Hiện, số vốn đã cho vay dự án chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng Ngân hàng Phát triển VN. Do đó, nếu các khoản hỗ trợ không được cấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngân hàng này.
Trước những khó khăn của dự án, vừa qua, VIDIFI đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 từ nguồn vốn dự phòng để hỗ trợ chi phí bồi thường GPMB cho dự án, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, VIDIFI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tái cơ cấu các khoản vay 300 triệu USD của dự án thông qua việc bố trí bổ sung vốn Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từng thời kỳ, trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 là 92,78 triệu USD và dự toán chi đầu tư phát triển của Bộ GTVT hàng năm để hỗ trợ trả nợ gốc cho các khoản vay nước noài của dự án được chuyển đổi theo cơ chế tiến độ trả nợ gốc của các hợp đồng vay.
“Đối với phần lãi vay, tạm thời tính toán vào phương án tài chính cập nhật của dự án thông qua việc bố trí nguồn từ doanh thu dự án để trả nợ lãi vay, đến năm 2018, cập nhật phương án tài chính để báo cáo lại”, VIDIFI đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận