"KKT ven biển phía nam Hải Phòng này có nhiều đặc điểm giống KKT tự do Incheon của Hàn Quốc", thông tin trên được ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban quản lý các KKT thành phố Hải Phòng thông tin tại hội thảo về khu công nghiệp, KKT ở thành phố sáng 12/9.
Ông Kiên cho biết thêm, đây sẽ là KKT ven biển thứ hai của Hải Phòng, sau KKT Đình Vũ - Cát Hải được thành lập năm 2008.
Việc thành lập KKT mới nhằm khai thác hiệu quả định hướng phát triển tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng; kết nối với các KKT lân cận (tỉnh Thái Bình và Quảng Yên, Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh).
Từ đây, Hải Phòng và các địa phương tạo thành chuỗi KKT ven biển, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Hải Phòng có vị trí địa kinh tế chiến lược, hội tụ 5 phương thức vận tải và có hậu phương công nghiệp là các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, là điểm cuối ra biển của các tuyến hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Đây là lợi thế quốc gia tạo nên động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế cả nước và vùng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, thành phố càng khẳng định vị thế là trung tâm kết nối, hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển.
Đề án KKT phía Nam Hải Phòng sẽ được vận dụng chính sách, cơ chế theo các khu thương mại tự do đã thành công trên thế giới. Khu kinh tế mới sẽ có các công trình hạ tầng quan trọng như sân bay Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn, hai trung tâm logistics ở Kiến Thụy và Tiên Lãng cùng hệ thống cảng dọc sông Văn Úc.
KKT mới đã có sẵn một số khu công nghiệp được quy hoạch như Tân Trào, Ngũ Phúc, Tiên Lãng nên không làm tăng diện tích tự nhiên của thành phố cũng như thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất các khu công nghiệp. TP Hải Phòng đang tiến hành các bước lập kế hoạch thành lập khu và trình Chính phủ xem xét.
Tại Hải Phòng, năm 1993, Thủ tướng quyết định thành lập Ban quản lý Khu chế xuất. Đến nay, thành phố đã có 14 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 6.100 ha và một KKT với tổng diện tích 22.540 ha. Tỷ lệ lấp đầy đạt 63,8%.
Sau 30 năm hoạt động, các khu công nghiệp, KKT trên địa bàn đã thu hút 688 dự án đầu tư với tổng vốn lên tới 36,32 tỷ USD. Các dự án tiêu biểu là Tổ hợp dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đăng ký đạt 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư 7,6 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone với tổng vốn 1,2 tỷ USD và Công ty Pegatron với tổng vốn 900 triệu USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận