Bài 1: Một Hải Phòng cất cánh sau "giấc ngủ đông dài"
Bài 2: Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng
Khẳng định vai trò là trung tâm logistics của khu vực và quốc tế
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng đã sớm có Chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị và quyết liệt triển khai thực hiện trong suốt nhiều năm qua.
Trong đó, thành phố luôn xác định, cùng với dịch vụ cảng biển, logistics là một trong ba trụ cột trong định hướng phát triển; đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của Hải Phòng.
Từ đó, TP Hải Phòng luôn nhất quán chủ trương là phát triển cảng biển, logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin...
Thực tế trong những năm qua, tốc độ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn TP Hải Phòng đạt mức tăng trưởng từ 20-23%/năm, tỷ trọng dịch vụ logistics đóng góp vào GRDP thành phố đạt từ 13-15%.
Để phát triển mạnh mẽ hoạt động logistics, Hải Phòng đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế và nhất là hệ thống cảng biển. Các dự án lớn theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đều nằm trong danh mục các dự án trọng điểm giai đoạn 2020-2025 được thành phố ưu tiên bố trí và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển.
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), hoạt động của dịch vụ logistics tại Hải Phòng bước đầu thể hiện vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như Đồng bằng sông Hồng. Nhưng so với tiềm năng và lợi thế, ngành logistics của Hải Phòng phát triển chưa tương xứng và chưa phát huy được hiệu quả vai trò đầu mối logistics quan trọng, kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Trong đó, chi phí logistics còn cao do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; công nghệ thông tin còn hạn chế, chất lượng và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực logistics còn yếu, hiện mới đáp ứng khoảng 40 đến 45% nhu cầu thị trường...
Hải Phòng hiện có 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics với hơn 170 nghìn lao động cùng 60 kho bãi chính có tổng diện tích khoảng 701ha. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng mới chỉ thực hiện các công đoạn thô như bốc xếp, kho bãi, vận chuyển đường bộ...với nguồn thu thấp, tạo giá trị gia tăng không cao, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như: ONE, Maersk-line, Mitsui O.S.K line, APL... hiện đang chiếm từ 75 - 80% thị phần logistics của Hải Phòng.
Cùng với đó, phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ vẫn chiếm tới hơn 80%, trong khi các phương thức vận tải có chi phí thấp như đường sắt, đường thủy nội địa chưa phát huy hiệu quả cao, khiến cho phí cao, làm giảm chất lượng dịch vụ logistics, tiềm ẩn nguy cơ về ùn tắc giao thông và tác động xấu đến môi trường…
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh: Là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực logistics và khu thương mại tự do, TP Hải Phòng cần tận dụng lợi thế về địa lý và nhân lực để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này.
"Với những tài nguyên sẵn có như cảng nước sâu, cảng biển truyền thống, cùng kết quả tích cực trong hoạt động trung chuyển hàng hóa và môi trường logistics trong khu vực, Hải Phòng hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics của khu vực phía bắc và quốc tế trong tương lai gần", bà Minh nhìn nhận.
Đột phá phát triển hạ tầng làm đòn bẩy phát triển logistics
Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc với 38 khu bến cảng biển chính; lượng hàng qua cảng năm 2020 đạt khoảng 142 triệu tấn/năm và đến năm 2023 đã đạt 170,08 triệu tấn (tăng 19,8%). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2023 đạt trung bình khoảng 14,73%/năm.
Hải Phòng có 8 đoạn luồng hàng hải chính: Lạch Huyện, Nam Triệu, Hà Nam, Cái Tráp, Bạch Đằng, Sông Cấm, Vật Cách và Phà Rừng.
Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được đưa vào hoạt động từ năm 2018 với 2 khu bến khởi động có khả năng tiếp nhận tàu từ 50.000 DWT tới 100.000 DWT, cho phép tàu mẹ đưa hàng thẳng từ Việt Nam đến Châu Âu, Bắc Mỹ, lượng hàng hóa qua các cảng Hải Phòng tiếp tục tăng nhanh.
Đồng thời, thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 6 bến tại Lạch Huyện và đang triển khai các bến tiếp theo. Theo dự kiến, trong quý I/2025, Hải Phòng có thêm bốn bến cảng nước sâu tại Lạch Huyện hoàn thành và đi vào khai thác.
Cùng với đó, hàng loạt công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, kết nối với hệ thống cảng biển được hoàn thành và phát huy tác dụng rất rõ nét như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; Quốc lộ 5; Quốc lộ 10 được nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đã hoàn thành xây dựng cầu Rừng, cầu Quang Thanh; cầu Dinh; cầu sông Hóa; cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện…
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết: Hiện, thành phố đã phối hợp tích cực với các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ đề án về phát triển Khu kinh tế ven biển phía nam - một dư địa và động lực cho kinh tế - xã hội thành phố nói chung và hoạt động logistics nói riêng phát triển mạnh mẽ và đột phá trong thời gian tới.
Theo đó, cùng với việc hình thành Khu kinh tế ven biển mới này theo định hướng Khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, thì Khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại, là đầu mối của TP Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới.
Tại đây, Hải Phòng dự kiến có tuyến cao tốc ven biển, Cảng biển Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng, hai tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Định - Hải Phòng - Quảng Ninh; Khu thương mại tự do; cùng hàng loạt các khu công nghiệp mới, mở ra dư địa rộng lớn hơn để Hải Phòng phát triển. Đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế TP Hải Phòng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận