Xã hội

Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn

Hải Phòng ghi nhiều dấu ấn mới trong công tác cải tạo, chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị đột phá về 3 hướng: bắc, đông và đông nam với những chiến lược rõ ràng.

Bài 1: Một Hải Phòng cất cánh sau "giấc ngủ đông dài"

Bài 2: Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng

Bài 3: Hải Phòng đột phá để trở thành trung tâm logistics khu vực và thế giới

Bài 4: Hải Phòng cần đột phá giao thông kết nối với hệ thống cảng biển

Bài 5: Hải Phòng: Nhà ở xã hội là động lực để phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Loạt đô thị vệ tinh mới được hình thành

Hải Phòng là đô thị có lịch sử truyền thống, gắn với quá trình xây dựng và phát triển lâu đời, là đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ45) xác định việc mở rộng không gian đô thị của thành phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn- Ảnh 1.

Một góc TP Hải Phòng nhìn từ trên cao.

Theo ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, trong những năm qua, thành phố đã và đang duy trì đà tăng trưởng cao, hướng đến mục tiêu là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc bộ và cả nước. Trong mục tiêu xây dựng và phát triển, TP Hải Phòng tập trung vào giải pháp đột phá nhằm hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang bản sắc đặc trưng riêng của thành phố cảng biển.

TP Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá đạt của Hải Phòng đạt 74-76%, đất xây dựng đô thị chiếm 34-35%. Tổng diện tích đất tự nhiên, đô thị trung tâm được mở rộng sang khu vực huyện Kiến Thuỵ, thành lập quận Kiến Thuỵ.

Đồng thời, phát triển 4 đô thị gồm các thị trấn An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Bà đạt tiêu chí đô thị loại IV, 6 đô thị như Xuân Đám, Phù Long (huyện Cát Hải), Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng), Tam Cường (huyện Vĩnh Bảo và đô thị trường Sơn (huyện An Lão) là đô thị loại V.

Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn- Ảnh 2.

TP Hải Phòng tập trung phát triển đô thị mới, mục tiêu trở thành một trong những thành phố đáng sống vào năm 2030.

Đặc biệt, đến năm 2030, huyện Kiến Thuỵ sẽ được nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp quận thuộc TP Hải Phòng. Nơi đây sẽ hình thành không gian kinh tế, khu công nghiệp tại một số khu vực, phát triển các ngành dịch vụ nhất là logistics và các ngành công nghiệp trên cơ sở khai thác tuyến đường ven biển và các công trình giao thông cấp quốc gia được quy hoạch trên địa bàn Kiến Thuỵ.

Hiện nay, mục tiêu đến năm 2025, TP Hải Phòng có tỷ lệ đô thị hoá đạt 60-70%, tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 31-32%, thành lập quận An Dương và TP Thuỷ Nguyên (bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên).

TP Hải Phòng đang thực hiện đúng lộ trình nâng cấp huyện An Dương thành quận, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đô thị hoá. An Dương sẽ trở thành trung tâm động lực phát triển công nghiệp công nghệ cao của Hải Phòng, phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, dịch vụ, trọng tâm là du lịch, logistics và lưu trú.

Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn- Ảnh 3.

Thành Phố Hải Phòng phấn đấu xây dựng Thủy Nguyên trở thành đô thị cấp II vào năm 2035

Còn Thuỷ Nguyên (bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên) sẽ được xây dựng thành đô thị loại III, trực thuộc TP Hải Phòng. Đây là khu vực đô thị mới gắn với trung tâm chính trị, hành chính của Hải Phòng, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch văn hoá và giải trí, y tế, giáo dục, trung tâm nghề cá cấp vùng, trọng điểm phát triển công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, động lực phát triển kinh tế biển.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP Hải Phòng đã đầu tư, xây dựng mới, phát triển thành phố trở thành một trong các thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị loại I, cấp quốc gia. Công cuộc cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị, cải tạo các khu vực dân cư đô thị hiện hữu, khu vực dân cư đô thị hóa cũng là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của thành phố.

Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn- Ảnh 4.

Trung tâm chính trị - hành chính TP Hải Phòng đang được xây dựng tại Khu đô thị Bắc sông Cấm, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Không chỉ tập trung mở rộng không gian đô thị của thành phố, việc nâng cấp, cải tạo đô thị cũ cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 205 chung cư cũ, trong đó đã hoàn thành đầu tư xây dựng 7 tòa chung cư mới trên nền hiện trạng khoảng 31 chung cư cũ và hiện đang tiếp tục hoàn thiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ theo quy định.

Việc tăng hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tối ưu hóa công tác vận hành và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sẽ nâng cao năng lực phục vụ cộng đồng, phục vụ nhân dân thành phố.

Theo ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, NQ45 là kim chỉ nam và là hành lang pháp lý để thành phố Hải Phòng thực hiện các chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển đô thị.

3 hướng đột phá chiến lược

Thời gian qua, TP Hải Phòng đã tập trung cao cho công tác phát triển đô thị, đồng thời cũng gắn với công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị theo chương trình công tác năm, trọng tâm phát triển, mở rộng không gian đô thị về 3 hướng đột phá phát triển đô thị.

Cùng với đó, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai rầm rộ, hiệu quả, góp phần rút ngắn khoảng cách, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, tạo tiền đề cho các kế hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2030- 2050.

Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn- Ảnh 5.

Lãnh đạo TP Hải Phòng rất quan tâm tới chương trình phát triển nhà ở xã hội, cải tạo và mở rộng không gian đô thị của thành phố.

Hướng Bắc phát triển trên địa bàn huyện Thủy Nguyên với khu đô thị mới Bắc sông Cấm với các hạng mục trọng tâm như xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị thành phố, khu vui chơi - giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên.

Hiện nay, Khu trung tâm hành chính Bắc sông Cấm hiện đã được khởi công xây dựng với định hướng phát triển nhiều không gian xanh. Đến năm 2035, TP Hải Phòng tập trung nguồn lực để phát triển đô thị TP Thuỷ Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại II.

Hướng Đông với việc xây dựng các khu đô thị phục vụ du lịch đảo Cát Bà, khu nhà ở công nhân Đình Vũ (quận Hải An), Cát Hải (huyện đảo Cát Hải) và khu hậu cần phục vụ tuyến cáp treo Cát Hải - Cát Bà. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện; quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí đảo Cát Bà.

Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn- Ảnh 6.

Theo lộ trình huyện An Dương, TP Hải Phòng sẽ trở thành đơn vị hành chính cấp quận vào năm 2025.

Hướng Đông Nam đột phá phát triển về phía quận Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray với việc triển khai nhiều dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại ở khu vực cửa ngõ phía Nam Hải Phòng như hoàn thiện xây dựng khu du lịch Đồi Rồng, đầu tư các dự án du lịch tại Đồ Sơn (quận Đồ Sơn).

Trong giai đoạn 2021-2025, 62 công viên vườn hoa với tổng diện tích khoảng 71ha đã được đầu tư, 8 công trình đã được đầu tư và đưa vào sử dụng trong năm 2021, 54 công viên, vườn hoa, với mục tiêu xanh hóa đô thị, nâng cao chất lượng sống nhân dân thành phố đang được đầu tư tiếp.

Những công trình trên sẽ góp phần hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I trên địa bàn thành phố và hướng tới mục tiêu chí đô thị loại đặc biệt vào năm 2030 theo yêu cầu NQ45.

Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn- Ảnh 7.

Dự án Đồi Rồng với tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD đang thay đổi diện mạo của quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng

Ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Để rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, TP Hải Phòng tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố và ổn định đời sống dân sinh.

Hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện với 46 cây cầu được xây dựng, hàng chục bến phà, đò đã được thay thế bằng cầu cứng, hiện đại. Đặc biệt, 118 tuyến đường nội đô được trải bê tông nhựa phẳng phiu.

"Các nút giao thông trọng yếu đã được đầu tư cải tạo mở rộng đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị chung thành phố", ông Quân nhìn nhận.

Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn- Ảnh 8.

Huyện Thủy Nguyên đang đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của TP Hải Phòng.

Theo đại diện lãnh đạo UBND TP Hải Phòng: Trong giai đoạn tiếp theo, Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình giao thông trọng điểm, hoàn thiện các yêu cầu, mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra tại NQ45.

Đồng thời, chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị góp phần hoàn thành các nhiệm vụ về tái thiết, cải tạo, chỉnh trang đô thị thành phố theo yêu cầu tại nghị Quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.